Theo kế hoạch, một ngày sau trận đấu với Indonesia ở lượt bốn vòng loại World Cup 2026, VFF và HLV Troussier mới ngồi lại để đánh giá về các vấn đề chuyên môn.
Nhưng ngay sau trận đấu trên sân Mỹ Đình, VFF đã triệu tập cuộc họp khẩn tại trụ sở trên đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm), nằm đối diện sân Mỹ Đình. Thành phần tham dự gồm nhóm lãnh đạo VFF cùng HLV Troussier, bắt đầu từ gần 22h đến 23h30. Vấn đề được đặt ra xoay quanh tương lai của nhà cầm quân người Pháp.
"Về lý thuyết, đội tuyển chưa hết cơ hội ở vòng loại, do còn hai lượt trận cuối cùng vào tháng 6 gặp Philippines và Iraq. Do đó, trên phương diện hợp đồng chúng tôi không thể sa thải Troussier", một trong bốn thành viên cấp cao VFF tham gia cuộc họp nói với VnExpress. "Tuy nhiên, chúng tôi thuyết phục Troussier phải nhìn vào thực tế, khi niềm tin đã chạm đáy, người hâm mộ phản ứng dữ dội và đội tuyển cần cải tổ ngay lập tức".
Trong quá trình thương thảo, đôi bên cùng đi đến thỏa thuận chấm dứt hợp đồng từ ngày 26/3/2024 và không có đền bù. VFF đề nghị "hỗ trợ" khoảng ba tháng tiền lương, và Troussier vui vẻ chấp nhận. "Ông ấy dường như đã chuẩn bị tinh thần cho việc này", một nguồn tin khác cho hay.
Theo hợp đồng ký hồi tháng 2/2023, có thời hạn đến tháng 7/2026, HLV Troussier được giao nhiệm vụ giúp U23 bảo vệ HC vàng SEA Games, đưa đội tuyển quốc gia vượt qua vòng loại hai World Cup 2026 và giành lại AFF Cup 2024. Nếu không hoàn thành, ông sẽ bị sa thải. Trong số này, mục tiêu thứ nhất đã thất bại khi Việt Nam thua Indonesia 2-3 ở bán kết và chỉ giành HC đồng SEA Games 32 tại Campuchia hồi tháng 5/2023. Còn tại vòng loại World Cup, đội tuyển thua ba trong bốn trận, đang đứng thứ ba bảng F, kém Iraq chín điểm và Indonesia bốn điểm nên gần như hết hy vọng.
Theo tìm hiểu của VnExpress, mức lương của Troussier nhỉnh hơn một chút so với con số 50.000 USD mỗi tháng sau thuế của người tiền nhiệm HLV Park Hang-seo. Một phần nguyên nhân là ông dẫn dắt đồng thời cả đội tuyển quốc gia lẫn U23 Việt Nam.
VFF từng cho biết, trước đây Troussier được chọn kế nhiệm HLV Park vì có hồ sơ đẹp hơn các ứng viên khác, đồng thời đã gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu năm.
Troussier từng làm Giám đốc Kỹ thuật của Trung tâm đào tạo bóng đá PVF từ tháng 3/2018. Trong giai đoạn 2019-2021, ông dẫn dắt thêm U19 Việt Nam, giành vé dự VCK U19 châu Á 2020. Nhưng vì Covid-19, giải đấu này bị hủy. Đến tháng 6/2021, ông hết hợp đồng với PVF nên kết thúc luôn việc kiêm nhiệm ở các đội tuyển trẻ Việt Nam.
Trước khi đến Việt Nam, Troussier được mệnh danh là "Phù thủy Trắng", nhờ nhiều thành tích với bóng đá châu Phi. Ông còn giúp U20 Nhật Bản giành vị trí á quân U20 World Cup 1999, tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 rồi vào vòng 1/8 World Cup 2002.
Dưới thời Troussier, Việt Nam chỉ thắng bốn, trong đó trận chính thức duy nhất là trước Philippines ở lượt mở màn vòng loại hai World Cup. Số trận thua là chín, với sáu trận thua liên tiếp ở giải chính thức, trong đó có ba trận trước Indonesia. Từ một đội phòng ngự chặt chẽ, Việt Nam thủng lưới 21 bàn (1,69 bàn/trận), còn thời Park là 0,84 bàn/trận. Đội cũng không thể hiện được triết lý kiểm soát bóng và tấn công như lời ông Troussier nói ngày nhậm chức, khi chỉ ghi 10 bàn (0,77 bàn/trận), còn thời Park là 1,64 bàn/trận.
Trong một năm qua, từ vị trí thứ 95 FIFA và đứng đầu Đông Nam Á, Việt Nam đã tụt xuống thứ 105 và khả năng cao sẽ lần đầu rơi khỏi top 110 kể từ tháng 3/2018.
Chuỗi trận thất vọng, cùng lối chơi thiếu bản sắc, những bất thường trong việc sử dụng nhân sự và cách hành xử "trịch thượng" đối với truyền thông khiến HLV Troussier bị chỉ trích ngày càng dữ dội. Trong một số cuộc họp báo gần đây, nhà cầm quân sinh năm 1955 nhiều lần tự khẳng định có khoảng 80% người hâm mộ cũng như nhà báo muốn ông bị sa thải.
Hôm qua, rất nhiều CĐV mang băng-rôn, khẩu hiệu "Sa thải Troussier", "Troussier out" đến sân Mỹ Đình. Giữa và sau trận đấu, họ còn đồng thanh hô vang, yêu cầu nhà cầm quân người Pháp từ chức. Đây là điều chưa từng có đối với một HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
Lâm Thỏa