Tính từ khi thăng hạng V-League năm 2003, HAGL là đội bóng thay đổi nhiều nhất trên ghế HLV: tổng cộng 15 lần, tức là trung bình mỗi năm một nhà cầm quân với tổng cộng 11 cái tên khác nhau từng được đăng ký chức danh chính thức. Bên cạnh đó, HAGL còn sở hữu năm Giám đốc kỹ thuật - những người có quyền lực và sự can thiệp vào chuyên môn chẳng khác nào HLV trưởng. Trái lại, 10 năm đá chuyên nghiệp của CLB Hà Nội T&T (hiện nay là CLB Hà Nội) chỉ có năm HLV.
Bầu Đức từng cho rằng chỉ cần có cầu thủ giỏi thì một HLV có trình độ nhất định cũng sẽ thành công. Nhưng rõ ràng, nếu ông không đánh giá cao vai trò của HLV, sẽ không có số lượng kỷ lục kể trên tại đội bóng phố núi.
Một dẫn chứng khác: HLV đã đem về hai chức vô địch cho HAGL là Arjhan Somgamsak từng bất ngờ bị đem cho mượn tới Bình Định năm 2005, sau đó được gọi lại hòng cứu vãn thành tích thi đấu bết bát năm 2006. Điều này cho thấy bầu Đức ý thức rõ vai trò của HLV. Tương tự, các HLV như Kiatisuk Senamuang, Dusit, Chatchai đều từng hai lần ngồi ghế thuyền trưởng HAGL. Đó đều là những con người có tiếng tăm của bóng đá Thái Lan và Đông Nam Á. Thậm chí, bầu Đức từng chấp nhận sa thải bản hợp đồng kỷ lục, một ngôi sao lớn như Lee Nguyễn chỉ để bảo vệ uy quyền cho HLV Kiatisuk năm 2010.
Sau này cũng vậy. HAGL từng cất công mời các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, như Choi Yoon-kyum với ba mùa giải làm HLV hay mới đây là Chung Hae-seong, trợ lý HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002, làm Giám đốc kỹ thuật. Tất cả đều nhằm đưa HAGL trở lại với quỹ đạo thành công như giai đoạn 2003-2005. Nhưng mọi thứ vẫn không đi đúng hướng.
Có thể nói, thành công của bóng đá Việt Nam hiện nay có sự đóng góp lớn của bầu Đức thông qua mối quan hệ của ông với HLV Park Hang-seo. Nhưng tại chính CLB của mình, bầu Đức không tìm được một ông thầy đem lại thành công.
Một trong những cầu thủ từng khoác áo HAGL thời hoàng kim, bây giờ là HLV Phạm Minh Đức, từng đánh giá bầu Đức là "người rất đam mê nhưng ít am hiểu bóng đá". Có vẻ như điều này là chính xác. Nói về tình yêu dành cho bóng đá, khó có ai qua được bầu Đức, nhưng chính niềm đam mê ấy cũng khiến ông lạc lối khi đụng vào một vị trí mà sự quyết định cần dựa hoàn toàn vào chuyên môn.
Để thay đổi đẳng cấp một đội bóng có khi chỉ mất một năm cùng với một HLV giỏi, như trường hợp của U23 và đội tuyển Việt Nam. Nhưng để có HLV phù hợp lại cần thời gian và một chút may mắn. Với mật độ mỗi năm thay một HLV, đúng là vấn đề lớn nhất của HAGL nằm ở chính người ra các quyết định sa thải hay thuê HLV: bầu Đức.
Sự gần gũi quá nhiều của bầu Đức với đội bóng là nguyên nhân khác. Trong 4 năm gần đây, sau khi đưa lứa U19 mà ông yêu quý lên đá V-League, bầu Đức đã ba lần thay đổi HLV. Lần lượt là Guillaume Graechen, Nguyễn Quốc Tuấn và Dương Minh Ninh. Khi nhậm chức, họ đều chưa từng cầm quân ở V-League. Thậm chí, với trường hợp của giảng viên học viện HAGL Arsenal JMG Guillaume Graechen, có thể ví vón rằng bầu Đức đã đưa một giáo viên cấp 1 chuyên rèn luyện kỹ năng cơ bản lên dạy học sinh cấp 3 để... thi đại học. Trong lúc cần một người cha có kinh nghiệm và khắt khe để thúc đẩy sự trưởng thành, các cầu thủ trẻ của HAGL lại được bố trí những người anh - xét trên cả tuổi đời lẫn tuổi nghề cũng như sự thân thuộc. Nói chuyện tâm tình, động viên nhau thì được chứ để nâng tầm bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc thì rất khó.
Với một trận thua trước TP HCM ở vòng 2, chưa thể đánh giá về triển vọng của HAGL mùa này. Nhưng việc để thua chính "người cũ" Chung Hae-seong lại là câu chuyện khác, khi nó cho thấy HAGL sẽ khó mà đi xa nếu như bầu Đức không thực sự hiểu ông cần gì ở một HLV.
Song Việt