Triều đại Park được xây dựng từ đội U23 Việt Nam hồi tháng 10/2017. Khi đó, đội tuyển quốc gia đang trong tình trạng buộc phải cải tổ sau thất bại ở AFF Cup 2016. Khoảng một nửa cầu thủ U23 hồi đó từng được hai vị tiền nhiệm là Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng gọi lên đội tuyển. Vì thế, dù bắt đầu bằng U23, HLV Park trên thực tế bắt tay ngay vào việc xây dựng đội tuyển quốc gia.
13 cầu thủ U23 từng được gọi trong lần tập trung đầu tiên dưới thời ông có tên trong danh sách đăng ký thi đấu trận chung kết AFF Cup 2018. Đến SEA Games 2019, những cầu thủ quan trọng nhất đem về tấm HC vàng, thực ra không thuộc tuyến U22 mà chủ yếu là trụ cột của tuyển quốc gia. Trong đó bao gồm hai cầu thủ quá tuổi Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Trọng Hoàng, cùng những người "ăn cơm tuyển" từ lâu như Đoàn Văn Hậu.
Ba năm làm việc vừa qua, thực tế, HLV Park không trình làng được nhiều cầu thủ trẻ ưu tú dù ông làm việc cùng lúc ở tuyển trẻ và quốc gia. Đa số tài năng trẻ mà ông đang có đều được biết đến từ những năm 2016-2017. Sự khác biệt của HLV Park so với những vị tiền nhiệm là biến các cầu thủ thành những ngôi sao thực thụ. Đấy chính là tài năng và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của ông đối với bóng đá Việt Nam.
Nhờ một dàn tuyển thủ có tuổi bình quân còn trẻ và có thể chơi chung với nhau ít nhất năm năm nữa, công việc chính của HLV Park có lẽ là tập trung nâng cấp đội tuyển quốc gia. Đội bóng đó hoàn toàn có thể trở nên mạnh hơn, hoàn hảo hơn, nếu được sàng lọc và bổ sung các cầu thủ từ V-League. Yêu cầu ông "đãi cát, tìm vàng" là không cần thiết.
Minh chứng cụ thể nhất là trường hợp tiền đạo Nguyễn Anh Đức. Lão tướng sinh năm 1984 chắc chắn càng đá, càng kém do vấn đề tuổi tác và thời gian thi đấu. Nhưng, thay vì tạo điều kiện cho một tiền đạo nào đó, HLV Park vẫn cần đến Anh Đức. Nhìn vào danh sách tập trung của đội U22 vừa công bố, hơn 50% là cầu thủ của hạng Nhất. Chất lượng cầu thủ thấp như vậy, lại ít được thi đấu, cơ hội để họ lên tuyển gần như là con số 0. Hơn nữa, V-League hiện nay có tính cạnh tranh cao, cũng đã giới thiệu không ít cầu thủ vừa giỏi vừa trẻ. Nếu những người như thế còn chưa chắc có chỗ ở đội tuyển, thì tầm U22 càng không thể.
Đấy là nói về chuyên môn. Hoàn cảnh hiện tại càng cho thấy việc giao cho HLV Park nhiệm vụ ở đội U22 là không hợp lý. Dù đó là trách nhiệm của nhà cầm quân người Hàn Quốc và phù hợp với tiền lương mà ông đang nhận, việc này có thể chỉ khiến bóng đá Việt Nam "mất cả chì lẫn chài".
Lịch đấu của bóng đá Việt Nam trong năm 2021 rất phức tạp. Đội tuyển quốc gia sẽ dự vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á và AFF Cup 2020. Đội U22 phải thi đấu ở vòng loại U23 châu Á 2022 và SEA Games 2021. Đến giờ, không ai dám chắc lịch đấu của các sự kiện này có chồng chéo lên nhau, diễn ra cùng thời gian hay không. Bóng đá thế giới phân biệt rõ đội tuyển quốc gia và tuyến U23, nên khi lên lịch thi đấu, họ không phải chú ý đến chi tiết "2 trong 1" của các HLV như thầy Park. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên có thể phải đến giữa năm sau, hoạt động thi đấu quốc tế mới trở lại bình thường. Các giải đấu có thể sẽ được dồn lịch trong cùng một thời điểm, chứ không phân đều ra 12 tháng như trước.
Vậy thì bây giờ giao đội U22 cho HLV Park để làm gì, khi sang năm 2021 dự kiến ông không có chút thời gian nào cho đội trẻ này. Không chỉ nhận nhiệm vụ bảo vệ danh hiệu ở AFF Cup, trách nhiệm của HLV Park ở vòng loại World Cup mới quan trọng nhất. Đội tuyển đang đứng trước cơ hội rất lớn để đoạt vé vào vòng đấu loại cuối cùng với 10 trận đấu kéo dài từ giữa năm 2021 đến tháng 3/2022.
Nếu đã có cơ sở để đặt ra tham vọng, thì ngay từ bây giờ, đội tuyển quốc gia cần được tập trung ưu tiên. Không lẽ khi đội tuyển vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022, thầy Park vẫn phải "vật lộn" với đội U22 tại SEA Games 2021? Dựa trên các kế hoạch cũ của bóng đá Việt Nam và triển vọng ở các giải đấu, trong năm 2021, nếu vẫn kiêm nhiệm cả hai đội tuyển, HLV Park sẽ có đến 30 trận đấu chính thức và tối thiểu 10 trận giao hữu, tập huấn trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 11. Một con số khủng khiếp đối với HLV trưởng đội tuyển quốc gia, chưa kể ông phải vừa lo vấn đề chiến thuật, vừa lại đóng vai một người "phát hiện tài năng".
Đội tuyển không cần trẻ hóa hay bổ sung người từ U22. Lịch thi đấu hoàn toàn bị động. Nhiệm vụ hai đội hoàn toàn khác nhưng lại nặng nề như nhau. Đây là ba lý do mà VFF cần chủ động tách HLV Park ra khỏi đội U22 dù điều đó có khiến họ thiệt hại về tài chính - nhưng có thể có những cái được lớn hơn. Chất lượng cũng như các mục tiêu hiện nay của U22 không phù hợp với công việc của HLV Park trong năm 2021. Đội bóng trẻ này nên giao được hẳn cho một HLV có quan điểm bóng đá tương đồng với ông. Nhiệm vụ của người này không phải là thành tích, mà xây dựng nền móng cho 3-5 năm sau. Đương kim HLV U19 Philippe Troussier có thể là gợi ý.
Còn với HLV Park, riêng việc vòng loại World Cup và AFF Cup bị lùi cũng đã khiến ông đau đầu về vấn đề nhân sự. Để giúp ông, VFF cần duy trì nhịp thi đấu cho V-League, giữ phong độ cầu thủ ổn định và thời gian để ông chọn thêm người. Riêng nhiệm vụ đó chưa bao giờ là dễ dàng.
Song Việt