- Từng ba lần giành HC vàng SEA Games và là HLV thành công nhất lịch sử tuyển nữ Việt Nam. Cơ duyên nào đưa ông đến với bóng đá nữ? (Đỗ Hoàng Long, 38 tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội)
- Tôi được đào tạo làm bóng đá nam. Tới năm 1997, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bắt đầu chuẩn bị SEA Games đầu tiên có bóng đá nữ. Việt Nam khi đó mới có ba CLB bóng đá nữ ở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, đá vòng tròn giao lưu. Indonesia tổ chức SEA Games có bóng nữ và VFF quyết đinh thành lập đội tuyển. Khi đó, lãnh đạo cân nhắc anh Nguyễn Đình Hùng của Than Quảng Ninh và tôi. Không hiểu cơ duyên nào lãnh đạo lại cho tôi làm HLV đội nữ, dù khi đó tôi làm HLV bóng đá ở Tổng cục Đường sắt. Cơ duyên tự nhiên đến và tôi muốn thử sức mình sau một thời gian dài làm bóng đá nam từ 1984. Bắt đầu từ đấy, mọi người biết tới tôi với bóng đá nữ.
- Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông trong ba giai đoạn nắm tuyển bóng đá nữ Việt Nam? (Nguyễn Thị Thuỷ, 61 tuổi, Lệ Thuỷ - Quảng Bình)
- Tôi nhớ nhất là SEA Games 2003, Việt Nam lần đầu đăng cai đại hội này. Khi đấu ở Hải Phòng, trận đầu tiên, sân vắng lắm. Sân Lạch Tray bao giờ cũng rất đông nhưng khi tuyển nữ đá lại vắng. Bạn bè tôi phải đi vận động các trường học để tìm khán giả. Nhưng đến bán kết, sân chật kín, không còn vé. Có cặp vé giá đến một triệu đồng. Khán giả đạp đổ cửa sân để chen vào sân. Đường chật kín và công an phải dẹp đường cho đội đi. Cuối cùng, chúng tôi giành HC vàng. Đến giờ tôi vẫn cảm ơn người dân và CĐV Hải Phòng khi cho tôi được chứng kiến khung cảnh đó.
Còn khi nói về đội nữ ở SEA Games vừa qua, tôi nhớ về một cầu thủ trong đội. Sau khi giải đấu diễn ra, cô ấy mới thông báo với ban huấn luyện là cô đã có bầu mấy tháng. Tiết lộ ấy khiến tôi sững sờ và phải ngả mũ thán phục cô. Tôi xin phép không tiết lộ tên cầu thủ này, nhưng qua đây, chúng ta thấy tinh thần thi đấu vì bóng đá nước nhà của các VĐV nữ lớn như thế nào.
- Bóng đá nữ Việt Nam đã năm lần đoạt HC vàng SEA Games, nhưng vẫn chưa thể thoát ra khỏi khu vực, để chinh phục vinh quang ở tầm cao hơn như châu lục hay giành vé dự World Cup. Là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về bóng đá nữ nước nhà, theo ông, chúng ta cần thêm những yếu tố gì để bóng đá nữ có thể làm một cú rướn, vượt ngưỡng hiện tại? (Hương Phạm, 50 tuổi, Munchen - Đức)
- Ở khu vực Đông Nam Á, nếu so với các nước, chúng ta cũng không thể so sánh được về cơ sở vật chất. Chúng ta phải thông cảm với điều kiện của đất nước hiện tại. Thể hình chúng ta thấp bé, và đặc biệt là phụ nữ. Tổng cục Thể dục Thể thao đang làm đề án cải tạo nòi giống. Khi kinh tế phát triển hơn nữa, thể dục thể thao cũng sẽ phát triển theo. Hiện nay, chúng ta cũng chỉ có một số đội tham dự bóng đá nữ, rất ít.
Quan niệm của người Việt Nam cũng mặc định rằng con gái không nên theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng bây giờ mọi chuyện cũng đã thay đổi nhiều. Những thành tích thể thao của phái nữ đang chiếm phần lớn trong thành tích chung. Để có nền móng tốt, chúng tôi muốn tuyển chọn lực lượng ngay từ các sinh viên của trường đại học.
- Khi làm bóng đá nữ, thu nhập của các cầu thủ thế nào? Khi nắm đội ở V-League, ông cảm nhận thế nào về sự khác biệt thu nhập giữa hai bên? Bên cạnh yếu tố thu nhập, trong cách làm việc với tuyển nữ và tuyển nam còn có gì khác nhau? (Jerry Le, 31 tuổi, Marseille - Pháp)
- Nói có thể các bạn không tin, nhưng thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ thấp lắm, chỉ khoảng hai triệu đồng một tháng.
Còn tôi thì sinh ra trong một gia đình lao động bình dân, cũng rất khó khăn. Hiện tại, tôi đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn phải làm việc để hỗ trợ thêm cho các anh chị em. Tất nhiên, tôi có đam mê với bóng đá. Nhưng nói tôi đi làm không phải vì tiền là không đúng. Ở các CLB có các khoản lương năm, khi nhận được tiền đó tôi sướng lắm, vì nó giúp tôi giải quyết nhiều vấn đề. Tôi có thể dùng tiền đó giúp mọi người, làm từ thiện.
Hồi năm 2010, tôi từng nhận khoản lương 40 triệu ở Bình Dương. Tôi cho đó là một khoản tiền đồ sộ, vì so với lương nhà nước, nó rất lớn. Thậm chí, khoản tiền lương đó khiến tôi mất ăn mất ngủ.
Hiện nay, VFF có chủ trương bình đẳng về hỗ trợ cho các đội tuyển nam và nữ. Các bạn nghĩ đội nữ bị thiệt thòi là không đúng. Về chính sách, các đội tuyển được hỗ trợ ngang nhau. Đội nữ thậm chí còn được hỗ trợ một triệu đồng tiền mua kem chống nắng. Đó có thể xem là chút ưu ái cho đội nữ. Vấn đề là các nhà tài trợ thích đội nam hơn. Nên qua đây, tôi xin các nhà tài trợ chú ý đến đội nữ hơn. Hỗ trợ cho đội nam mười phần thì cũng nên giúp đội nữ bảy, hoặc tám phần, để các em, các cháu đỡ cảm thấy tủi thân hơn.
- Chú Mai Đức Chung ơi, công ty cháu muốn hỗ trợ riêng cho đội bóng nữ mà không qua VFF có được không ạ? (Hoàng Luyến, 30 tuổi, Cầu Giấy)
- Tôi xin cám ơn độc giả thành ý này. Nếu bạn tài trợ cho bóng đá nữ thì có thể liên hệ qua VFF, hoặc qua tôi. Khi đó, chúng tôi có thể tổ chức một lễ ký kết tài trợ đúng nghĩa.
- Tôi đưa lương cho vợ hàng tháng mà vợ còn chưa nghe lời, bác Chung làm cách nào mà hơn 20 cầu thủ nữ lại răm rắp nghe theo để đoạt ba HC vàng SEA Games? (Huỳnh Anh Chương, 34 tuổi, TP HCM)
- Người ta bảo tôi quản lý 33 "con hổ cái", nhưng thực ra tôi xem như các cháu tôi. Tôi rất thương các cháu. Nếu có gì không thể thổ lộ với tôi, thì các cháu có thể kể với các HLV phó và họ sẽ truyền đạt lại. Tôi cũng chỉ tiếp xúc với các học trò ở trên sân chứ không bao giờ vào phòng riêng, kể cả chuyện tâm tư tình cảm. Tôi có thể gọi riêng từng người sau buổi tập để nói chuyện.
Có cầu thủ xin tôi nghỉ một ngày để về thắp hương trong ngày giỗ mẹ. Tôi thấy đó là lý do quá đầy đủ, và ngay lập tức cho cháu về nghỉ. Giữa tôi với các cầu thủ nữ là thứ tình cảm mà tôi thấy như bác cháu, cha con. Nhưng trên sân, tôi rất nghiêm khắc. Chuyện quát tháo, phạt các VĐV là rất bình thường. Nếu các cháu không vượt qua được các bài tập, thì đội không thể đủ thể lực đấu với Thái Lan và Myanmar. Ngoài đời thì tôi rất tình cảm, không có phân biệt gì cả.
- Xin ông cho biết điểm khác biệt về chiến thuật giữa đội tuyển bóng đá nữ và đội tuyển bóng đá nam Việt Nam là gì? (Trần Bá Hiệp, 35 tuổi, Quận 12 - TP HCM)
- Bóng đá vốn là môn thể thao dành cho nam nhiều hơn là nữ. Nếu so về sức, cầu thủ nữ không thể bằng đồng nghiệp nam, nhưng phái nữ có sức chịu đựng tốt hơn. Tôi nhớ có lần cùng đội nữ tập luyện cạnh nơi đóng quân của đội nam, một cầu thủ của đội nam đến chỗ tôi và hỏi: "Bố ơi sao hôm nay bố cho đội nữ tập nặng thế?". Tôi khi đó trả lời: "Con ạ, nữ mà tập ít thì không có sức mà đá đâu. Nhưng nữ có sức chịu đựng lớn hơn bọn con nhiều".
Chính nhờ đặc điểm về sức chịu đựng đó nên tôi tập trung tăng cường thể lực cho bóng đá nữ. Điểm yếu của bóng đá nữ là thể lực. Tôi biết điều đó nên đã cố gắng cải thiện. Có giải chúng tôi đá hai trận liên tiếp 120 phút nhưng vẫn chịu được. Tôi rất mừng vì điều đó.
Tôi nhớ có lần đá giải ở Myanmar, một bà quan chức bóng đá châu Á đến hỏi tôi: "Ông có phải người Hàn Quốc không?". Ông Dương Vũ Lâm thay lời tôi đáp: "Không phải, ông ấy người Việt xịn đấy". Bà ấy hỏi tiếp: "Thế sao đội nữ của ông khỏe thế? Tôi chưa bao giờ thấy một đội nữ Đông Nam Á khỏe như thế". Câu chuyện đó khiến tôi rất vui, vì những nỗ lực cải thiện thể lực cho bóng đá nữ đã được ghi nhận.
Tôi cũng mừng vì bóng đá nữ được cải thiện không chỉ về thể lực mà còn kỹ chiến thuật. Tôi cũng chưa từng tham gia khóa đào tạo nào chuyên về bóng đá nữ, nên phải vận dụng những kiến thức từng học về bóng đá nam. Từ quá trình làm việc, tôi rút ra một điều là cầu thủ nữ thì tiếp thu chậm hơn nam, nên phải kiên trì khi huấn luyện.
- Tại sao ông lại chấp nhận lời đề nghị làm HLV tạm quyền đội tuyển bóng đá nam, thay vì nghỉ ngơi, tận hưởng chiếc HC vàng vừa đoạt được cùng đội bóng đá nữ? Ông chịu áp lực gì và từ đâu khi phải đưa ra quyết định này? (Đào Khắc Tiến, 31 tuổi, Quận 2 - TP HCM)
- Nhiều người nghĩ tôi điên khi nhận đội nam lúc khó khăn, dù mới giành HC vàng với đội nữ. Tôi là con người giản dị bình thường, cũng phải suy nghĩ một ngày mới nhận dẫn dắt đội nam đá trận vừa qua. Tôi nghĩ giữa lúc khó khăn, VFF cần mình mới mời, và chắc chắn cũng nghĩ tốt về mình mới mời, vì còn nhiều người trẻ và giỏi khác như Huỳnh Đức sao không mời, mà lại mời tôi.
Hơn nữa, tôi là Đảng viên và tôi còn hợp đồng với VFF, và được phân công, thì tôi sẽ làm. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, tôi không nhận thì lại gây khó khăn cho mọi người. Hơn nữa, HLV bóng đá nam cũng là nghề chính của tôi, vì tôi vốn làm đội nam chứ không phải nữ. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu nếu thắng thì được nâng lên, còn thua thì dư luận sẽ dìm tôi xuống. Dù vậy, tôi cũng không sợ khó khăn vì đã quen rồi.
Gia đình rất tôn trọng tôi, nhưng họ cũng lo lắng. Các em bảo tôi đừng nhận, khó lắm, nếu được thì không sao còn thua thì mất hết. Tôi bảo các em đừng lo và để tôi làm công việc của mình. Tôi xác định rằng mình sẵn sàng hy sinh danh tiếng nếu thua ở trận đấu với Campuchia vừa rồi.
- Tôi đã xem trận Campuchia - Việt Nam hôm 5/9 và thấy đội tuyển chơi quá rời rạc. Tại sao ông không kế thừa bộ khung U22 mà HLV Hữu Thắng để lại, rồi bổ sung thêm một số trụ cột đang có phong độ tốt cho trận đấu với Campuchia, vì các cầu thủ U22 đã có lối chơi rất nhuyễn và phù hợp, có nền tảng thể lực đã chuẩn bị hơn một tháng, và các cháu này cũng sẽ là trụ cột của tuyển trong năm tới và các năm sau? (Nguyễn Hoài Bảo, 45 tuổi, 158 Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B - Bình Tân - TP.HCM)
- Cảm ơn anh đã hỏi câu này. Nếu đội U22 thành công, tôi sẽ sử dụng bộ khung đó. Nhưng các cháu đang bị hụt hẫng sau khi không đạt được thành tích như chờ đợi. Tôi là một trong những người động viên các cháu. Nhiều người chất vấn tôi vì gọi Phí Minh Long, Mạc Hồng Quân, và tôi phải đứng ra bảo vệ các cháu. Quan điểm của tôi là nếu chỉ sai sót về chuyên môn, thì phải để các cháu sửa chữa. Nếu các cháu bán độ, tôi sẽ không bao giờ đoái hoài đến. Về Minh Long, cậu ấy là một cầu thủ trẻ mắc sai lầm. Tôi phải nâng cháu đứng dậy. Tôi đưa các cháu vào danh sách, nhưng có sử dụng hay không thì là chuyện khác. Một cầu thủ trẻ mà đứng trước sức ép như thế, và nếu tôi cũng đi theo luồng dư luận, ai sẽ giúp các cháu lấy lại tinh thần? Ở trận vừa rồi, tôi đã đưa Công Phượng và Văn Thanh vào đội hình chính nhưng tiếc là Công Phượng chưa thể lấy lại tinh thần còn Văn Thanh thì bị căng cơ và phải rời sân sớm.
- Trận gặp Campuchia vừa rồi, thể lực của cầu thủ Việt Nam rất đuối. Mới phút 70 mà tôi thấy nhiều cầu thủ đã bị chuột rút, đi bộ trên sân rồi. Ông lý giải điều này ra sao? (Vũ Sang, 29 tuổi, Hồ Tây - Hà Nội)
- V-League dừng thi đấu hai tháng nay. Các CLB nghỉ liền hai tháng, không tập luyện gì, như vậy là quá lâu. Có những VĐV không tập luyện trong thời gian nghỉ, không duy trì được lối sinh hoạt chuyên nghiệp. Đội U22 thì vừa trở về sau thất bại như thế. Đội tuyển chỉ được tập trung một tuần. Do đó, thể lực của các cầu thủ không tốt. Thêm nữa, sân của họ là cỏ nhân tạo. Mặt sân cứng, các cầu thủ của chúng ta không quen.
Hiệp một, chúng ta bị họ ép. Campuchia bây giờ cũng không còn như xưa. Ở vòng loại World Cup vừa qua, họ hòa Trung Quốc 1-1 trên sân nhà và chỉ thua Nhật Bản 0-1 trên sân khách. Các bạn đừng nghĩ bóng đá Campuchia không phát triển. Họ có HLV Brazil, và không còn chấp nhận vị thế đối thủ dưới cơ của Việt Nam nữa.
Tôi nghĩ kết quả trận đấu với Campuchia vừa rồi là tốt, rất thực dụng để có ba điểm. Tinh thần các VĐV rất tốt, nếu nhìn vào một nhóm mới thất thế trở về từ SEA Games và một nhóm tập trung từ CLB. Tôi chỉ có bảy ngày để vực dậy tinh thần, và động viên các cầu thủ, nếu họ không cố gắng thì cũng rất khó.
- Theo ông, hiện tại, đâu là điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam? Ông đánh giá như thế nào nếu so đội tuyển Việt Nam với các đội tuyển khác trong khu vực Đông Nam Á lúc này? (Bùi Sỹ Hoàng, 30 tuổi, Hải Phòng)
- Con người Việt Nam có thể có kỹ thuật khéo léo, nhưng tầm vóc kém hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Malaysia. Để thay đổi trong lương lai, chúng ta nên tuyển chọn ngay từ bé, chọn các cháu có chiều cao và nền thể lực tốt để đào tạo.
- Tôi đang xem trực tiếp phỏng vấn HLV Mai Đức Chung. Tôi rất cảm kích kết quả thi đấu của đội tuyển bóng đá nữ, thêm yêu tinh thần của Việt Nam. Kính phục chú Chung. Chú nhìn nhận thế nào về công việc ở đội tuyển nam? Chú có thể làm gì cho đội tuyển, nếu người hâm mộ cả nước muốn trao cơ hội cho chú. Chú có sợ mất uy tín vì đội tuyển nam không? (Nguyễn Trung Kiên, 40 tuổi, Yên Tân- Ý Yên- Nam Định)
- Tôi rất thông cảm và chia sẻ với HLV Hữu Thắng. Là đồng nghiệp, tôi hiểu ai cũng muốn chiến thắng. Nhưng bóng đá là vậy, hôm trước thắng, hôm sau có thể thất bại. Trong bóng đá, mình hay, nhưng chưa chắc có thể thắng vì người ta có đấu pháp, có lợi thế sân nhà. Mà tôi nghĩ thất bại cũng bình thường thôi, đừng làm quá. Tôi biết là bóng đá được chú ý, nhưng mong mọi người thông cảm, vì hơn ai hết, chúng tôi cũng không muốn thất bại.
Hiện nay, nhiều người cho rằng tôi có khả năng thấu hiểu con người Việt Nam hơn, hiểu phụ nữ Việt Nam hơn. Có thể người khác làm tốt hơn tôi, nhưng sự thấu hiểu thì tôi cho đó là một điểm mạnh của bản thân. Còn về công việc, thì tôi đang có hợp đồng làm HLV tuyển nữ, hợp đồng chưa hết hạn, và các lãnh đạo ở Liên đoàn cũng cho rằng tôi là người phù hợp cho công việc đó.
- Dưới con mắt của một chuyên gia, HLV trực tiếp dẫn dắt, ông đánh giá lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thế nào? Họ đang đứng ở đâu trong trình độ bóng đá chung của châu lục? (Tô Mạnh Kiên, 31 tuổi, Hoành Bồ - Quảng Ninh)
- Nói về lứa cầu thủ này, thì tôi muốn cảm ơn anh Đoàn Nguyên Đức. Nhờ anh ấy, HAGL có một lò đào tạo rất cơ bản với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là sản phẩm đầu tiên. Khi lứa này còn nhỏ, tôi đã lên thăm họ ở Học viện trên Gia Lai, và thấy các cháu có kỹ năng rất tốt. Tôi nghĩ đây là lứa cầu thủ tốt nhưng chưa chín muồi. Chúng ta hãy cho họ thêm thời gian.
- Theo ông, đâu là lý do khiến U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games vừa qua? Làm thế nào và đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới sánh ngang được với Thái Lan? (Huỳnh Đặng Sơn, 47 tuổi, Tam Hiệp - Núi Thành - Quảng Nam)
- Không ai muốn thất bại như vừa qua. Chúng ta hãy nghĩ ở tầm khu vực đã, chỉ cần bằng và vượt Thái Lan thôi là đủ rồi. Đào tạo trẻ chúng ta còn thua họ. Chúng ta cần tập trung chú ý đào tạo trẻ, mở rộng ra về ngay các trường trung học phổ thông, từ đó lựa chọn, rồi lọc dần ra các tài năng trẻ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần các lớp đào tạo tư nhân bên cạnh nhà nước nữa. Nếu ai có đam mê và tài chính có thể đầu tư xây dựng, và khi đó, bóng đá Việt Nam sẽ có một lực lượng đông đảo để sàng lọc.
- Ông nghĩ sao khi các đội tuyển trẻ Việt Nam gần đây thường đá rất hay ở các giải trẻ, nhưng đến khi trưởng thành, từ U22 trở lên thì không thành công. Kể cả lứa cầu thủ của HAGL hiện nay cũng vậy, dù được đào tạo rất cơ bản. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần làm gì? (Nguyễn Văn Thuấn, 38 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)
- Đây là một câu hỏi hay. Chúng ta đang có thành công ở cấp độ trẻ. Gần đây, chúng ta vào đến U20 World Cup. Đây là một thành tích rất lớn. Thái Lan, một nền bóng đá thành công như thế, cũng chưa có vinh dự này.
Hiện nay, các CLB V-League đang sử dụng VĐV ngoại rất nhiều. Các cầu thủ trẻ ít có cơ hội được thể hiện. Các CLB chưa mạnh dạn sử dụng các cầu thủ nội, còn đặt nặng thành tích. Tôi nghĩ vài năm tới, nếu hạn chế dùng các cầu thủ ngoại, các cầu thủ trẻ sẽ có cơ hội thi đấu và phát triển.
Một phần nữa, báo chí cũng đang là con dao hai lưỡi, nguy hiểm với các cháu. Khi được tâng bốc lên cao sau một vài trận, một vài giải đấu chơi hay, các cháu dễ dẫn tới thỏa mãn, không chịu rèn luyện nữa.
- Theo ông, HLV trưởng đội tuyển nam hiện tại cần những phẩm chất nào? (Lâm Quốc Dũng, 55 tuổi, Hoa Lư - Pleiku - Gia Lai)
- Phẩm chất thì các HLV đều giống nhau, nhưng cá tính mỗi người lại khác nhau. Theo tôi, HLV đội tuyển nam của chúng ta cần thấu hiểu con người Việt Nam, nắm được tư tưởng, tình cảm của cầu thủ, tình trạng hiện tại của nền bóng đá. Các HLV nước ngoài có thể không hiểu được những điều đó.
Tôi lấy ví dụ, trong các bài tập, HLV nước ngoài thường áp dụng các bài tập nặng và mạnh mẽ ngay. Điều này vốn không phù hợp con người Việt Nam và dễ gây chấn thương. Còn đối với các HLV nội, đây là bài học cơ bản được dạy từ đầu trong các khóa đào tạo đại học.
- VFF nên chọn HLV nội hay ngoại cho đội tuyển cho đội tuyển bóng đá nam? (David Vo, 46 tuổi, Plenz - CH Czech)
- Theo tôi, việc lựa chọn HLV nội hay ngoại còn phải phù thuộc vào thời điểm. Vừa qua, đội có HLV Hữu Thắng, rồi đến tôi, đều là HLV nội. Nhưng tôi cho rằng trước khi nghĩ đến chuyện này, chúng ta nên có một hệ thống đào tạo xuyên suốt, thống nhất từ thấp lên cao, từ đào tạo trẻ đến đội tuyển. Như thế, vấn đề HLV sẽ không còn khó khăn nữa.
- Ông nghĩ sao khi thống kê cho thấy hầu hết các HLV ngoại của bóng đá Việt Nam đều có thành tích cao hơn HLV nội? (Cường, 39 tuổi, TP HCM)
- Các HLV ngoại không hiểu tâm tư tình cảm, và làm việc với VĐV trên tư cách HLV. Người ta làm rất dứt khoát, nếu họ có ý kiến, các VĐV phải thực hiện ngay, nếu không muốn bị thải loại. Đó là điều chuyên nghiệp mà chúng ta cần phải học tập. Nếu trong đội mà vô tổ chức, kỷ luật kém thì khó giành thành tích.
- Ông Gede thời gian rồi thể hiện vai trò Giám đốc Kỹ thuật rất hiệu quả. Ông đánh giá sao về chuyên gia người Đức này? (Lê Tùng, 34 tuổi, Thanh Hoá)
- Tôi nghĩ ông Gede có chuyên môn rất tốt, nhưng ông chỉ nắm được phần ngọn của vấn đề, câu chuyện bóng đá Việt Nam còn phức tạp hơn nhiều.
Về vấn đề đoàn kết các CLB vì mục tiêu chung của đội tuyển, tôi nghĩ đó là trách nhiệm khó khăn của ông Giám đốc Kỹ thuật và Liên đoàn. Các đội bóng hiện hoạt động riêng lẻ và dựa nhiều vào ngân sách địa phương. Do đó, nếu vận động bằng lời nói, thì chưa thể thuyết phục được họ, nhất là khi không thấu hiểu tình cảnh mà CLB đó đang đối mặt.
- Là HLV nội, ông chịu áp lực thế nào từ phía Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mỗi khi ra quyết định về chuyên môn? Theo ông, để bóng đá Việt Nam phát triển ngang tầm với các nền bóng đá mạnh, tiên tiến khác, VFF cần phải thay đổi những gì? (Phạm Văn Hiểu, 45 tuổi, Hà Đông - Hà Nội)
- Tôi nghĩ VFF đang làm tốt, kể cả công tác đào tạo trẻ. U16 mới vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan, U18 cũng có thành tích tốt. Nhưng dù đã quan tâm và giúp các đội trẻ đạt thành tích tốt, VFF vẫn phải nỗ lực làm hơn nữa.
Nếu có nhiều tiền, VFF nên hỗ trợ cho các CLB làm đào tạo trẻ và đi kiểm tra xem các đội làm thế nào, để hướng đến việc tạo dựng một hệ thống chiến thuật xuyên suốt, và thống nhất từ dưới lên trên. Nhưng hiện tại vấn đề kinh phí đang rất khó khăn, khi các đội tuyển đi tập huấn rất nhiều, trong khi đó, việc kiếm tài trợ bị hạn chế bởi các doanh nghiệp không còn tài chính dư dả như trước.
- Khi ông nói đến hệ thống chiến thuật xuyên suốt từ cấp các đội trẻ đến đội tuyển quốc gia, phải chăng ông nói đến triết lý bóng đá quốc gia và cần cả một tổng công trình sư cho chuyện này. Nếu vậy, với kinh nghiệm của ông, đâu là thứ bóng đá thích hợp cho bóng đá Việt Nam, nơi mà niềm say mê bóng đá dường như không bao giờ cạn kiệt. (Bảo Khang, 30 tuổi, Quận 7, TP Hồ Chí Minh)
- Người Việt Nam thấp bé và không thể chơi chiến thuật bóng dài, bóng bổng. Triết lý tốt nhất của chúng ta là bóng ngắn, đá nhanh, ít chạm. Mà để làm được điều đó thì phải có kỹ thuật tốt. Để có kỹ thuật tốt, cầu thủ phải rèn luyện từ nhỏ. Đây là quá trình dài hơi, chứ không ngắn hạn như rèn thể lực hay chiến thuật. Trong các kỹ thuật, đỡ bóng bước một là quan trọng nhất. Để thực hiện được, cầu thủ không có cách nào khác là phải tập từ nhỏ. Đây là điểm mà chúng ta chưa làm được và phải cải thiện.
- Nếu tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông sẽ sử dụng lối chơi như thế nào để đội tuyển vận hành một cách nhịp nhàng và hiệu quả khi gặp các đối thủ tiếp theo ở vòng loại Asian Cup? (Đỗ Công Đáng, 37 tuổi, Khoái Châu - Hưng Yên)
- Nếu tôi còn làm thì tôi sẽ tăng cường thể lực, và tập kỹ chiến thuật nhiều hơn để các cầu thủ quen nhau. Thời gian chuẩn bị cho trận Campuchia quá ngắn và tôi không có nhiều thời gian luyện lối chơi. Tôi chỉ có một vài buổi tập phòng ngự phản công, chơi thực dụng, tập trung khống chế khu vực giữa. Tôi sẽ không chủ trương chơi bóng dài, bóng bổng, mà tập trung đá ngắn, nhỏ và nhuyễn. Đó là cách tôi luyện tập cho đội tuyển, nếu tôi được mời tiếp tục dẫn dắt.
- Nếu được lựa chọn giữa dẫn dắt đội tuyển nữ và đội tuyển nam, từ tận đáy lòng, ông sẽ chọn dẫn dắt đội nào? (Nguyễn Minh Đức, 35 tuổi, 134 Hồ Văn Tư, phường Trường Thọ, Thủ Đức - TPHCM)
- Tôi sẽ chọn cả hai, một cách thật lòng.
- Nếu được ký hợp đồng dài hạn dẫn dắt đội tuyển quốc gia nam, và được đề xuất ba yêu cầu quan trọng nhất trong hợp đồng, ông sẽ yêu cầu những gì đối với VFF? (Quốc Vũ, 35 tuổi, TP Bắc Ninh)
- Tôi rất quan tâm đến bóng đá trẻ, nên tôi chỉ hy vọng khâu đào tạo trẻ, đặc biệt là bóng đá nữ trẻ, sẽ được quan tâm. Bóng đá nữ trẻ hiện nay chưa được quan tâm nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề việc làm cho các VĐV sau khi giải nghệ cũng cần được chú ý. Nếu biết được sau khi nghỉ thi đấu sẽ có việc để làm, có mục tiêu để phấn đấu, các VĐV sẽ yên tâm, tập trung vào tập luyện.
- Ông có chơi Facebook không, và chịu áp lực như thế nào từ mạng xã hội lớn này? (Noby Huyền, 26 tuổi, Mễ Trì - Hà Nội)
- Tôi không dùng Facebook dù có điều kiện. Tôi không muốn điều đó gây áp lực cho mình. Những khi thảnh thơi nhất, tôi đi câu. Mỗi khi giật được con cá, tôi cảm thấy sung sướng. Lần gần nhất tôi đi câu cá là ngay sau khi trở về từ SEA Games.
- Thế còn chuyện cầu thủ của ông dùng Facebook, ông xử lý thế nào? (Vũ Văn Hùng, 21 tuổi, Quận Tân Bình - TP HCM)
- Tôi không cấm. Đó là quyền tự do của họ. Nhưng tôi cấm sử dụng trước và sau khi tham dự trận đấu vì điều đó có thể ảnh hưởng đến họ.
- Xa nhà triền miên để nắm đội tuyển nữ, rồi dẫn dắt đội tuyển nam đấu với Campuchia vừa qua, gia đình ông phản ứng ra sao? (Đinh Thanh An, số 8 đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú - TP HCM)
- Tôi thật sự cũng ít gần gia đình vì phải đi xa suốt. Gia đình cũng rất thương tôi vì thấy tôi sụt cân quá. Sau SEA Games, tôi sụt mất năm cân, bình thường phải 75-76 cân. Nhưng đây là niềm đam mê của tôi rồi, và gia đình phải chấp nhận, dù có lúc bà xã tôi có phàn nàn về việc tôi dành thời gian cho bóng dá nhiều hơn. Đến bây giờ tôi vẫn bảo với bà xã tôi rằng: "Anh đi học bóng đá và suốt đời chỉ biết làm bóng đá. Anh sẽ đi làm đến khi nào mệt thì thôi".
VnExpress