"Tôi cống hiến cho bóng chuyền Việt Nam suốt một đời VĐV rồi bây giờ là HLV. Tôi chưa từng được nhận bất kỳ một tấm Huân - Huy chương bằng giấy khen vì sự nghiệp thể thao nào cả. Nhưng đến bây giờ tôi phải nhận một quyết định kỷ luật. Thực sự, điều đó ảnh hưởng ghê gớm đến danh dự, cũng như tiếng tăm mà tôi gây dựng cả một đời", HLV Kim Huệ chia sẻ.
Hôm 10/4, VFV ra quyết định cảnh cáo HLV Kim Huệ cùng ba VĐV của Ngân hàng công thương là Nguyễn Thị Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thị Ninh Anh. Nguyên nhân là bộ tứ này nhận lời đầu quân cho Vĩnh Phúc, đã nhận tiền cọc nhưng sau đó "bẻ kèo" để ở lại Ngân hàng Công thương.
Kim Huệ rất bất bình với án phạt trên. Cựu tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam tuyên bố thuê luật sư, sẵn sàng kiện VFV nếu án phạt không được thu hồi. Tuy nhiên, VFV khẳng định họ ra án phạt "để giữ gìn kỷ cương, tránh làm rối loạn bóng chuyền Việt Nam". Chủ tịch VFV Lê Văn Thành còn cho biết: "Kim Huệ chưa nghỉ ở đơn vị cũ nhưng đã nhận lời sang đội bóng mới. Cô ấy đã nhận tiền đặt cọc lớn, sau đó lại đổi ý, trả lại tiền để không đi nữa. CLB Vĩnh Phúc đã kiến nghị lên VFV, đòi treo quyền chỉ đạo nhưng chúng tôi chỉ phạt cảnh cáo. Nếu ai cũng làm như Kim Huệ thì bóng chuyền Việt Nam sẽ loạn".
Tuy nhiên, Kim Huệ khẳng định VFV không có căn cứ để kỷ luật, bởi hoạt động giữa cô với CLB Vĩnh Phúc là dân sự và các bên chỉ thỏa thuận miệng chứ chưa ký vào bất cứ giấy tờ nào. Việc cô không thể chuyển sang CLB Vĩnh Phúc cũng là bất khả kháng, bởi trước khi cô và các học trò viết đơn xin nghỉ, Ngân hàng Công thương đã gửi danh sách đăng ký mùa mới lên VFV.
"Vì sao VFV chỉ nghe một phía, không mời chúng tôi làm việc mà đã ra quyết định?", Kim Huệ bức xúc. "Quyết định kỷ luật cũng không hề cho chúng tôi biết. Ra ngày 10/4, cho báo chí biết ngày 12/4 và ngày 13/4 thì chúng tôi mới biết. Tôi đã hỏi Chủ tịch VFV tại sao lại ra quy định như thế thì ông ấy nói lấp lửng. VFV nhận đơn một phía không hề làm việc, đã vội đưa ra quyết định kỷ luật là thiếu tôn trọng HLV, VĐV".
Để giải đáp thắc mắc của Kim Huệ, ngày 23/4 VFV mời cô cùng đại diện CLB Vĩnh Phúc lên làm việc. Tuy nhiên, cựu tuyển thủ Việt Nam cho hay: "Tại cuộc họp đó, họ không giải đáp được tại sao chúng tôi bị kỷ luật mà chủ yếu ép chúng tôi nhận quyết định kỷ luật trước mặt đại diện Vĩnh Phúc".
Hiện tại, Bamboo Airway - nhà tài trợ của đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc - đã gửi công văn đến Thanh tra Ủy ban Thể dục Thể thao, VFV và Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Phúc để tố cáo "hành vi lợi dụng hoạt động thể dục thể thao để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty". Theo đó, họ đã chuyển cho HLV Kim Huệ, Ninh Anh và Phương Anh mỗi người 2 tỷ đồng và Nguyễn Thu Hoài 3 tỷ đồng. Riêng HLV Kim Huệ sẽ nhận nốt nửa còn lại khi hoàn tất thủ tục gia nhập đội Vĩnh Phúc.
"Do không thanh lý được hợp đồng với Ngân hàng Công thương, chúng tôi đã làm việc với nhà tài trợ đội Vĩnh Phúc để thông báo tình hình", Kim Huệ cho biết thêm. "Họ làm văn bản yêu cầu chúng tôi ký. Sau đó họ mời làm việc và không chấp nhận hủy đơn phương. Phía nhà tài trợ Vĩnh Phúc yêu cầu hoàn trả tiền, đồng thời đòi chúng tôi bồi thường gấp ba số tiền đã nhận.... Ngày 25/3 chúng tôi đã hoàn trả số tiền họ chuyển. Nhưng họ không đồng ý và gửi đơn lên VFV. Khi chuyển tiền, họ ghi nội dung để hỗ trợ thanh lý hợp đồng, chúng tôi không thanh lý được nên đã hoàn trả chứ không có chuyện chúng tôi lừa đảo".
Khi còn thi đấu, Kim Huệ từng giữ kỷ lục 17 năm liên tiếp dự giải vô địch quốc gia với chín lần lên ngôi trong màu áo Thông tin LienVietPostBank và Ngân hàng Công thương. Cô cũng giữ kỷ lục bảy lần giành HC bạc SEA Games cùng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Sau khi giải nghệ năm 2017, Kim Huệ làm trợ lý HLV ở Ngân hàng Công thương. Đầu tháng 2 năm nay, cô được đôn lên vai trò thuyền trưởng sau khi HLV Nguyễn Tuấn Kiệt từ chức.Cô ra mắt vai trò mới ngày 7/3, trong trận thua 2-3 khi giao hữu với Vĩnh Phúc. Sau trận đó, cô nộp đơn xin nghỉ để chuyển sang Vĩnh Phúc, nhưng bất thành. |
Hoài Không