- Sau hai chức vô địch liên tiếp, chị nghĩ sao khi nhiều người cho rằng chị làm HLV rất mát tay?
- Tôi nghĩ cái gì cũng có lý do. Có thể đó là cái duyên với bóng đá nữ, vì không phải ai muốn làm bóng đá nữ cũng được. Bóng đá nữ có chế độ thấp nên rất ít người muốn làm. Tìm kiếm VĐV cũng khó, vì ít gia đình chịu cho con em mình đi tập bóng đá vì nó vất vả quá. Nếu không có duyên, chắc chắn chúng tôi không tồn tại được.
- Nữ TP HCM có đến ba thế hệ cầu thủ trong một đội bóng. Chị làm thế nào để kết hợp, xâu chuỗi ba thế hệ ấy thành một đội bóng vô địch?
- Ở đội TPHCM, lứa lớn tuổi nhất gồm Kiều Trinh, Hồng Lĩnh, Kim Hồng. Lứa thứ hai sinh năm 1991, như Huỳnh Như, Bảo Châu… Lứa thứ ba là những cầu thủ trẻ mà tôi mới đôn lên năm 2014, có Chương Thị Kiều, Bích Thảo, Thị Trang hay Hoài Lương. Một đội bóng có ba thế hệ như thế thì thật sự là khó cho công tác huấn luyện. Độ tuổi khác nhau thì thể lực và tâm sinh lý cũng khác nhau. Chúng tôi phải lưu ý từ tập luyện đến sinh hoạt hằng ngày. Thật may, ban huấn luyện cũng như các cầu thủ đều rất cố gắng, vì cái chung. Thế nên, dù là con gái, hay có những chuyện nhỏ nhặt lặt vặt, chúng tôi rồi cũng vì cái chung mà gạt hết sang một bên để hướng đến mục tiêu của cả tập thể.
- Khi nói về các học trò, chị có vẻ rất hài lòng. Vậy đâu là lúc HLV Kim Chi cảm thấy tức giận nhất?
- Đó là lúc tôi truyền đạt, hướng dẫn trên sân nhưng các em xao nhãng hoặc lúc các em ấy không chịu giữ gìn sức khoẻ. Là vận động viên, nếu không biết giữ gìn sức khoẻ thì không thể có thể lực tốt, không chơi bóng lâu dài được. Còn tập luyện thì rõ ràng là chuyện hằng ngày. Chỉ có một hoặc hai bài thì cũng phải tập cho quen, cho thành thạo. Mà vậy cũng không tập trung được thì giận lắm. Khi giận, tôi có thể lớn tiếng một chút, nhưng sau đó tôi hiểu và thông cảm vì từng trải qua đời cầu thủ rồi. Nhiều khi các em có những lý do riêng. Trước hết, tôi phải tìm hiểu xem vì sao các em lại như thế này thế kia. Có vậy, cô trò mới hiểu được nhau hơn.
- Bên cạnh vai trò HLV, chị làm như thế thì coi như kiêm luôn vai trò bác sĩ tâm lý còn gì?
- Bóng đá nữ không có sự đầu tư cao. Các đội bóng lớn thì luôn có chuyên gia tâm lý, chuyên gia thể lực, bác sĩ riêng… Nhưng bóng đá nữ thì còn nhiều hạn chế về đầu tư nên thôi thì cô trò coi nhau như chị em, hay thậm chí coi mấy đứa nhỏ như con cháu trong nhà. Như vậy, các em sẽ cảm thấy gần gũi hơn, chịu thổ lộ hơn.
- Nhắc về những thiệt thòi của bóng đá nữ thì không thể không nhắc đến những khán đài trống vắng trong thời gian giải vô địch quốc gia diễn ra ở TPHCM vừa qua. Chị nghĩ gì khi truyền thông liên tục phản ánh mà khán đài vẫn cứ trống?
- Thật sự, tôi chạnh lòng lắm. Đá sân khách có khán giả đông vẫn còn dễ chịu. Chứ thi đấu trên sân nhà mà chẳng có ai xem thì nỗi buồn càng nhiều hơn, đến mức tủi thân, kiểu như chẳng được ai quan tâm. Nhiều người cũng hô hào ủng hộ thế này thế kia, nhưng rõ ràng khi các nữ cầu thủ thi đấu trên sân nhà, chưa chắc họ có thời gian để đi xem, hoặc thậm chí cũng không muốn xem luôn. Chỉ có một số ít người thân, bạn bè của các cầu thủ, hoặc các em tuyến trẻ đến ủng hộ các chị thôi. Mà bóng đá nữ xưa nay đã vậy rồi. Sự kêu gọi từ các cấp đến doanh nghiệp, người hâm mộ đều đã nói rất nhiều. Lần nào báo chí hay truyền hình phỏng vấn đều nói đến vấn đề đó nhưng cũng chẳng có mấy biến chuyển tích cực.
Thực sự, khán giả luôn đóng vai trò rất quan trọng. Nếu được lựa chọn, tôi thấy thà rằng thi đấu trên sân khách mà đông người, còn hơn chơi trên sân nhà mà chẳng ai đến xem. Không cần biết khán giả đó cổ vũ cho đội nào, chỉ riêng sự hiện diện của họ, sự ồn ào náo nhiệt của họ cũng đủ làm cầu thủ hưng phấn từ đó đá tốt hơn, cống hiến nhiều pha bóng đẹp hơn. Về chuyện này, tôi cũng đã trao đổi với cả đội. Đa số các em đều đồng tình với lựa chọn và suy nghĩ của tôi.
- Từ khi làm cầu thủ cho đến nay là HLV, chị chứng kiến nhiều sự thăng trầm của bóng đá nữ Việt Nam. Chị thấy bóng đá nữ của chúng ta thay đổi như thế nào?
- Thay đổi lớn nhất là chế độ dành cho các cầu thủ đã có cải thiện. So với bóng đá nam thì không thể được rồi, nhưng so với thời của tôi, của chị Ngọc Mai, Kim Hồng, thì đãi ngộ bây giờ đã khá hơn rất nhiều. Các em được quan tâm hơn khi đi thi đấu, nhất là với đội tuyển quốc gia. Người hâm mộ đã biết đến nhiều hơn, sự đầu tư của các cấp, thưởng từ các doanh nghiệp cũng nhiều hơn.
Các em cầu thủ sau này cũng khác nhiều. Thời đại công nghệ giúp các em dễ dàng cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng, chứ không như chúng tôi thời xưa - muốn lên internet phải ra tiệm xếp hàng chờ. Chờ đến lượt nhiều khi thì đã hết thời gian nghỉ, nên chúng tôi thời đó cũng không có điều kiện để tiếp cận nhiều thông tin hay các trò chơi giải trí.
Nhưng mặt trái của việc này là các em phần nào dễ bị xao nhãng, mất tập trung. Lỡ mà buồn, hay tập nhiều quá mệt thì nghỉ, tìm cái khác vui hơn, khác với ngày trước thì buồn vui gì, thế hệ của tôi cũng lấy trái bóng ra chơi. Do vậy, sự đầu tư vào chiều sâu của bản thân từng em cũng không được như các chị ngày trước.
- Là người từng trải qua mọi cấp độ của bóng đá nước nhà, chị muốn nhắn nhủ gì cho thế hệ cầu thủ trẻ cũng như người hâm mộ?
- Những em đã chọn bóng đá nữ thì hẳn là có đam mê, yêu thích. Nhưng khi gặp khó khăn trong lúc tập luyện, các em vẫn dễ bị lung lay, chán nản. Tôi muốn các em hãy kiên trì, hãy giữ đam mê, niềm tin đó, và chú ý chịu khó đầu tư nhiều hơn. Trên mạng giờ có rất nhiều video về bóng đá để cầu thủ xem và tự trau dồi khả năng. Làm như vậy, cầu thủ sẽ tiến bộ nhanh hơn, chứ không chỉ chờ vào thời gian nữa. Còn với người hâm mộ, tôi hy vọng mọi người sẽ ủng hộ bóng đá nữ nhiều hơn nữa, bằng cách thiết thực hơn. Hãy đến sân cổ vũ các cầu thủ thi đấu để họ có thêm niềm tin và động lực mà tiếp tục với niềm đam mê mình đang theo đuổi.
Ngọc Hà