- Cuộc sống của ông thay đổi thế nào trong những ngày rời xa bóng đá?
- Đã hơn một năm tôi không làm việc. Một quãng thời gian không dài, nhưng cũng chẳng quá ngắn, giúp tôi nhìn lại những gì đã xảy ra, phía sau những câu chuyện ấy là gì. Lúc này, cả tinh thần lẫn thể trạng, tôi đều thấy thoải mái. Có thể gọi đây là quãng nghỉ làm tươi mới bản thân.
Khoảng năm năm trước khi xa bóng đá, tôi chủ yếu sống ở Hà Nội và miền Bắc. Hai con đang tuổi đi học, nhưng bây giờ tôi mới có thời gian quan tâm chăm sóc. Tôi thấy những ngày qua vô cùng quý giá, vì sau tất cả, mình đi làm cũng chỉ vì gia đình thôi.
Tất nhiên, lịch sinh hoạt của một HLV với một người rảnh rỗi hoàn toàn khác nhau. Ngày còn huấn luyện, đêm tôi ngủ rất ít. Sau khi ăn tối và sinh hoạt tập thể, tôi muốn có thời gian riêng để chuẩn bị công việc. Ở Hà Nội, tôi thường làm việc đêm, nhưng bây giờ có thể ngủ sớm hoặc dậy muộn. Lúc đầu, khi con mới chuyển trường, tôi đưa các cháu đi học. Còn sau này, các cháu tự đi.
- Ngoài những lúc dành cho gia đình, ông thường làm gì trong quãng thời gian còn lại?
- Sáng tôi dậy sớm, đi cafe trò chuyện cùng bạn bè. Cái này nhỏ thôi, nhưng tôi không làm được hoặc chưa từng biết đến suốt bao năm qua. Bạn phổ thông có, bạn cùng tuổi có, cả những anh lớn và các bạn trẻ đang làm huấn luyện, mỗi người một việc, nhưng khi nói chuyện, tôi có thêm góc nhìn, hiểu biết về cuộc sống. Trước kia, những gì mình nhận lại chỉ là phản hồi của truyền thông. Cũng giống như cuộc nói chuyện hôm nay là một trải nghiệm khác, so với những lần trả lời truyền hình.
Câu chuyện tôi đang nói cũng chính là chủ đề một bài học trong chương trình lấy bằng HLV Pro của AFC, giai đoạn 4. Giảng viên yêu cầu các học viên về nhà, gặp gỡ những người làm nghề nghiệp khác, xem quan điểm sống, sinh hoạt và suy nghĩ của họ giống gì, khác gì so với nghề bóng đá.
- Với cá nhân ông, bài học ấy, trải nghiệm ấy tác động ra sao tới vai trò của một HLV?
- Giao tiếp xã hội là kỹ năng vô cùng quan trọng của một HLV chuyên nghiệp. Tôi muốn nói tới công việc gần nhất là HLV bóng đá trẻ, làm việc đó, mình phải coi mình là một giảng viên trường học vậy. Không nói khía cạnh chuyên môn, vì HLV thì đương nhiên phải nắm chắc, tôi phải xem xét tới những góc độ rộng lớn hơn, nhất là chuyện tâm sinh lý lứa tuổi. Cầu thủ chuyên nghiệp đã định hình nhân cách, nhưng các bạn 16-17 tuổi đang phát triển. Mình cần có ứng xử phù hợp để thông tin tiếp nối, khiến các em hiểu HLV hơn, dễ chấp nhận HLV hơn.
- Theo ông, đâu là hạn chế lớn nhất mà bóng đá trẻ Việt Nam đang đương đầu?
- Những năm tôi làm, chế độ dinh dưỡng kém lắm, phải dùng từ kém mới đúng. Đây là vấn đề cố hữu của bóng đá Việt Nam, từ cấp CLB tới ĐTQG. Thói quen của người Việt là ăn lấy no, nhưng chúng ta có biết Ánh Viên phải ăn bao nhiêu tôm, bao nhiêu thịt bò chưa? Hay Phạm Văn Mách và Lý Đức ở môn thể hình, các anh ấy phải có chế độ ăn riêng từ thời xa xưa mới có thể vô địch thế giới. VĐV thể thao là nhóm lao động nặng, với từng bộ môn, lại có yêu cầu riêng biệt để phát triển tố chất cho bộ môn đó.
Năm 2017 trước khi lên đường sang Hàn Quốc dự U20 World Cup, U20 Việt Nam đá giao hữu với U20 Argentina ở Thống Nhất. Đội mình ngày ăn ba bữa, nhưng họ ăn tới sáu bữa. Cá trích trứng là món ăn rất phổ biến trong bóng đá, nhưng họ ăn cá trứng màu vàng, chứ không phải màu đỏ. Trên bàn ăn tuyệt đối không có nước ngọt, nước có gas. Đấy là khoa học, được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
Có nhiều bài giảng nhấn mạnh cầu thủ bóng đá không nên nạp nhiều tinh bột, ăn ít cơm lại và thay thế bằng mì. Nếu ăn đúng, cơ thể mới trong trạng thái sẵn sàng, ra sân mới tập được. Có tập được mới có thể thi đấu, kéo dài sự nghiệp.
Mấy năm qua, phương tiện đại chúng phát triển và smartphone cũng trở nên phổ biến. Thực tế, không ai có thể quản lý ham muốn cá nhân ngoài chính bản thân. Cầu thủ trẻ Việt Nam thích lên mạng chơi game, những cái đó không xấu, nhưng đừng để chúng chiếm hết quỹ thời gian. Rất nhiều cầu thủ ở các CLB nổi tiếng đã hỏng sự nghiệp, vì không thể tìm ra cách ứng xử với những thứ người ta gọi là công nghệ, là giải trí thời đại mới.
- Ông nghĩ sao khi có quan điểm, gene người Việt chỉ đến thế, ăn nữa, tập nữa cũng không thể khá hơn?
- Những năm 1950-1960, người Nhật rất lùn. Bây giờ, cầu thủ của họ có thể hình chẳng kém gì châu Âu, Nam Mỹ. Các bạn có thể tìm tới các gia đình người Việt định cư nước ngoài, bố mẹ thuần Việt, nhưng con cái đều cao lớn. Nhà tôi có mấy đứa cháu, đứa nào cũng cao 1m8 trở lên, dù bố mẹ chỉ tầm thước. Đấy là chế độ sinh hoạt giúp cải thiện giống nòi. Đúng là không thể ép người cao từ 1,6 mét lên 2 mét, nhưng nếu tất cả cùng nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, chiều cao, tầm vóc con người sẽ được cải thiện qua năm tháng.
- Là một người quan tâm tới việc áp dụng khoa học vào thi đấu đỉnh cao, có bao giờ ông chợt nghĩ, tại sao cứ phải lao vào làm mọi thứ để rồi bị chỉ trích?
- Ở đây có hai khía cạnh. Thứ nhất, những người chỉ trích mình họ có thiện chí góp ý, có chuyên môn không? Thứ hai, tôi muốn làm rõ hai vấn đề là thể hình và thể chất. Không phải cứ to cao là khỏe, và không phải cứ thấp lùn là yếu. Messi, Iniesta có yếu không? Thể chất là như vậy: nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ. Mọi người có công nhận là ở những đường chạy cự ly dài, lấy đâu ra người to cao? Hoặc những đường chạy ngắn đòi hỏi tốc độ, VĐV thường có cơ bắp chứ hiếm ai cao lớn vượt trội.
- Dường như, HLV Hoàng Anh Tuấn rất "đau đáu" với bóng đá trẻ. Nhưng trước đó, ông từng trải qua bảy năm làm việc ở V-League, môi trường bóng đá đỉnh cao và chuyên nghiệp nhất. Từ bỏ bóng đá chuyên nghiệp cấp CLB để về làm trẻ, lại là làm những lứa trẻ "lỡ cỡ", phía sau quyết định ấy là gì?
- Bóng đá Việt Nam mang danh chuyên nghiệp, nhưng có chuyên nghiệp đâu. Riêng việc đội bóng không thể tự tạo ra doanh thu đã không phải là chuyên nghiệp rồi.
Tôi cũng hiểu nước ta không phải quá giàu, và vì đặc thù văn hóa nên tạo ra quá nhiều sự nhiễu nhương trong bóng đá. Từ cầu thủ, HLV, Giám đốc Điều hành, Chủ tịch, ông bầu, trọng tài rồi Ban tổ chức giải, ai cũng có vấn đề hết. Thời gian tôi dành cho chuyên môn đã hết ngày, nhưng những chuyện ngoài lề phải đối phó còn chiếm lượng thời gian lớn hơn. Tôi thấy mệt mỏi, ức chế, nhất là sau khi dẫn dắt một CLB miền Bắc.
Tôi vẫn tự hỏi tại sao phải tốn thời gian vô bổ cho những chuyện phi chuyên môn đến thế? Khi đó, tôi càng hiểu bóng đá Việt Nam phải thay đổi rất nhiều trong cách quản lý, tổ chức và vận hành. Sau khi rời đi năm 2014, tôi về nghỉ, dành một năm rưỡi đi học. Và quãng nghỉ đó, cũng giống bây giờ, cho tôi nhìn thấy nhiều thứ. Bóng đá trẻ có rủi ro, có cái khó của nó, nhưng nó nhẹ đầu hơn thứ bóng đá mà tôi gọi là "bóng đá người lớn". Với bóng đá trẻ, dù kết quả có ra sao, mình đều hiểu tường tận lý do, nguồn cơn của nó.
- Nhưng chế độ cho bóng đá trẻ không cao, và không thể so sánh với bóng đá cấp CLB?
- Cái gì cũng có giá của nó. Đi làm ở đâu đều có áp lực, nhưng nó phải là áp lực tích cực, phải đi từ chuyên môn, gốc gác của nghề. Ngày dẫn U19 Việt Nam và bị sỉ vả, tôi từng nói thế này: "Một ngày đâu có dài, đi làm và lo cho gia đình đã hết thời gian. Tôi lấy đâu ra tâm trí, hơi sức mà quan tâm những cái chuyện tào lao trên mạng".
Chuyện tôi về làm trẻ, tôi nghĩ thế này. Bạn muốn có bức tranh treo tường thật đẹp trong nhà. Dễ thôi, bỏ tiền, ra tiệm và lựa bức ưng ý nhất. Nhưng bản chất, bạn đâu tạo ra nó, chỉ là dùng tiền để lấy quyền sở hữu thôi. Nếu bạn có tài, bạn tự vẽ rồi treo bức tranh do mình tạo ra, nó sẽ giá trị hơn rất nhiều. Mục đích của bóng đá trẻ là vậy, ta bắt đầu từ khi chưa có gì và nhiều năm sau nhìn lại là biết mình đã đạt được gì.
- Để đảm bảo những cầu thủ được tập trung có đủ năng lực phát triển trong tương lai, phương thức tuyển chọn của ông diễn ra thế nào?
- Tôi vẫn dùng từ "thủ công" để mô tả chính xác quá trình làm việc. Tôi có những vệ tinh trong một thời điểm nhất định. Chẳng hạn như vòng loại U17 quốc gia trải dài ở các địa phương, tôi gọi cho HLV ở đó, chấm xem cầu thủ A, B hay C là tốt. Rồi kể cả những đội không qua nổi vòng loại, tôi cũng phải kiểm tra một lượt, tránh trường hợp bỏ sót. Bóng đá là môn chơi tập thể, đội bóng yếu không có nghĩa là không có cầu thủ giỏi. Ngày ấy mà không cẩn thận, làm sao khán giả biết tới Huỳnh Tấn Sinh (Quảng Nam), Trần Thành (Huế) hay Hồ Tấn Tài (Bình Định).
Khi nhận làm HLV trưởng, tôi phải có tiêu chí đánh giá rồi gửi về địa phương. Có những thông tin cơ bản như độ tuổi, đích thân tôi cũng phải kiểm tra. Bằng nhiều nguồn, phải đảm bảo hồ sơ của cầu thủ ghi đúng số tuổi, không được phép có sai lầm. Hoặc sẽ có những năm xuất hiện tình huống trớ trêu. Năm 2015, sau lứa Công Phượng, U17 HAGL bỏ giải. Bỏ giải thì xem ai, và xem kiểu gì đúng không? Nhưng tôi vẫn gọi cho anh Nguyễn Quốc Tuấn - HLV của đội, rồi liên tục liên lạc với anh Huỳnh Mau, Giám đốc Điều hành CLB thời ấy mới biết có nhiều bạn xuất sắc như Trần Thanh Sơn, Lương Hoàng Nam.
- Suốt những năm ấy, có bao nhiêu trường hợp ông gọi lên rồi trả về nhưng sau này lại thành công?
- Tôi đưa lên mà trả về thì không tiếc, chỉ tiếc không thể lấy lên vì điều kiện chưa cho phép. Nhưng có một bạn bây giờ phong độ cao, đang khoác áo CLB Hà Nội và thường xuyên lên tuyển. Bạn này tôi không đi sâu, nhưng có thể nói là "hơi khác" so với phần còn lại của tập thể. Tôi đề cao tính kỷ luật, nên buộc phải trả về.
- Đã bao giờ ông "sợ" học trò sẽ quay sang căm ghét vì bị trả về ở các đợt tập trung lên tuyển chưa?
- Mình phải phân tích thấu đáo, phải cho các cháu hiểu mình muốn gì và họ phải làm gì? Nếu ai sâu sắc, họ sẽ hiểu tất cả những gì tôi làm là để hướng tới tương lai của... chính họ, chứ đâu phải tương lai của tôi. Tôi vẫn hay tư vấn cho cầu thủ "Nếu con muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nó là vấn đề tư tưởng bao quát, chứ không còn là chuyện kỹ thuật, chuyên môn". Tôi nhìn bức tranh toàn cảnh, mổ xẻ và định hướng cho họ. Bây giờ quan sát, dễ thấy có nhiều cầu thủ thành danh, nổi tiếng, nhưng ngày xưa không góp mặt trong chiến dịch đi U20 World Cup của tôi đấy thôi.
Triết lý của tôi là kỷ luật, chăm chỉ và khát vọng. Nghĩa bao hàm là sự chuyên nghiệp. Trước khi đi Bahrain dự vòng chung kết U19 châu Á 2016, tôi quán triệt ai có tư tưởng đá cho xong, đá để học hỏi thì ở nhà. Một cầu thủ là đội trưởng ở PVF đá rất hay, tôi trả về trung tâm. Khi sang bên kia, có hai bạn khác thái độ hời hợt buông xuôi, tôi còn không cho ngồi vào ghế dự bị, chấp nhận mất hai người, và mời cả hai lên khán đài. Một anh trợ lý năm ấy cũng thiếu nghiêm túc, tôi cấm cửa không cho vào phòng thay đồ, vì ảnh hưởng tiêu cực lên các em. Tôi nhấn mạnh nhiều lần, chiến bại thì nên ở nhà, đừng đi cho mất công. Ai đá trước, đá sau là do ý đồ cụ thể với từng đối thủ. Người dự bị trách nhiệm cũng tương đương người đá chính.
- Một mặt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của ý chí chiến thắng nhưng mặt khác, ông cũng nói danh hiệu không phải mục tiêu cuối cùng của bóng đá trẻ. Có gì mâu thuẫn ở đây?
- Tôi đồng ý bóng đá đỉnh cao cần thành tích. Bây giờ, chúng ta cần tách bạch vấn đề. Nếu ở cấp CLB, tôi không thể nói tôi đá chơi, đá đẹp, đá cho vui chứ không cần thành tích. Đấy là triết lý sai lầm và thiếu tôn trọng đối thủ.
Nhưng với bóng đá cấp đội tuyển, ta hãy tưởng tượng từ lứa U15 tới đội tuyển quốc gia là một hệ thống giải đấu. Muốn leo tới đội tuyển quốc gia phải đi qua các lứa trẻ. Với từng lứa tuổi, phương pháp huấn luyện là khác nhau, dù triết lý vẫn xuyên suốt. Ở nước ngoài, người ta không đặt nặng chuyện thành tích trong bóng đá trẻ.
Với từng đội trẻ, mục tiêu huấn luyện là khác nhau, với kết quả hướng tới là hoàn thiện một cầu thủ để anh ta là một cầu thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa. Tôi nói ở Việt Nam, các CLB rất xem nhẹ chuyện chỉnh kỹ thuật cơ bản cá nhân cho lứa tuổi U15. Năm 2015, tôi còn phải hướng dẫn lại Quang Hải, Đức Chinh, Văn Hậu hàng loạt động tác căn bản. Rồi lớn dần lên, ta quan tâm tới chiến thuật, thể hình thể lực.
Cầu thủ lên tập trung đội trẻ quốc gia cũng là hình ảnh phản chiếu chất lượng giáo dục, đào tạo của cấp cơ sở. Đám đông hay nhầm lẫn, chứ tôi không hiểu việc vô địch U15, U17, U19 có giải quyết được việc gì không khi mà đội tuyển quốc gia chẳng ra đâu vào đâu? Trước thời HLV Park Hang-seo, Việt Nam vô địch giải trẻ nhiều rồi chứ, nhưng đội tuyển thì thế nào? Bóng đá cần có triết lý, nhưng nó phải đi đôi với mục tiêu. Nhiều người không hiểu mục tiêu của bóng đá trẻ.
Năm 2017, tôi làm trưởng đoàn đội U15 sang Thái đá giải vô địch Đông Nam Á. Năm ấy, ta vô địch đấy nhưng bây giờ lứa cầu thủ đó đi đâu? Còn bao nhiêu em? Đếm trên đầu ngón tay. Các đội trẻ qua sàng lọc, sau 5-7 năm đưa lên đội tuyển quốc gia được bao nhiêu người? Đó mới là mục đích chính của công việc đào tạo trẻ. Với lứa cầu thủ sinh năm 2000, chúng ta chờ xem tới năm 2026 có bao em ở tuyển là sẽ biết sự căn cơ của nền bóng đá.
Quay lại lứa 1997 đồng hành với tôi, bây giờ các bạn đếm xem có bao nhiêu người góp mặt ở đội tuyển quốc gia? Tôi nhận ra quan điểm của mình hoàn toàn đúng, vì thành phần dự tuyển giờ đây toàn là gương mặt từng làm việc cùng tôi từ 5 năm trước.
- Nền tảng của triết lý kỷ luật ông đề cập có phải được xây dựng, bồi đắp qua những năm tháng sát cánh cùng cựu GĐKT Juergen Gede?
- Có nhiều điều để nói về con người này lắm. Ông Jurgen giống như quan võ, mà quan võ thì người ta đánh trận nhiều rồi, nhanh nhạy và phát hiện vấn đề nhanh lắm. Bản chất người Đức là quyết liệt, làm việc tới cùng. Ngày xưa tôi sang Đức học lấy bằng B, bằng A cũng hiểu nhiều về con người đất nước này. Bóng đá Đức là bóng đá kỷ luật, là bóng đá được lập trình kỹ càng.
Thói quen của tôi là khi chỉ đạo thường xuyên đứng ở đường pitch. Nhưng một số trận đấu khó, tôi muốn ngồi xuống để bao quát, phân tích. Nhưng ông Jurgen bảo "Anh ra kia đứng đi. Cầu thủ đang khó mà nhìn ra không thấy HLV thì sẽ dễ bị dao động".
Hay chính câu chuyện ở VCK U19 châu Á Bahrain đưa Việt Nam tới World Cup nói lên sự từng trải và lão làng của ông Jurgen. Lúc vòng bảng đủ 16 đội, sân tập rất ổn. Nhưng tới trận gặp chủ nhà quyết định vé đi tiếp, họ lại sắp xếp cho mình sân tập rất xa, đến nơi cũng chỉ được tập nửa sân rồi khi ra về thì xe hỏng và phải vạ vật ngoài đường một tiếng đồng hồ... Sau bữa tối, ban huấn luyện họp nhanh. Ông Jurgen yêu cầu rút hết dây điện thoại bàn trong phòng. Ông ấy từng làm ở Tây Á nên hiểu văn hóa, có thể họ không làm gì quá đáng đâu, nhưng chỉ cần gọi điện quấy rối, khiến quân ta mất ngủ là khỏi phải đá rồi. Chỗ bọn tôi ở ngày đó không phải khách sạn, nó giống như dãy căn hộ, đi từ phòng đầu tới phòng cuối phải cả trăm mét. Tôi mới quyết định cử ban huấn luyện chia ca ra, cứ hai tiếng một ca đi túc trực cho tới khi trời sáng.
- Bốn năm làm việc cùng Jurgen, ông nhìn nhận chuyên gia người Đức ở vai trò Giám đốc Kỹ thuật, hay là một "trợ lý cao cấp" như nhiều người trong nghề đánh giá?
- Ông Jurgen không phải kiểu người ngồi bàn giấy, hoạch định chiến lược diện rộng cho cả nền bóng đá. Tôi nghĩ, chức danh Giám đốc Kỹ thuật đó không phù hợp với Jurgen. Ông ấy hợp với vị trí cố vấn kỹ thuật hơn.
Tất nhiên, có những câu chuyện khiến tôi suy nghĩ về vai trò của Jurgen. Phan Văn Đức ở SLNA không hề nổi bật, nhưng tại sao ông ấy vẫn nhìn ra bạn ấy giữa hàng trăm cầu thủ? Hay như trường hợp của Trọng Đại, tôi không nói là đúng nhưng cũng không hẳn là sai.
Trọng Đại có tư chất thủ lĩnh, có tiếng nói lớn với đồng đội khi làm việc cùng tôi. Nhưng từ ngày đầu, Jurgen luôn bảo: "Tôi không có vấn đề cá nhân gì cả, nhưng cậu ta không thể làm thủ lĩnh lâu dài được đâu". Ông ấy chưa bao giờ đánh giá cao Đại, và những gì xảy ra sau này mọi người đều thấy. Mấy năm qua, Đại trượt dài, từ chấn thương tới sinh hoạt cá nhân, rồi thái độ đều không ổn. Thực tế năm 2017, tôi không hề tước băng đội trưởng của bạn ấy. Đại vẫn là đội trưởng, chỉ là một cầu thủ khác đeo băng thủ quân trên sân thôi vì Đại đâu có trong danh sách đá chính! Tôi rất công bằng, đánh giá vai trò bạn ấy quan trọng trong hành trình tới Hàn Quốc. Dù Đại không thể xuất hiện trong danh sách 11 người đá chính, bạn ấy cũng cần có tên trong danh sách 20 người.
- Sau tất cả, dù đã làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam nhưng rốt cuộc, ông vẫn phải nhận lấy rủi ro khi làm bóng đá trẻ. Đó là giải đấu của U18 Việt Nam năm ngoái. Chuyện gì đã xảy ra?
- Có một nguyên tắc thế này: Tôi luôn chịu trách nhiệm về thành tích tập thể, dù thất bại là của cả tập thể. Khi bắt đầu lại quy trình đào tạo trẻ với lứa cầu thủ năm ngoái, tôi cũng đã thay đổi cách tiếp cận. Cầu thủ 2015 khác cầu thủ 2019, quy chuẩn của bốn năm về trước không còn đúng với tình hình thực tế.
Nhưng lứa cầu thủ đó có vấn đề. Mới đây xảy ra sự vụ ở Đồng Tháp, trong chín người bị FIFA, AFC và VFF kỷ luật, có tới năm người từng nằm trong thành phần dự tuyển năm ngoái. Còn cả một số bạn ở SLNA, Viettel. Tôi biết, nhưng chỉ dừng lại ở mức trao đổi, thông báo cho lãnh đạo Liên đoàn. Tìm chứng cứ sẽ mất thời gian, nhưng trên hết nếu tôi làm ầm ĩ, bung bét, thì sự nghiệp của các bạn ấy coi như bỏ đi. Hôm sau, tôi gọi điện cho anh Lê Khánh Hải thông báo xin dừng. Nếu tiếp tục với lứa này, tôi sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Công sức mình bỏ ra không xứng đáng.
- Đi lên từ cầu thủ, từng làm HLV cấp CLB và ĐTQG rồi sau này thử sức vai trò quản lý, ông có bao giờ nghĩ rằng nếu có thể, ông có đủ sức gánh vác một trọng trách mới, chẳng hạn như Chủ tịch CLB?
- Có những cầu thủ với tư chất thủ lĩnh, trên sân họ đã biết quán xuyến, gánh vác, làm công việc của một HLV thì tại sao họ không thể làm HLV hay Giám đốc Điều hành? Hay những người như Jose Mourinho và Sir Alex, họ muốn là sẽ làm được Chủ tịch. Công việc hàng ngày của họ đã hàm chứa đặc tính của một nhà quản lý bóng đá: Có tính chiến lược, có chất quản lý, có sự điều hành. Hoặc cầu thủ như David Beckham, anh ta có mọi thứ, từ quan hệ tới tiền bạc và chuyên môn hoàn toàn có thể làm chủ đội bóng.
Cầu thủ, HLV làm được công tác quản lý, nhưng chủ tịch, ông bầu thì không thể làm HLV. Vì đại đa số, chắc phải đến 90%, người chủ đâu hiểu gì về bóng đá đâu.
- Sau một thời gian nghỉ ngơi, ông tính khi nào sẽ trở lại với bóng đá và nếu quay lại, ông muốn làm ở V-League hay tiếp với bóng đá trẻ?
- Chắc chắn, sang năm tôi sẽ trở lại. Thật ra thời gian qua, có ít nhất hai CLB V-League làm việc với tôi, chờ tới phút 89 là ký. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy từ chối là quyết định sáng suốt. Nếu ký, coi như cả năm vừa qua của tôi là vứt đi. Trong rủi có may, tôi luôn nghĩ tích cực.
- Lần gần nhất ông làm việc tại V-League là cách đây tám năm. Sau ngần ấy năm, ông nghĩ bản thân có còn "phù hợp" với môi trường này?
- Giờ mà về V-League, tôi phải có lựa chọn mới về. Tôi mới dẫn dắt hai đội trước giờ, chưa đội nào giao chỉ tiêu vô địch. Phải đội nào đặt chỉ tiêu thành tích, đưa ra áp lực chuyên môn tích cực, tôi mới nhận. Có người nói sao ông không ký, không đi làm, lấy đâu tiền tiêu. Nhưng quan trọng nhất là mình có muốn hay không. Thực lòng, tôi vẫn thích bóng đá trẻ hơn.
An Ngọc