"Đây là sự thay đổi hình thái lây nhiễm so với trước kia", bác sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết hôm 17/11 nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS.
Bộ Y tế ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM rất lớn, từ năm 2015 đến nay tăng gấp đôi, và số bệnh nhân quan hệ tình dục đồng giới nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn, trở thành đường lây chính.
Ông Sơn dự báo số người mắc HIV trong nhóm MSM tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là đặc tính nhóm này sinh sống trải đều ở các tỉnh thành, rất khó để tiếp cận theo vùng như đối với người nghiện ma túy trước kia. Ngoài ra, nhóm này thường có tâm lý e ngại, khó tiếp cận.
Việt Nam ước tính khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Riêng từ đầu năm 2022, khoảng 9.000 ca mới được phát hiện, 1.378 trường hợp tử vong. Dự báo từ nay đến cuối năm thêm khoảng 3.000 người được phát hiện nhiễm HIV.
Các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM là hai khu vực phát hiện nhiều người nhiễm mới HIV/AIDS nhất trong năm 2022, tỷ lệ lần lượt là 36% và 28%.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, cho rằng mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm được ở nhóm MSM và nhóm thanh thiếu niên trẻ có quan hệ tình dục không an toàn. Để đạt mục tiêu, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có thực hiện mục tiêu 95-95-95. Tức là, 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh; 95% người được điều trị ARV; 95% người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
"Người nhiễm HIV mới khả năng lây nhiễm cao hơn 28 lần so với người nhiễm lâu vì giai đoạn này nồng độ virus cao. Do đó khi phát hiện ca nhiễm mới, phải nhanh nhất đưa nồng độ virus ở những người này xuống thấp nhất để giảm lây nhiễm ra cộng đồng", ông Sơn nói, nhấn mạnh thêm cần phát hiện sớm người nhiễm mới để khống chế, khoanh vùng và kịp thời điều trị thuốc ARV để giảm tải lượng virus.
Hiện, chương trình điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam được đánh giá triển khai tốt, với 31.000 người đang sử dụng PrEP. Ngoài ra, 169.000 người đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 97%.
Một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ tại Việt Nam nói rằng đến nay kỳ thị vẫn là rào cản lớn để ngăn chặn mục tiêu toàn cầu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Vì vậy cộng đồng cần biết những triển vọng điều trị HIV, không kỳ thị người có H, giúp họ phát hiện sớm và điều trị thuốc ARV, làm giảm lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ. Bộ Y tế đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Lê Nga