Thiếu nữ vốn khỏe mạnh, sau khi hít bóng cười liên tục bắt đầu tê bì tứ chi, thường bị chuột rút, giảm cảm giác chân tay. Hai tuần sau, tình trạng yếu tay chân tăng dần rồi không vận động được hai chân. Khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân đã bị liệt mềm chân, cơ lực chỉ còn 2/5, phải di chuyển bằng xe lăn.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười, điều trị bằng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, vitamin B12 liều cao. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh đã cải thiện các triệu chứng lâm sàng, đi lại vận động được, đỡ tê bì, sức cơ tay chân gần như phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân xuất viện điều trị ngoại trú và tái khám định kỳ.
Bóng cười thực chất là bóng bay được bơm đầy khí N2O (dinitơ oxit hay nitrous oxide), còn gọi khí cười, là một trong những hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Chất này ban đầu được sử dụng trong y khoa dùng để gây mê. Ngoài tác dụng an thần, giảm đau, khí N20 gây kích thích, phấn khích, ảo giác, gây cười, do đó được nhiều người sử dụng để thư giãn. Năm 2019, Bộ Y tế cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép sản xuất với mục đích công nghiệp, không được sử dụng cho người trừ khi bác sĩ chỉ định.
Ngày 15/8, TS.BS. Lê Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết ngộ độc khí cười trong thời gian dài có thể dẫn đến thoái hóa thần kinh bán cấp do bất hoạt vitamin B12, từ đó gây tổn thương thần kinh kéo dài và khó phục hồi.
Bác sĩ khuyến cáo bóng cười có thể gây hưng phấn, vui vẻ nhất thời, nhưng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Nhìn chung, các chất kích thích có nguy cơ dẫn đến lạm dụng hay lệ thuộc, ảnh hưởng nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí tử vong.
Lê Nga