Theo Guardian, vào tháng 8/1945, quả bom nguyên tử có đương lượng nổ 16 kilotonne đã giết chết hơn 140.000 người và biến thành phố Hiroshima phồn vinh thành đống gạch vụn. Ngày nay, Hiroshima được tái thiết thành chốn của hòa bình và thịnh vượng, nhưng ký ức về những ngày đen tối ấy sẽ không thể bị xoá nhoà cùng với sự ra đi của những người cuối cùng sống sót qua thảm hoạ hạt nhân.
Người dân Hiroshima ngày nay có cách nói tắt mô tả về sự bố trí thành phố, như một đường phố có tên là "cách xa khoảng 1,5 km", một tòa nhà là "500 mét về phía bắc". Ai cũng hiểu rằng điểm tham chiếu không được nói ra này là địa điểm trung tâm của cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
Đến với Hiroshima ngày nay, bên cạnh những thú vui như đi thuyền đến đảo Miyajima, thăm đền thờ thần đạo nổi trên mặt nước, thưởng thức món hàu tuyệt hảo, du khách nào cũng cảm nhận được chút ý niệm mơ hồ về quá khứ đau thương bi tráng của thành phố.
Khi ghé thăm bảo tàng tưởng niệm hòa bình của thành phố Hiroshima, người xem thường đứng câm lặng trước dấu vết "cái bóng" của một con người in hằn trên những bậc thềm đá đổ nát của ngân hàng Sumitomo được tìm thấy sau thảm hoạ, hay bộ đồng phục của học sinh trung học cơ sở bị xé nát vụn bên cạnh một hộp cơm trưa đầy đồ ăn bị nhiễm xạ, bộ khung của một chiếc xe ba bánh – mà cậu bé thường chơi đã bị thiêu hủy bởi vụ nổ.
Những hiện vật chất chứa đau thương này là một trong số rất ít những chứng tích còn sót lại thu nhặt được sau sự huỷ diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân do máy bay ném bom B-29 Enola Gay của quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima lúc 8h15 ngày 6/8/1945.
Quả bom phát nổ ở độ cao 600 mét, trong tích tắc tạo ra một làn sóng nhiệt đạt tới 3.000 đến 4.000 độ C trên mặt đất, cộng với sức gió lên đến 440 m/s quét qua toàn bộ thành phố. Trong vòng nửa giờ, tất cả các tòa nhà trong vòng bán kính hai km từ tâm vụ nổ chìm trong biển lửa, 90% trong tổng số 76.000 ngôi nhà trên thành phố bị thiêu hủy hoàn toàn và 40% trong số 33 triệu m2 đất biến thành tro bụi. Vụ nổ ngay lập tức giết chết khoảng 80.000 người trong số 420.000 cư dân thành phố Hiroshima. Đến cuối năm 1945, tổng số người chết là 141.000 do nhiễm phóng xạ và các bệnh liên quan.
Một ngày trước đó, Hiroshima còn là thành phố rực rỡ sắc mầu, là trung tâm quân sự và giao thông vận tải của cả vùng Chugoku. Sau khi bị đánh bom, thành phố hầu như không thể nhận ra, tất cả chỉ còn lại một vùng đất hoang tàn nhiễm phóng xạ hạt nhân nặng, bão lửa quét qua thành phố thiêu rụi hoàn toàn những ngôi nhà gỗ, sót lại một vài khung nhà bê tông trơ trọi, dòng sông chảy qua thành phố bị lấp đầy bởi những xác người tuyệt vọng lao xuống cố uống được chút nước trước khi chết. Trong mắt của những người được cử đến để cứu trợ, Hiroshima đã không còn tồn tại.
Hiroshima tan hoang vụn nát
Keiko Ogura là một nạn nhân sống sót sau cuộc tấn công, khi đó chỉ mới 8 tuổi, hầu như không tin nổi vào mắt mình khi cúi nhìn thành phố quê hương từ trên đỉnh đồi.
"Toàn bộ thành phố bị cháy rụi. Không ai hiểu gì đã xảy ra. Chúng tôi cứ tự hỏi vì sao mà toàn bộ thành phố có thể bị phá hủy bởi một quả bom duy nhất", Keiko Ogura nói.
Ông tận mắt chứng kiến những người bị thương rất nặng, bỏng nhiệt làm tuột toàn bộ lớp da và chết trước khi kịp uống hớp nước mà mình mang tới.
"Đó là sự khởi đầu của sang chấn tâm lý ám ảnh tôi bao năm nay. Nói được ra điều đó bây giờ là một cách để chữa lành những vết thương tâm lý, giống như là tôi đang làm một cái gì đó hữu ích thay mặt cho những người đã chết".
Những nạn nhân như Ogura bị phơi nhiễm phóng xạ hạt nhân, được gọi là hibakusha trong tiếng Nhật, không thể lường hết được tác hại của nó trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay cả khi đang trải qua nỗi kinh hoàng không dễ gì tưởng tượng nổi, người dân Hiroshima sống sót vẫn thể hiện những hành động đáng ngưỡng mộ của lòng dũng cảm và sự tháo vát. Cho dù có vẻ khó tin nhưng khi nhìn vào một số ít các bức ảnh đen trắng được chụp sau cuộc tấn công, có thể thấy rằng sự hồi sinh Hiroshima bắt đầu chỉ vài giờ sau khi bị xóa sổ triệt để.
Một ngày sau thảm họa, đèn đường lại được thắp sáng ở khu Ujina, ga tầu hoả Hiroshima được khôi phục. Hệ thống cấp nước được sửa chữa và hoạt động trở lại sau 4 ngày, và liên lạc điện thoại được kết nối vào ngày 14/8.
Đồn cảnh sát Higashi, nằm trong vùng bán kính 2 km ảnh hưởng của phóng xạ, được quân đội trưng dụng để trở thành trung tâm đầu não cho các nỗ lực cứu trợ cũng như hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Toàn bộ nhân viên làm việc trong ngân hàng Nhật bản chi nhánh Hiroshima - kiến trúc bằng bêtông duy nhất còn lại đến ngày nay được sử dụng làm đài tưởng niệm hoà bình - đã chết ngay trong vụ nổ.
Vậy mà chỉ hai ngày sau, ngân hàng mở cửa trở lại, cung cấp dịch vụ cho cả 11 ngân hàng khác hoạt động, nhân viên làm việc dưới khung nhà tốc hết mái và phải che ô khi trời mưa. Do yêu cầu cấp bách về chuyên chở người và hàng hoá, tuyến đường sắt Ujina hoạt động trở lại vào ngày 7/8, và một ngày sau đó, xe lửa trên tuyến Sanyo bắt đầu chạy khoảng cách ngắn giữa các ga Hiroshima và Yokogawa. Một số tuyến xe điện cũng hoạt động trở lại vào ngày 9/ 8, cùng ngày thành phố Nagasaki bị phá hủy bởi một quả bom plutonium, giết chết hơn 70.000 người.
Các nhà sử học cho rằng việc nhanh chóng nối lại dịch vụ là một nỗ lực dân sự vượt bậc, nhờ sự xuất hiện của một số lượng lớn các tình nguyện viên.
Xem tiếp: Vươn lên từ tro tàn
Tuệ Lâm