Adamson bị tấn công tình dục vào tháng 11/2015 và tháng 1/2016. Trong cả hai trường hợp, cô đều biết hung thủ. Nguồn động viên duy nhất của cô chính là người dì. Cô xăm dòng chữ "Unbreakable" (tạm dịch Không bị khuất phục) và "survivor" (tạm dịch Người sống sót) vào tay bởi cho rằng hình xăm giúp cô chữa lành cú sốc này.
Đối với Adamson, hình xăm vừa là nghệ thuật vừa là lời nhắc nhở rằng cô vẫn còn sống và vẫn ổn. Khi chạm hình xăm, cô cảm thấy tâm trạng khá hơn.
Giống như nhiều nạn nhân bị tấn công tình dục, Adamson cảm thấy xăm mình là một biện pháp trị liệu hiệu quả. "Nếu không có những hình xăm này, tôi thật sự không biết sẽ ra sao nữa", cô nói.
Một nạn nhân khác, Cierra Barefoot 22 tuổi, bị tấn công tình dục vào năm 13 tuổi. Cô xăm hình "bông hồng lửa" dưới xương đòn. Hình xăm đóa hoa hồng vươn lên từ ngọn lửa của cô gái lấy cảm hứng từ ngôi sao nhạc Pop, Lady Gaga.
Lady Gaga đã công khai chia sẻ mình bị tấn công tình dục từ năm 19 tuổi và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Trình diễn tại lễ trao giải Oscar 2016 , nữ ca sĩ đề nghị 50 người sống sót sau khi bị tấn công tình dục lên sân khấu cùng mình. Một số người đã nhận được hình xăm bông hồng lửa. Kể từ đó," bông hồng lửa" đã trở thành biểu tượng cho những người bị tấn công tình dục.
Barefoot cho rằng khi ánh mắt của ai đó chạm vào hình xăm sẽ giúp cô mở lòng và chia sẻ về câu chuyện của mình. Với cô, hình xăm hoa hồng lửa mang đến sức mạnh. "Tôi tự hào là người sống sót", Barefoot nói.
Tiến sĩ Maxwell 38 tuổi cũng là nạn nhân một vụ tấn công tình dục vào tháng 12/2018. Cô xuất hiện trong một bài báo vào tháng 1/2019 để chia sẻ nghiên cứu về cảm xúc của người sống sót sau cú sốc bị lạm dụng đã xăm mình như một cách chữa lành chấn thương.
Hình xăm ở mỗi quốc gia có ý nghĩa đặc biệt, biểu thị trạng thái hoặc kỷ niệm một sự kiện lớn trong cuộc đời. Đối với những tình nguyện viên trong nghiên cứu của tiến sĩ Maxwell, "xăm hình để trị liệu". Nữ tiến sĩ cho biết đây là "cảm giác mang tính giải tỏa tâm lý". Những nạn nhân bị xâm hại không thể nhận thức được nỗi đau của mình, xăm là cách họ hình tượng hóa những gì đã trải qua.
Những người tham gia nghiên cứu của Maxwell có hình xăm đầu tiên ở tuổi từ 11 đến 29 và trung bình có ba hình xăm, thường xuất hiện sau khi bị tấn công tình dục. Làm chủ cơ thể là cách giúp họ nhìn nhận mình là một người sống sót, một người đã vượt qua cú sốc thay vì là nạn nhân.
Theo CNN, nhiều người dùng những hình xăm để giúp họ vượt qua các chấn thương tâm lý. Maxwell ví cách này như một liệu pháp nghệ thuật trị liệu, truyền tải những trải nghiệm và cảm nhận của các nạn nhân.
Báo cáo năm 2013 của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy 35% phụ nữ trên toàn cầu đã trải qua bạo lực và bị xâm hại tình dục.
Anne McKechnie, nhà tư vấn tâm lý học giải thích sau khi bị tấn công, nạn nhân bắt đầu nhận thức được chuyện gì đã xảy ra và thường cảm thấy đau khổ, khó ngủ, nghĩ về khoảnh khắc mình bị xâm hại hay tìm cách né tránh hoàn toàn sự việc. Ngoài ra, phản ứng của một người còn phụ thuộc vào hoàn cảnh hoặc việc họ bị tấn công nhiều hay ít.
Tuy nhiên, McKechnie khẳng định hình xăm không thể áp dụng với tất cả trường hợp để giải quyết vấn đề bởi đây không phải là phương pháp duy nhất. Tiến sĩ Maxwell cũng cho rằng xử lý chấn thương thông qua hình xăm cần phải kết hợp với các liệu pháp khác.
"Bạn không thể có một hình xăm mỗi khi bạn xử lý một vấn đề không tốt trong cuộc sống", Maxwell nói.
Theo CNN