Nhóm nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh tìm thấy bằng chứng hữu hình hé lộ dáng vẻ của vượn cáo khổng lồ. Trong nghiên cứu trên tạp chí Island and Coastal Archaeology, nhà nghiên cứu Julian Hume và cộng sự mô tả bức tranh vẽ vượn cáo. Hume cũng mô tả khu vực hóa thạch cho thấy vượn cáo khổng lồ tồn tại ở Madagascar tới ít nhất là 1.000 năm trước, rất lâu sau khi những người đầu tiên đặt chân lên đảo.
Hume kết luận Madagascar là ngôi nhà của nhiều loài vượn cáo khổng lồ, một số to ngang khỉ đột lưng bạc và dành nhiều thời gian ở nền rừng. Tuy bức tranh trong hang động không rõ nét, các chuyên gia đều đồng ý sinh vật được người cổ đại mô tả chính là loài vượn cáo khổng lồ nay đã tuyệt chủng. Theo nhóm nghiên cứu, vượn cáo có thể treo mình dưới cành cây và chậm rãi di chuyển dưới tán cây trong rừng khô.
Hume và cộng sự phát hiện hóa thạch của 4 loài vượn cáo khổng lồ nằm lẫn với xương của lợn đất Madagascar, chim cúc cu và loài fossa. Họ kết luận một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự tuyệt chủng của chúng là con người. Hang động trong rừng, nơi có hình vẽ cổ đại, là một trong những nơi trú ẩn cuối cùng của những loài vật này.
An Khang (Theo Ancient Origins)