![HÌnh vẽ voi ma mút trên đá được phát hiện vào những năm 2000. Ảnh: Siberian Times.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/04/29/HInh-ve-dong-vat-set-6326-1588136277.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wu3s5tKdFktuQMlEoRNpsA)
HÌnh vẽ voi ma mút trên đá được phát hiện vào những năm 2000. Ảnh: Siberian Times.
Các nhà khoa học phát hiện loạt hình vẽ trên đá ở cao nguyên Ukok (Nga) và Baga-Oygur, Tsagaan-Salaa (Mông Cổ) từ những năm 1990 và 2000, nhưng còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Họ tranh luận xem những hình vẽ này miêu tả voi ma mút lông xoăn hay chỉ là sinh vật tưởng tượng với chiếc vòi dài.
Vấn đề được giải quyết khi một nhóm nhà khoa học Nga và Pháp phát hiện các hình vẽ mới, Ancient Origins hôm 28/4 đưa tin. Họ tìm thấy hình vẽ tê giác lông mượt tại Baga-Oygur. Đá nứt phá hủy phần lớn hình vẽ, nhưng con vật vẫn dễ nhận ra nhờ phần thân dài và mập mạp, chân ngắn rắn chắc, chiếc đuôi đặc trưng, mõm dài và cặp sừng lớn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn tìm thấy một tác phẩm khắc họa voi ma mút con. Sự tương đồng về phong cách cho thấy loạt hình vẽ được phát hiện trước đó cũng miêu tả voi ma mút lông xoăn, không phải sinh vật tưởng tượng. Phong cách vẽ này cũng xuất hiện ở một số tác phẩm nghệ thuật trên đá tại châu Âu thời kỳ Đồ Đá cũ.
Voi ma mút lông xoăn và tê giác lông mượt tuyệt chủng cách đây 15.000 năm. Do đó, nhóm nghiên cứu xác định những tác phẩm này ra đời trong thời kỳ Đồ Đá cũ, người vẽ sử dụng công cụ đá, không phải kim loại. Họ cũng phát hiện "vecni sa mạc" - lớp vỏ tối màu hình thành trên đá trong môi trường khô cằn, cho thấy các hình vẽ cổ xưa hơn nhiều so với ước tính trước đó là 8.000-10.000 năm tuổi.
"Nghiên cứu cung cấp chi tiết mới về hoạt động của người tiền sử ở Trung Á. Trước đó, giới khoa học đã nắm được một số thông tin về nghệ thuật thời Đồ Đá cũ tại khu vực này, trong đó có loạt tượng nổi tiếng ở khu khảo cổ Mal'ta, Siberia, với niên đại 19.000-23.000 năm", nhà khoa học Vyacheslav Molodin tại Viện Khảo cổ và Dân tộc Novosibirsk cho biết.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)