Người phụ nữ to tiếng, lấy lý do thời dịch Covid-19 nên kiên quyết không kéo khẩu trang và tháo kính râm tại chốt kiểm tra hành chính trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), sáng 1/9/2020. Được đưa về trụ sở công an huyện, cô mới chịu lộ diện và đổ sụp khi nghe thông báo: "Phùng Thị Mỹ Nga, cô đã bị bắt".
Từ năm 2016, Nga, 38 tuổi và chồng là Đặng Văn Trung (42 tuổi, ngụ quận 5) vay hàng chục tỷ đồng của nhiều người. Cuối năm 2017, vợ chồng Nga âm thầm bán nhà rời khỏi nơi cư trú, cắt toàn bộ liên lạc. Các bị hại làm đơn tố cáo. Năm 2018, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TP HCM ra quyết định truy nã hai người này. Suốt 2 năm, họ bặt vô âm tín.
Tháng 3/2020, Đội Truy nã Truy tìm (Đội 6) được thành lập, thuộc PC02. Mở hồ sơ truy nã cặp đôi lừa đảo, thượng úy Bùi Thanh Bình (tổ trưởng trinh sát 1) cùng đồng đội phân tích kỹ từng trang thông tin. Các anh chú ý chi tiết Nga còn 2 chị em khác. "Chị em gái thường rất gắn bó, khó mà cắt đứt sợi dây tình cảm", anh Bình nhận định.
Qua 4 tháng xác minh, Đội 6 nắm thông tin người chị cả của Nga là bảo mẫu đưa đón học sinh trường quốc tế ở quận 7. Thông thường, bảo mẫu sẽ lên ôtô chạy tuyến cố định, nhưng tại điểm tập trung chị này hay đổi xe với người đồng nghiệp thân thiết. Qua phân tích, trinh sát nghi ngờ cô bảo mẫu thứ hai là Nga, song chưa có căn cứ vững chắc.
Lúc đó, cả nước đang trong làn sóng Covid-19 thứ hai, người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường. Hai bảo mẫu đeo thêm kính đen nên khó nhận diện. Ngoại hình hai người cũng ít khác biệt do chị em Nga cách nhau một tuổi, ăn mặc như nhau. Cảnh sát không loại trừ giả thuyết hai người có thể tráo đổi thân phận.
Phía trường quốc tế cho biết họ quản lý giáo viên và nhân viên chính thức, còn xe đưa đón đặt dịch vụ ngoài. Chủ xe tự bố trí tài xế cùng bảo mẫu, thường thuê làm việc theo tiếng. Trinh sát không tiếp tục khai thác phía nhà xe để tránh "động", tăng cường đeo bám nghi can.
Một lần, sau khi đưa học sinh đến trường, hai bảo mẫu lấy xe máy chở nhau đi chợ. Trong lúc mua hàng, họ tháo kính râm để chọn đồ ăn. Đi ngang quan sát khuôn mặt hai người, trinh sát nhận ra điểm khác nhau dù họ vẫn đeo khẩu trang. Cô ngồi phía sau có hốc mắt trũng sâu, khiến cả vùng mắt tối và quầng hơn, rất giống hình ảnh Nga trong hồ sơ truy nã. Cô cầm lái có hốc mắt bình thường, sáng khoẻ, không như người đang bỏ trốn thường lo lắng suy nghĩ nhiều.
Nhận tin báo về, Đội 6 chỉ đạo trinh sát tiếp tục theo dõi. "Chúng tôi chưa bứt dây động rừng tại chợ vì đặc điểm nhận dạng Nga qua hốc mắt mới củng cố 90% niềm tin và cần phải truy tiếp ra chồng cô ta", thượng úy Bình nói.
Nơi trọ của bảo mẫu nghi vấn là căn nhà 3 tầng ở quận 7, sát huyện Nhà Bè. Cô ta sống một mình trong phòng riêng, thông tin đăng ký thuê trọ không phải Phùng Thị Mỹ Nga. Hàng ngày, người phụ nữ không giao tiếp với ai, chỉ ra khỏi nhà 2 lần sáng và chiều với khuôn mặt che kín, cửa phòng được khoá ngoài. Suốt nhiều ngày đeo bám, trinh sát không thấy cô ta gặp gỡ người đàn ông nào.
Đội 6 quyết định "cất lưới", điều động 3 tổ trinh sát để giám sát nhà trọ bảo mẫu nghi vấn, giám sát người chị cả của Nga và tổ lưu động.
Sáng 1/9/2020, hai bảo mẫu rời nhà đi làm. Trên đường Nguyễn Hữu Thọ, tổ lưu động ra dấu dừng xe, tiến hành kiểm tra hành chính bảo mẫu nghi vấn. Qua quan sát hốc mắt, thái độ và cảm xúc giọng nói cô này, cảnh sát củng cố niềm tin đây chính là Phùng Thị Mỹ Nga.
Tại Công an huyện Nhà Bè, sau khi được trinh sát vận động, Nga khai ra việc bí mật đưa chồng về nơi trọ, hàng ngày "nhốt" trong phòng. Thông tin được báo cho tổ công tác đang giám sát nhà trọ. Các trinh sát cùng công an địa phương sau đó phá cửa chính, chặn cửa sổ, bắt Đặng Văn Trung.
Nga khai, sau thời gian dài hai vợ chồng lẩn trốn, đầu năm 2020 cô được chị cả xin cho làm bảo mẫu đưa đón học sinh. Nếu được phân công theo xe đón tại các khu vực có người quen sinh sống, cô ta và chị thường tự ý đổi ôtô làm việc để tránh bị nhận diện.
Hiện, vụ án vợ chồng Nga lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người đã được phục hồi điều tra.
Với kinh nghiệm 40 năm là cảnh sát hình sự, trong đó 20 năm phụ trách truy nã, thượng tá Nguyễn Duy Dũng (Phó trưởng Phòng PC02) đánh giá cao công tác nghiên cứu, xác minh và phối hợp đánh án nhịp nhàng của Đội 6, dù mới thành lập và đa số cán bộ chiến sĩ được điều động từ các đội khác sang.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Đội 6 đã phối hợp các đội nghiệp vụ của Phòng PC02 bắt, vận động đầu thú 111 người bị truy nã; trong đó 18 người nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, một người trốn 31 năm.
Việt Anh