Đó là chia sẻ của độc giả Nguyen Dieu Linh khi nói về hình nộm nhân viên tươi cười giơ tay "Xin chào, cảm ơn quý khách" của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đặt ở một số trạm xăng nhằm thu hút sự chú ý của khách.
Bàn về chủ đề các "ông lớn" xăng dầu Việt đua nhau thay đổi hình ảnh với khách hàng, VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của độc giả. Đa phần các ý kiến nhận định hình nộm này chẳng có tác dụng gì và không thể làm thay đổi hình ảnh cây xăng Việt, bởi điều khách cần là bán đủ và thái độ nhân viên phải niềm nở.
"Cái chúng tôi cần không phải là hình nộm vô tri vô giác ấy mà là sự tôn trọng. Hãy cho chúng tôi thấy được mình là một khách hàng đúng nghĩa, chứ không phải là khách hàng "nô lệ" của việc kinh doanh độc quyền", bạn đọc Huy Trần viết.
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Cường Catalan nói: "Chúng tôi cần là chất lượng xăng, cân đo chuẩn khi bán, thái độ phục vụ, giá cả minh bạch. Chúng tôi chẳng cần các vị làm màu mè rồi đưa băng rôn biểu ngữ kêu nhằm khơi gợi lòng yêu nước, vì đất nước mà tiêu thụ hàng cho các vị".
Còn độc giả Phi Long bình luận: "Các cây xăng trong nước chỉ cần bán đúng chất lượng, đủ về số lượng là người dân ủng hộ hàng Việt Nam rồi. Hiện nay chất lượng thì không biết ra sao nhưng số lượng chắc chắn bị thiếu bởi những hành động ăn cắp tinh vi".
"Tôi để ý, khi bơm người bán không cài cò bấm để máy chạy tự động mà luôn tăng giảm cò bấm để tận dụng trớn quy của đồng hồ làm giảm lượng xăng của khách. Hơn thế nữa, khi đồng hồ nhảy tới số tiền mua người nhân viên lập tức nhả cò bấm, về nguyên tắc khi đồng hồ nhảy tới số mua thì vẫn còn một lượng xăng trong ống. Bởi vậy, họ cần chờ để xăng chảy hết nhưng khi đồng hồ vừa nhảy tới số mua thì họ đã nhả cò bấm để ăn gian lượng xăng này".
Bên cạnh đó, một số người cho rằng chủ trương thay đổi hình ảnh với khách hàng là tốt nhưng thay đổi hình thức thì không đủ mà quan trọng là thay đổi cách phục vụ. "Người Nhật dùng hẳn ông chủ ra chào khách còn ta chơi hình nộm bảo sao cho đông người mua", bạ đọc Nguyễn Hải Hùng bày tỏ.
"Tôi đã mua xăng nhiều nơi và luôn thấy một điểm chung là vẻ lãnh đạm, bất cần khách. Nhiều nhân viên hất hàm chỉ chỗ đậu xe, chờ tôi mở nắp bình xăng, khi bơm xong là rút phắt vòi bơm để nhận tiền, còn không thèm nhìn mặt người mua lấy một lần. Vậy khác gì doanh nghiệp đang đặt hình nộm để chọc quê nhân viên bán xăng", anh Tình tâm sự.
Còn độc giả Nguyễn Thái Sơn góp ý doanh nghiệp nên huấn luyện nhân viên thường xuyên để họ có phong cách giao tiếp thân thiện và cởi mở với khách thay vì đặt hình nộm phản cảm kia. "Tôi nhiều khi thấy các nhân viên nói chuyện cười đùa với nhau thoải mái, nhưng với khách hàng hầu như không bao giờ nhận được lời cảm ơn hoặc ánh mắt vui cười", anh Thái Sơn tâm sự.
>> Xem thêm: 'Không thể bán xăng kiểu Nhật ở trung tâm Hà Nội, Sài Gòn'