Tháng 10/2020, CEO Apple, Tim Cook, đứng trên sân khấu không người ở trụ sở Apple Park để nói về loạt iPhone 12 mới nhất. Ông say mê với bản thuyết trình của mình, nhấn mạnh smartphone mới có những tính năng vượt trội, đặc biệt là sự xuất hiện của 5G.
iPhone 12 có thể là một trong những điểm sáng của ngành smartphone năm qua. Tuy nhiên, những gì Tim Cook nói về loạt iPhone mới giống với các điện thoại được phát hành trong hai năm qua. Nhìn rộng ra, thị trường smartphone dường như đã bão hòa, không có nhiều đổi mới ngoài sự xuất hiện của một số điện thoại màn hình gập.
2020 là một năm tác động tiêu cực đến thị trường smartphone do ảnh hưởng của Covid-19. Nhu cầu của người dùng về mặt hàng này sụt giảm. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ đến mức Samsung - nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới - được cho là đã xem xét từ bỏ dòng Galaxy Note của mình vào năm tới.
Các báo cáo về doanh số smartphone của các hãng phân tích đều cho kết quả ảm đạm. Theo số liệu của Gartner trong ba tháng đầu 2020, nhu cầu về smartphone giảm 20%. Xu hướng này tiếp tục trong quý II với mức giảm 20%. Đến quý III, sự sụt giảm mới chậm lại, nhưng vẫn ở mức 7,5%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không phải tới khi đại dịch, việc giảm doanh số smartphone mới diễn ra. Thực tế, sức mua điện thoại đã bắt đầu chậm từ nhiều năm trước, khi người dùng có thói quen sử dụng thiết bị của mình dài hơn.
"Vòng đời smartphone đã kéo dài hai đến ba năm. Xu hướng này đang khiến thị trường gặp khó khăn", nhà phân tích Roberta Cozza của Gartner nhận xét.
Giới phân tích lo lắng rằng ngành công nghiệp smartphone đang trở nên nhàm chán khi các nhà sản xuất chỉ chạy theo xu hướng nâng cấp camera, màn hình và pin của thiết bị mỗi năm và điều này là không đủ để thuyết phục khách hàng nâng cấp. "Ở Anh, mọi người thường giữ thiết bị của họ ít nhất ba năm. Đây có thể xem là câu trả lời của người dùng, rằng 'Tôi không cần chi thêm tiền cho việc nâng cấp điện thoại nữa'", Ben Wood, trưởng nhóm nghiên cứu của CCS Insight, lấy ví dụ.
Các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn khác trong việc thuyết phục người dùng chi gần 1.000 USD cho các thiết bị có kết nối 5G. Paolo Pescatore, nhà phân tích của PP Foresight, cho rằng mức giá này khó thuyết phục người mua, nhất là khi mạng di động thế hệ thứ năm chỉ đang trong quá trình xây dựng.
Smartphone gập chưa thể phổ biến
Trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn có một số điểm sáng đến từ các nhà sản xuất smartphone châu Á. Trong nhiều năm, thị trường điện thoại, chủ yếu là các sản phẩm có thiết kế hình chữ nhật. Nhưng giờ đây, những công ty như Samsung, Huawei đã bán ra điện thoại gập, trong khi Oppo, Xiaomi cũng đang hé lộ một số nguyên mẫu smartphone cuộn, gập ba... và dự kiến tung ra trong tương lai gần. Những thiết bị đã ra mắt hiện có giá đắt đỏ, nhưng được đánh giá "liều thuốc" mà ngành di động đang cần.
"Thị trường smartphone đang ở một giai đoạn mới. Nếu các nhà sản xuất tiếp tục cho ra màn hình linh hoạt, Apple có thể sẽ là công ty tiếp theo tham gia", Wood nhận định.
Các công ty như LG, Samsung hay Oppo đã đổ hàng triệu USD vào việc sản xuất tấm nền uốn dẻo với hy vọng hàng triệu người đổ xô nâng cấp smartphone dùng màn hình này trong tương lai. Riêng Samsung cũng được cho là đang xem xét chuyển nguồn lực sang một chiếc điện thoại gập khác bên cạnh dòng Z Flip và Z Fold hiện tại, Reuters đưa tin.
Các mẫu điện thoại mang tính đột phá hơn cũng đang được nghiên cứu. Samsung được cho là tìm hiểu một mẫu smartphone trong suốt, trong khi Oppo đã được cấp bằng sáng chế smartphone có màn hình phụ thu nhỏ, có thể trượt lên phía trên của thiết bị. Đầu năm nay, LG cũng đã phát hành sản phẩm chữ T có tên Wing.
Giới phân tích đánh giá cao các smartphone mang tính đột phá nêu trên. Dù vậy, họ vẫn đặt câu hỏi rằng liệu có bao nhiêu người sẽ đón nhận chúng hay vẫn chỉ trung thành với kiểu dáng chữ nhật.
Độ bền là một trong những lý do chính khiến người dùng "ngại" tìm đến các mẫu smartphone đột phá. Thực tế, dòng Galaxy Fold giá gần 2.000 USD của Samsung đã phải "sửa sai" nhiều lần trước khi có được vị trí như hiện nay. Hay Motorola Razr giá 1.500 USD cũng bị đánh giá là nhanh hỏng.
Bất chấp những lo lắng trên, có vẻ năm 2021 vẫn sẽ là một năm các nhà sản xuất dành thời gian thử nghiệm các hình thức điện thoại kiểu mới. Theo một số nhà phân tích, xu hướng này có khả năng dẫn đến sự gián đoạn lớn nhất trong ngành di động kể từ khi Steve Jobs ra mắt iPhone vào năm 2007.
"2021 sẽ là năm thị trường smartphone tăng trưởng trở lại", Cozza dự đoán. Tuy nhiên, đây chưa phải là năm để điện thoại gập phổ biến do giá bán vẫn còn đắt đỏ. Có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy chúng đại trà hơn vào năm 2022 và 2023".
Bảo Lâm (theo Telegraph)