Ký ức một ảnh viện Sài Gòn hay Câu chuyện Viễn Kính được Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện trong gần một năm. Cuốn sách dày hơn 220 trang là câu chuyện về nghề nhiếp ảnh, những thăng trầm trong cuộc đời một tay máy gốc Bắc.
Hai phần đầu sách, tác giả điểm qua về lịch sử phát minh bộ môn nhiếp ảnh, cuộc du hành của nhiếp ảnh gia phương Tây vào Việt Nam và tư duy "nghệ nhân - làng nghề" trong đời sống mỹ thuật truyền thống của người Việt từ xa xưa đến đầu thế kỷ 20, chuyện những nhà chụp ảnh đầu tiên ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Phần ba là câu chuyện nghề ảnh từ Lai Xá đến Sài Gòn theo hành trình của nhân vật chính - ông Đinh Tiến Mậu - chủ hiệu ảnh Viễn Kính nổi tiếng một thời. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có nhiều tháng tiếp cận ông Đinh Tiến Mậu để lấy chất liệu cho quyển sách.
Ông Đinh Tiến Mậu sinh ra ở làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, Hà Đông. Năm 11 tuổi, ông theo cha vào Sài Gòn học nghề, lập nghiệp. Từ cuối những năm 1950, ông cộng tác với nhiều hãng phim, hãng đĩa, tờ báo tự do. Nhờ vậy, Đinh Tiến Mậu có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, chụp ảnh cho nhiều ngôi sao hàng đầu làng giải trí miền Nam.
* Một số bức ảnh được in trong cuốn sách
Qua ống kính của ông, hình ảnh Thẩm Thúy Hằng mặc "áo dài bà Nhu", Thanh Nga chải tóc đánh phồng, Diễm Thúy mặc áo hai dây gợi tình... hiện lên sinh động. Đinh Tiến Mậu cũng kể lại những câu chuyện về Thanh Nga dịu dàng, mực thước, Thanh Thúy cô đơn với nỗi đau mất mẹ... "Phía sau hào quang của những người nổi tiếng thời kỳ này, dường như tôi đều thấy có những nỗi cô đơn mà số phận và thời cuộc tạo ra. Từ những cuộc la cà bè bạn như vậy, tôi hiểu họ hơn để khi đứng sau màn chập máy ảnh, tôi tìm đúng thứ ánh sáng, khoảnh khắc, bố cục... và kể về họ trên những bức ảnh của mình", Đinh Tiến Mậu tâm sự.
Qua chuyện đời, chuyện nghề của ông Đinh Tiến Mậu, người đọc cảm nhận được nét đẹp, văn hóa của người Sài Gòn xưa, sự giao thoa giữa hai miền Nam - Bắc... "Ảnh viện không đơn thuần là nơi làm dịch vụ ghi chép hình ảnh, nơi diễn ra những giao dịch sòng phẳng nhất thời giữa những người cần ảnh với thợ chụp ảnh, đó là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng. Nhưng đó lại có thể không hơn gì một đống tro tàn sau những bể dâu thế cuộc", tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên viết trong lời đề tựa cuốn sách.
Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935 tại Lai Xá, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông theo cha vào Sài Gòn từ năm 1946. Ông học nghề ở hiệu ảnh Hợp Dung (Hà Nội) và hiệu ảnh Văn Vấn (Sài Gòn). Ông từng mở hiệu ảnh Việt Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn (1958 - 1960), hiệu ảnh King's Photo (1960-1962), hiệu ảnh Phúc An (1962 - 1963), hiệu ảnh Viễn Kính (1963 đến 1999). Hiện ông an dưỡng tuổi già tại căn nhà số 277 Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM (trước đây là hiệu ảnh Viễn Kính).
Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả của nhiều cuốn sách như Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách (2015), Đà Lạt một thời hương xa (2016), Những thành phố trôi dạt (2017). Tác phẩm Đà Lạt một thời hương xa đoạt giải Sách hay 2017, hạng mục Phát hiện mới.
Hà Thu