Trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam, Lưu Trọng Lư là một trong số ít nhà thơ được tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân chọn đăng nhiều thơ nhất với 11 bài. Các bài thơ gồm: Nắng mới, Thơ sầu rụng, Giang hồ, Tình điên, Tiếng thu, Còn chi nữa, Một mùa đông, Chiều cổ, Điệu huyền, Thú đau thương.
Bài thơ Một mùa đông khá dài, chia làm bốn trường đoạn, từng được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Dưới đây là trường đoạn thứ nhất.
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.
Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!
Bình giảng thơ Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh viết: "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt dũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy. Tình đã gửi trong lời thơ, Lư không còn đoái hoài đến nữa.
Lư vứt chỗ này một bài, chỗ khác một bài, với cái phóng khoáng cả một kẻ khinh hết thảy những cái gì gọi là quý ở đời này. Sánh với những người yêu thơ Lư, Lư là người thuộc thơ mình ít nhất. Âu cũng là điều bất lợi.
Một điều bất lợi nữa là trong khi thơ Việt Nam đương đi tìm nghệ thuật mới lạ, những tình cảm khuất khúc, những hình sắc phiền phức của thiên nhiên, thì Lư cũng chỉ có một ít khúc đàn bình dị, một ít khúc đàn xưa, dầu có đổi xoang đổi điệu cũng vẫn là những khúc đàn xưa".
Ngoài Tiếng thu, Lưu Trọng Lư còn có các tập thơ: Tỏa sáng đôi bờ (1959); Người con gái sông Gianh (1966); Từ đất này (197l); Chị em (1973); Bâng khuâng (1988); Bao la sầu (1989). Ngoài ra, ông còn viết truyện ngắn và soạn kịch.
Câu 5: Lưu Trọng Lư có một người anh trai là nhà thơ của phong trào Thơ mới, đúng hay sai?