Mùa hè năm trước, vào một buổi sáng ngày thường, tôi ghé thăm công viên gần nhà. Một khung cảnh nam London tươi vui với những đứa trẻ tung tăng nghịch nước ở các đài phun và đá bóng trên bãi cỏ. Với lọ kem chống nắng và túi bánh gạo trong tay, tôi ngồi bên thành hố cát cho trẻ con chơi với hai bà mẹ khác trong lúc lũ trẻ xây lâu đài bằng những chiếc xẻng nhựa đủ màu rực rỡ.
Một trong hai bà mẹ tôi vừa mới gặp đó - một người phụ nữ sáng sủa và hoạt ngôn - nỗ lực giải thích cho chúng tôi cách mà một loại thuốc vi lượng đồng căn đã chữa khỏi căn bệnh chàm kinh niên của cô ấy. "Tôi yêu liệu pháp vi lượng đồng căn", cô nói. Là một nhà khoa học, tôi phải phản biện. Vi lượng đồng căn là nước (hoặc viên đường) đựng trong những cái chai đẹp đẽ - tất cả hoạt chất (nếu có) trong những phương thuốc này đều được pha loãng đến mức gần như chẳng còn tồn tại. "Nhưng những phương thuốc vi lượng đồng căn không có gì trong đó cả", tôi nói.
Người bạn mới nhìn tôi một cách khinh thị. "Không phải những thứ đo lường được", cô ấy đáp lại, như thể tôi có chút trì độn khi không hiểu được rằng những đặc tính chữa lành của phương pháp này bắt nguồn từ một thứ giá trị cốt lõi không thể đong đếm được, vượt ra ngoài tầm hiểu biết của các nhà khoa học. Và chỉ bằng mấy lời ngắn gọn, tôi cảm thấy cô ấy đã tóm tắt một trong những cuộc tranh luận về triết học lớn nhất trong y học ngày nay.
Một bên là những người khởi xướng nền y học phổ thông ở phương Tây. Họ là những người duy lý, giản lược và chỉ tin vào thế giới vật chất hữu hình. Theo quan điểm của họ, cơ thể con người giống như một cỗ máy. Nhìn chung, suy nghĩ, niềm tin và cảm xúc đều không đóng vai trò nào trong việc điều trị bệnh. Khi một cỗ máy bị hỏng, chúng ta thường sẽ không trò chuyện với nó. Khi đó, các bác sĩ sẽ sử dụng những phương pháp vật lý như chụp chiếu, xét nghiệm, thuốc men hoặc phẫu thuật, để chẩn đoán và sửa chữa phần hỏng hóc.
Phía bên kia là những người theo đuổi những giải pháp khác: các bài thuốc cổ xưa, liệu pháp thay thế và cả nền y học từ những vùng đất xa xôi. Những phương pháp truyền thống này đề cao những thứ vô hình hơn những thứ hữu hình, đặt con người lên trên mọi điều kiện ngoại cảnh; trải nghiệm chủ quan và niềm tin hơn là những kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Thay vì kê đơn, thầy thuốc trị bệnh bằng châm cứu, chữa bệnh bằng tâm linh và dùng reiki (linh khí) để khai thác các trường năng lượng vô hình. Những người ủng hộ liệu pháp vi lượng đồng căn không quan tâm đến việc phương thuốc họ sử dụng không còn lại chút hoạt chất thực thể nào, bởi họ tin rằng đâu đó vẫn còn chút "dấu tích" còn lại nhưng khó mà phát hiện của thuốc điều trị.
Mặc dù y học phương Tây hiện chiếm ưu thế, vẫn có hàng triệu người trung thành với các phương pháp y học thay thế. Tại Mỹ, sự kỳ diệu của việc chữa lành bằng tâm linh hay reiki được thảo luận thường xuyên trên sóng truyền hình. Có đến 38% người trưởng thành từng sử dụng một hình thức chữa bệnh thay thế nào đó (con số này là 62% nếu tính cả việc cầu nguyện). Hàng năm, người ta chi khoảng 34 tỉ đô la cho việc này, và số lượt thăm khám với những người thực hiện các liệu pháp thay thế là 354 triệu lượt (trong khi đó, số lượt
thăm khám bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu là khoảng 560 triệu lượt).
Tại London, nơi tôi sống, các bà mẹ thường đeo vòng cổ hổ phách cho trẻ với niềm tin rằng loại đá quý này giúp giảm đau khi mọc răng. Những người phụ nữ thông minh, có học thức từ chối tiêm những loại vắc xin thiết yếu cho con của
họ, như người bạn của tôi, cô ấy đặt trọn niềm tin vào phương pháp điều trị không có chút bằng chứng khoa học nào cả.
Không quá ngạc nhiên khi các nhà khoa học phản đối một cách mạnh mẽ. Những người hoài nghi đến từ cả hai bờ của Đại Tây Dương - từ những người chuyên đi vạch trần bí ẩn như James Randi và Michael Shermer, những người chuyên viết các blog khoa học như Steven Salzberg và David Gorski, cho đến nhà sinh học kiêm tác giả Richard Dawkins - đã lên án mạnh mẽ tôn giáo, những điều phi khoa học, đặc biệt là những phương pháp điều trị thay thế. Trong cuốn Bad Science (Khoa học tồi tệ) xuất bản vào năm 2009, nhà dịch tễ học Ben Goldacre đã đả kích những người lạm dụng khoa học để đưa ra những nhận định không chính đáng về sức khỏe, cuốn sách đã bán được hơn 500.000 bản ở 22 quốc gia. Ngay cả những diễn viên hài như Tim Minchin và Dara Ó Briain cũng tham gia vào cuộc tranh luận thông qua những tiết mục của mình - họ ủng hộ lý tính và chỉ ra sự vô lý của các phương pháp này.