Cá ông, cá bà là cách ngư dân gọi những loài cá thiêng. Truyền thuyết kể rằng khi ngư dân gặp tai nạn trên biển, cá ông, cá bà sẽ chở ngư dân vượt qua bão tố, hoặc dìu thuyền họ vào bờ.
Điều kì lạ là khi "ông", "bà" bị đuối sức, sẽ tự bơi hoặc lại gần tàu để được dìu vào bờ, ngư dân Quảng Ngãi thường gọi là "đưa bà về quê hương", rồi làm lễ an táng, chôn cất như cha mẹ mình.
Hôm ấy, anh Phong thắp 3 nén nhang vái bà, hỏi nguyện bà có muốn vào bờ, để con đón về quê. Cá bà từ từ dạt vào ghe. Lúc đó, một ngư dân lão luyện như anh hiểu rằng bà muốn anh dìu về quê.
Chiều 10/4, người dân thôn Mỹ Tân ngóng ra biển đón bà về sau hơn 3 ngày lênh đênh trên biển. Hôm sau, cả làng làm một lễ an táng cho cá bà. Hàng trăm người đến để viếng, chạm vào bà, bởi họ tin rằng bà sẽ mang điềm lành cho họ.
Điều đặc biệt nhất trong lễ an táng này là anh Phong sẽ để tang 3 năm. Người làng biển quan niệm rằng, cá bà dạt vào ghe ai thì đó là con bà. Trong lễ tiễn đưa bà, người chủ vạn gọi anh Phong là "hiếu tử".
Nhìn cái cách người dân gọi cá bằng bà, mẹ và an táng như một con người, tấp nập đến viếng, cầu nguyện, có thể ai đó sẽ nghĩ rằng đây là một điều mê tín. Nhưng ở góc độ khác, lễ an táng và tập tục thờ cá ông, cá bà ở làng biển không hoàn toàn là một nghi thức tâm linh: nó là một tập tục văn hóa, thể hiện sự biết ơn và niềm tôn kính với thiên nhiên.
Sự biết ơn và niềm tôn kinh ấy được duy trì, nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, là chất keo để gắn kết và tạo sức mạnh cho cộng đồng cho cư dân miền biển. Ở Quảng Ngãi có hàng chục ngôi miếu thờ cá ông, cá bà như thế. Ở thôn Mỹ Tân, có cả một cồn cát cù lao nơi những ngôi mộ cá ông, cá bà nối nhau san sát. Hàng trăm bộ xương cốt được người dân mang về dinh ông, dinh bà thờ cúng sau 2, 3 năm chôn cất.
Phải chứng kiến cách người dân chuẩn bị nghi lễ mới thấy truyền thống an táng và thờ cá ông, cá bà đi vào tâm thức của người dân như thế nào. Các nghi lễ được thực hiện răm rắp, từ trang phục, đạo cụ cho đến những điệu hò, như một thói quen tự nhiên mà không cần chuẩn bị.
Lễ an táng cá bà ấy khiến tôi nghĩ về cách chúng ta đang ứng xử với thiên nhiên. Người ta gọi thiên nhiên là mẹ. Nhưng để phục vụ cho nhu cầu của mình, con người cải tạo thiên nhiên. Khi nhu cầu trở nên không có giới hạn, mối quan hệ ấy không còn tính hai chiều, nương tựa vào nhau. Và dường như, nỗi sợ, niềm tôn kính, biết ơn giữa con người với thiên nhiên ngày càng giảm đi. Khi con người quên mất sự nhỏ bé của mình.
Thiên nhiên sẽ bảo bọc con người, nếu chúng ta tôn kính, những ngư dân nơi này tin thế. Và người ta hiểu, mẹ thiên nhiên cũng sẽ không đối đãi tốt với những đứa "con hư".
Không đâu xa, ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh miền trung, nguồn lợi hải sản giảm dần do ngư dân dùng mìn nổ hoặc tàu giã cào, khai thác từ cá lớn đến cá bé, khiến một số người phải đi xa, chịu thêm nhiều rủi ro.
Ở xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi, doanh nghiệp tận thu cát nhiễm mặn khiến Cửa Đại bị bồi lắp, ngư dân không thể ra vào neo đậu mà phải đậu nhờ các cảng gần đó hoặc đưa tàu về tỉnh bạn.
"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", chị Lan vợ anh Phong nói với tôi về "bà" đầy thành kính. Chị kể rằng tàu anh Phong đã ra biển 12 ngày trước khi gặp bà nhưng không đánh bắt được nhiều hải sản, nhưng đến khi gặp "bà" thì đánh bắt được cá, tàu về bờ thuận buồm xuôi gió. Những lời kể nhuốm màu tâm linh ấy, đúc kết một thông điệp rất cũ, rằng con người đối xử với thiên nhiên thế nào thì sẽ nhận về thế ấy.
Ngày hôm đó, tôi đã chứng kiến những người phụ nữ cùng nhau khiêng cá bà đi chôn cất, khi phần lớn đàn ông trong làng đều ở khơi xa. Họ tin những người chồng, người con ngoài kia sẽ bình yên vì bà đã được an táng long trọng và an nghỉ ở "quê nhà" .
Những bậc cao niên ở thôn Mỹ Tân đã dạy cho con cháu gọi bà, gọi ông, và chủ thuyền nhận cá bà làm mẹ. Nhưng ai sẽ dạy cho thế hệ trẻ hôm nay gọi một cánh rừng bằng cha, gọi biển cả bằng mẹ như cách những bậc cao niên ở làng biển này?
Phạm Linh