Chiều 26/11, trong sự giám hộ của giáo viên, nhà chức trách huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tiếp tục làm việc với một số học sinh lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh) để làm rõ vụ án Hành hạ và làm nhục người khác. Nam sinh bị phạt tát má đã trở lại trường, hòa nhập và vui đùa với bạn bè.
Trường THCS Duy Ninh có 341 học sinh, chia làm 10 lớp. Trong đó, riêng khối 6 có bốn lớp, giữ nguyên thành phần học sinh chuyển từ cấp tiểu học lên. "Mới vào năm học nên nhà trường chưa có đánh giá toàn diện về học sinh lớp 6, vì cách đánh giá ở cấp 1 và 2 khác nhau", Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh nói.
Về thi đua giữa các lớp, nhà trường đặt ra bảy tiêu chí, gồm sĩ số, tư cách đội viên, sinh hoạt đầu giờ và giữa giờ, vệ sinh, khu để xe đạp, nội dung khác... Mỗi tiêu chí 10 điểm và sẽ bị trừ nếu lớp nào có học sinh vi phạm. Nhà trường lập Đội Cờ đỏ do học sinh phụ trách để chấm điểm thi đua giữa các lớp. Trong các tiêu chí này, chửi thề bị trừ năm điểm, vô lễ bị trừ 10 điểm.
Cô Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi) đứng lớp đầu tiên vào năm học 1999-2000, tại trường THCS Hiền Ninh. Một năm học sau, cô chuyển đến trường THCS Hải Ninh rồi vừa chuyển về trường Duy Ninh đầu năm học 2018-2019, được phân công chủ nhiệm lớp 6.2.
Lớp 6.2 được đánh giá có nhiều học sinh hiếu động, nghịch ngợm. Từ đầu năm đến nay, lớp thường đứng thứ 9-10, cuối bảng thi đua toàn trường. Vi phạm nặng nhất lớp này thường mắc phải là chửi thề. "Trong họp giao ban hàng tháng, nhà trường thường động viên cô Thủy có biện pháp để nâng cao chất lượng lớp học", cô Lệ Anh nói.
Vừa dạy thay môn Toán tại lớp 6.2 được hai buổi, thầy giáo đứng lớp nhận thấy có "nhiều em ngồi học liên tục cựa quậy, nghịch ngợm". Chủ nhiệm lớp kế bên, nữ giáo viên cho biết cô Thủy thường đến sớm về muộn, "có nhiều nỗ lực để ổn định lớp". Cô này kể hôm phạt tát chỉ xảy ra ít phút giờ ra chơi, nhiều em nghịch ngợm, chạy lên quẹt qua hai bên má của nam sinh bị phạt rồi chạy đi chơi.
Việc giáo viên chủ nhiệm đặt quy định "phạt tát", cô Lệ Anh nói biết thông tin qua học trò và khẳng định việc này mới xảy ra hơn một tuần. Nữ hiệu trưởng thừa nhận đây là phương pháp sai, phản sư phạm. Đầu năm học, nhà trường yêu cầu toàn bộ giáo viên viết cam kết về nhiều nội dung, trong đó có mục "không đánh đập, xúc phạm học sinh". Việc đánh giá giáo viên cũng dựa vào nhiều tiêu chí, chứ không đặt nặng thành tích thi đua của lớp học.
Theo tường trình, trong buổi học chiều 19/11, nghe học sinh báo em Hoàng Long Nhật chửi tên phụ huynh của bạn bên cạnh, cô Thủy yêu cầu 23 học sinh phạt Nhật bằng cách tát vào má. Mỗi người tát 10 cái, nếu tát nhẹ sẽ bị phạt ngược lại.
Quá trình bị phạt, Nhật chửi thề thêm một lần và bị cô tát một cái. Cô Thủy chỉ chứng kiến một phần quá trình các bạn tát Nhật, rồi đi ra ngoài.
Nhật sau đó phải nhập viện điều trị. Thừa nhận việc làm của mình là sai trái, cô Thủy giải thích do nóng giận và áp lực thi đua. Hiện, cô này bị đình chỉ công tác 15 ngày để làm rõ vụ án.
Luật sư Võ Công Hạnh (Giám đốc Công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng nếu kết quả giám định thương tật cho thấy tổn hại của Nhật từ 11% trở lên thì cô giáo bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích.
Nếu không thỏa mãn điều kiện trên, cô giáo có thể bị truy cứu về tội Hành hạ người khác, bởi giữa cô giáo và học sinh là mối quan hệ lệ thuộc nên cấu thành hành vi này. Mức độ nghiêm trọng được thể hiện qua việc gây sự đau đớn về thể xác, có sự lặp đi lặp lại và trong thời gian nhất định. Ở tội này, mức phạt từ một năm đến ba năm, theo điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh và xử lý nghiêm với sự việc "học sinh bị tát 231 cái vào mặt", báo cáo trước 5/12.
Ông Hoàng Đăng Quang khẳng định hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tính, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành giáo dục và dư luận xã hội.