- Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng trường đã hiểu nhầm Quyết định 158 (Phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017) về việc tự chủ của các trường đại học, ông bình luận gì về việc này?
- Tôi biết Chính phủ có quy định về tiêu chuẩn xét phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhưng Đại học Tôn Đức Thắng được thí điểm tự chủ toàn diện, trong đó có thí điểm bổ nhiệm nhân sự là chuyên gia, nhà khoa học vào các chức danh nghề nghiệp của trường. Vì thế, chúng tôi có quyền thí điểm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng, phù hợp với yêu cầu của trường để xét và bổ nhiệm. Bảo chúng tôi hiểu nhầm quyết định của Chính phủ nên soạn thảo văn bản chưa chuẩn, chưa chặt chẽ trong việc quy định tiêu chuẩn để xét giáo sư, phó giáo sư là rất chủ quan.
Hơn nữa, tiêu chuẩn để xét ứng viên vào chức vụ giáo sư và phó giáo sư của trường tôi hiện cao hơn tiêu chuẩn xét học hàm có cùng tên của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Tiêu chuẩn này rất đầy đủ, gồm tiêu chuẩn cứng và tiêu chuẩn mềm, được chúng tôi tham khảo kỹ từ nước ngoài. Đặc biệt, trường còn có các giáo sư nước ngoài cố vấn trong quá trình xây dựng chuẩn, có Hội đồng khoa học và đào tạo thông qua, chứ không phải bê nguyên xi của nước ngoài về.
![]() |
Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho biết sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: Đại học Tôn Đức Thắng. |
- Quan điểm của ông thế nào trước thông tin từ Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho rằng trường đã dừng việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư?
- Việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường (theo quy trình và tiêu chuẩn phù hợp) đã được Chính phủ cho phép thí điểm tại Quyết định 158. Chúng tôi làm việc có cơ sở pháp lý của mình, không có lý do gì để dừng. Dự kiến, đợt bổ nhiệm đầu tiên sẽ thực hiện vào đầu năm 2016.
Với tiêu chuẩn như hiện nay, chúng tôi không kỳ vọng có nhiều giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng được bổ nhiệm. Nhưng từng bước giảng viên chúng tôi sẽ có mục tiêu để theo đuổi thì số người hội đủ tiêu chuẩn những năm về sau sẽ tăng lên. Tôi hy vọng, sau vài năm bổ nhiệm cùng với việc liên tục tuyển chuyên gia và giáo sư nước ngoài đến làm việc dài hạn, trường sẽ đủ nhân lực cho mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu.
- Việc phong giáo sư ở Đại học Tôn Đức Thắng sẽ được thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi có đủ nhân lực để thực hiện việc xét bổ nhiệm này một cách khách quan, công bằng bởi quy trình thẩm định (peer review) chứ không phải nội bộ tự xét và bổ nhiệm. Căn cứ vào bộ tiêu chuẩn, trường sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để thẩm định. Hội đồng xét chỉ mời ứng viên và chuyên gia thẩm định lên tranh luận trước Hội đồng chỉ khi có những vấn đề còn phân vân. Còn lại Hội đồng tôn trọng kết luận của chuyên gia thẩm định. Không có chuyện bỏ phiếu kín để quyết định, mọi việc đều phải công khai.
- Nó khác gì với Hội đồng giáo sư Nhà nước, thưa ông?
- Sự khác nhau nằm ở chỗ, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước căn cứ tiêu chuẩn do Hội đồng ban hành, xét xem ai đạt tiêu chuẩn, rồi công nhận học hàm. Sau đó, cơ quan sử dụng bổ nhiệm và trả lương theo ngạch bậc đến hết đời (kể cả ngạch bảo hiểm khi đã về hưu).
Còn trường chúng tôi tự xét theo tiêu chuẩn của chúng tôi, rồi bổ nhiệm. Nhưng việc bổ nhiệm chỉ có giá trị khi nhân sự còn làm việc và làm việc hiệu quả; không có giá trị suốt đời. Hết công việc đó, hoặc làm không hiệu quả, là bãi miễn. Như vậy, những chức danh của trường chỉ là chức vụ chuyên môn, nghề nghiệp chứ không là học hàm suốt đời.
- Vì sao trường không dùng một tên gọi khác để tránh sự nhầm lẫn với chức danh giáo sư, phó giáo sư của Nhà nước phong?
- Trước đây, từ "giáo sư" chỉ những người đi dạy và chúng ta có cả giáo sư trung học, đại học. Tên gọi này để chỉ chung nghề nghiệp giống như luật sư, kiến trúc sư.... Từ năm 2008, khi Nhà nước giao quyền cho Hội đồng chức danh giáo sư công nhận chức danh này, trong xã hội mới xuất hiện tâm lý giáo sư, phó giáo sư thuộc độc quyền của Hội đồng giáo sư Nhà nước.
Nếu như vậy, sau này khi các đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, họ xét và công nhận giáo sư, phó giáo sư cũng phải dùng từ khác để khỏi đụng đến độc quyền này à?
- Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư sẽ là tiền đề cho các trường khác làm theo, dẫn đến vấn đề "loạn giáo sư", ông nghĩ sao về điều này?
- Năm 2007, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đủ điều kiện thì tổ chức đào tạo tiến sĩ. Lúc đó cũng có rất nhiều lo ngại giống hôm nay. Nhiều người cho rằng sẽ có nhiều trường không đủ điều kiện, xã hội sẽ loạn tiến sĩ... Nhưng sau 8 năm mọi việc vẫn ổn. Dĩ nhiên, có trường đào tạo tiến sĩ chất lượng tốt, có trường trung bình và có trường thực sự còn thấp nhưng xã hội đều biết và tự có sự lựa chọn.
Tôi cho đây là một chính sách thông minh. Đào tạo bậc tiến sĩ là việc làm vô cùng quan trọng bởi nó hình thành nên nhà nghiên cứu. Hoạt động này quan trọng hơn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp vậy mà Bộ còn cho thí điểm. Và hệ thống đại học đã chứng minh là làm được, không có chuyện loạn tiến sĩ.
Nguyễn Loan