Trường THPT Thăng Long luôn nằm trong top đầu của Hà Nội, nhưng năm nay điểm chuẩn vào lớp 10 công lập là 40, sau đó hạ xuống 30, giảm sâu nhất thành phố. Chiều 3/7, Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Vân trả lời VnExpress về việc này.
- Bà cảm thấy thế nào khi điểm chuẩn 2019 của trường THPT Thăng Long thấp nhất trong chục năm trở lại đây?
- Tất nhiên tôi buồn vì Thăng Long là tình yêu của tất cả giáo viên trong trường. Bản thân tôi không thể làm gì hơn được. Còn dư luận thì tôi nghĩ cần lắng nghe, để xem mình làm được điều gì thì phát huy, chưa làm được thì xem xét thay đổi để tốt hơn. Trước khi công bố điểm, tôi cũng đoán đầu vào của trường không cao vì không có "quân". Trường chỉ có 863 học sinh đăng ký vào, chỉ tiêu là 675, trong đó gần 200 em đỗ chuyên, như vậy số lượng đầu vào đã không đủ để tuyển.
Ngày 1/7 nộp hồ sơ nguyện vọng 3, trường Thăng Long có gần 300 phụ huynh đến nộp, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối với tôi. Giá như họ dũng cảm ngay từ đầu thì con em đã có cơ hội được học tập tại THPT Thăng Long và nhà trường cũng không rơi vào hoàn cảnh thiếu chỉ tiêu nhiều như vậy.
Dù buồn, tôi vẫn tin trường Thăng Long có cái chất riêng, mọi điều chúng tôi đang làm đều ổn. Tôi đang chờ kết quả thi THPT quốc gia 2019 để chứng minh về chất lượng đào tạo của trường.
- Đâu là lý do khiến điểm tuyển sinh lớp 10 của trường THPT Thăng Long thấp?
- Thứ nhất, 2019 là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức thi 4 môn, thêm Tiếng Anh và Lịch sử. Đây đều là những môn học sinh THCS chưa được đầu tư lắm, đặc biệt là Lịch sử.
Thứ hai, năm nay không tính điểm rèn luyện để xét tuyển vào lớp 10, học sinh không có 20 điểm cộng. Thông thường điểm cộng của các em thi vào THPT Thăng Long các năm trước là 21,5.
Đặc biệt, khu vực tuyển sinh của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng nguyện vọng 1 (NV1) và nguyện vọng 2 (NV2) các trường tương đương nhau. Theo quy định, để trúng tuyển NV2 thì điểm xét tuyển phải cao hơn điểm chuẩn NV1 ít nhất 1,5. Vì thế việc trượt NV1 xuống NV2 rất chênh vênh.
Những lý do trên dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh chọn phương án an toàn, đăng ký vào trường có điểm chuẩn thấp, và làm mất đi cơ hội học tập tại THPT Thăng Long.

Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- NV3 lấy 42 điểm, cao hơn 2 điểm so với NV1 và 12 điểm so với lần tuyển bổ sung của NV1, bà nghĩ gì về những thách thức của nhà trường khi phải đào tạo lứa học sinh có trình độ không đồng đều?
- Đợt 1 trường tuyển được 629 học sinh (chiếm 93% chỉ tiêu), trong đó 373 em từ 50 điểm trở lên (55%), chỉ gần 60 em từ 40 đến 45 điểm. Số lượng em có điểm cao thi đỗ vào trường vẫn rất lớn. Ngoài ra, số lượng tuyển bổ sung NV2 với mức điểm 30 thì hầu như không có học sinh.
Bởi vậy, tôi cho rằng sự chênh lệch trình độ giữa các em được tuyển vào là có, nhưng không nhiều. Điểm số của 4 môn học so với 13 môn THPT mà học sinh phải học chiếm không đáng kể. Và khi học sinh đã vào Thăng Long, thầy cô cũng sẽ có những biện pháp giúp các em hòa nhập, cải thiện khả năng.
Có những em thi đầu vào với kết quả rất tốt, nhưng trong 3 năm học ở đây nếu không cố gắng, chưa chắc các em ấy đã bằng những bạn thi đầu vào điểm thấp hơn nhưng có khát khao, có cố gắng và niềm tin.
Có người hỏi tôi sao trường không chấp nhận tuyển ít chỉ tiêu hơn mọi năm để giữ vững điểm đầu vào nằm trong top trường cao nhất Hà Nội. Chúng tôi không thể làm như vậy. Chỉ tiêu 675 học sinh là do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu dựa trên số lượng giáo viên, chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất của nhà trường. Chúng tôi không thể tự ý thay đổi, đó là về lý.
Còn về mặt tình cảm, quan điểm của nhà trường là cần phải nhìn vào những đứa trẻ có khao khát vào Thăng Long, chỉ tiêu chưa đủ, nhưng nhà trường vẫn cần tạo điều kiện cho các em đó vào học. Chúng tôi đã đưa ra thông báo với người dân là lấy 675 học sinh thì phải có trách nhiệm thực hiện đúng. Đó là tính nhân văn của Sở nói riêng và trong giáo dục nói chung.
- Nhà trường đặt mục tiêu gì trong năm học tiếp theo để tiếp tục khẳng định được chất lượng đào tạo của THPT Thăng Long?
- Năm học sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức họp hội đồng và mỗi một tổ chuyên môn sẽ phải có những đề án cụ thể để nâng cao trình độ, chất lượng của học sinh. Đề án sẽ trình lên ban giám hiệu và nhà trường sẽ cùng xem xét để đi đến kết luận cuối cùng.
Từ trước đến nay, truyền thống của Thăng Long là chất lượng học tập. Với cơ chế mở, Thăng Long cũng có rất nhiều câu lạc bộ để phát triển toàn diện kỹ năng cho học sinh. Vừa rồi, học sinh Thăng Long đạt giải nhất piano không chuyên của toàn quốc. Trường mong muốn thời gian sắp tới học sinh sẽ được phát triển theo hướng trở thành công dân toàn cầu. Nhà trường sẽ cố gắng hết sức để mang đến cho các em một môi trường học tập toàn diện và nhân văn nhất có thể.
Tối 15/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 112 trường THPT công lập. THPT Chu Văn An tiếp tục lấy điểm đầu vào cao nhất với 48,75, cao hơn trường đứng thứ hai là THPT Yên Hòa 2,25 điểm.
Top 10 trường lấy điểm cao nhất còn có THPT Phan Đình Phùng và Kim Liên (46,25), Việt Đức và Nguyễn Thị Minh Khai (45,5), Lê Quý Đôn - Hà Đông (45,25), Cầu Giấy (45), Nhân Chính (44,5), Lê Quý Đôn - Đống Đa (43,5). So với năm ngoái, top 10 có thêm trường Lê Quý Đôn - Đống Đa và không còn trường THPT Thăng Long do chỉ lấy 40.
Tối 23/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo hạ điểm chuẩn của 37 trường do số học sinh xác nhận nhập học thấp hơn chỉ tiêu. Trong khi các trường chỉ giảm 0,25 đến 2,75 điểm, THPT Thăng Long giảm tới 10 điểm, còn 30 và phải xét tuyển bổ sung nguyện vọng 3 thí sinh ở các khu vực 1, 2, 3, 4 có điểm xét tuyển đầu vào từ 42 trở lên.
Điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay là tổng điểm của 4 môn, trong đó Toán, Văn hệ số 2; Ngoại ngữ, Lịch sử hệ số 1.
Năm | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 |
Điểm chuẩn đợt 1 | 53,5 | 53,5 | 53 | 52,5 | 49,5 | 40 |
Điểm chuẩn đợt 2 | 49 | 30 |
Thanh Hằng thực hiện