Bà Nguyễn Thị Uyên Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông FPT tại Cần Thơ chia sẻ về mô hình nội trú giúp các em rèn tính tự lập, nhà trường có nhiều thời gian để tiếp cận, định hướng để học sinh chuẩn bị cho tương lai.
- Bà đánh giá thế nào về khả năng thích ứng của học sinh ở môi trường nội trú, khi các em ở độ tuổi 15-17 sống xa cha mẹ?
- Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý muốn bảo bọc, không để con trải đời quá sớm, nên việc đưa con đến học nội trú cũng như một thử thách với họ. Tuy nhiên, xây dựng môi trường nội trú là mong muốn của nhà trường nhằm rèn luyện cho con tính tự lập cũng như kỹ năng tự giải quyết vấn đề.
Tôi lấy một ví dụ, có phụ huynh đưa con đến trường và chia sẻ rằng trước đây mọi quá trình sinh hoạt của con, từ học hành đến bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón... đều được cha mẹ đảm nhận. Vậy mà về đến nhà, con không chia sẻ nhiều với cha mẹ, đóng cửa ở trong phòng, đồ ăn đưa lên tận bàn cũng không ăn.
Lúc này tôi mới đưa ra lời khuyên đây là tác dụng ngược khi phụ huynh quá bao bọc con. Khi vấn đề cơ bản được phục vụ tối đa, con cảm thấy cha mẹ luôn lo lắng chu toàn lại dễ sinh ra phản ứng.
Tại trường FPT Cần Thơ, đào tạo nội trú là mô hình duy nhất. Mong muốn của nhà trường qua mô hình này được thể hiện trong câu khẩu hiệu "tự lập để trưởng thành".
Các em được học tập và sinh hoạt theo chương trình, lịch trình khoa học thiết kế sẵn, để đảm bảo đủ kiến thức nhưng vẫn có thể vui chơi, rèn luyện thân thể, giải trí lành mạnh. Buổi tối có những giờ học ở giảng đường và sinh hoạt cùng câu lạc bộ với bạn bè. Tôi tin các em sẽ thích ứng và hòa nhập.
- Nhà trường, phụ huynh, học sinh cần phối hợp thế nào để môi trường nội trú mang lại kết quả tốt nhất cho các em?
- Mỗi tuần các con ở lại trường 4 buổi tối, từ thứ Hai đến thứ Năm; chiều thứ Sáu về nhà với cha mẹ, các ngày thứ Bảy và Chủ nhật các con vui chơi, sinh hoạt với gia đình, không lo học thêm. Trong những ngày ở lại, con phải tự đảm nhận mọi vấn đề sinh hoạt như ăn uống, tự giặt giũ, sắp xếp đồ đạc... xa hơn là tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của bản thân mình.
Hình thức này có 3 ưu điểm cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Thứ nhất, giải quyết được vấn đề thời gian cho phụ huynh khi đưa rước con đi học chính khóa, ngoại khóa và các kỹ năng khác. Chương trình học thiết kế toàn diện, đảm bảo đủ kiến thức thi trung học phổ thông quốc gia, tăng cường tiếng Anh, tiếp cận những kiến thức công nghệ như Robotic, AI, IoT. Nhà trường cũng triển khai chương trình phát triển cá nhân, giảng dạy nhiều môn kỹ năng cho học sinh nên các em không cần học thêm. Lịch trình sinh hoạt khoa học, đảm bảo sức khỏe trong quá trình học tập, rèn luyện.
Thứ ba, quá trình theo dõi học học tập tại trường có giáo viên chủ nhiệm, ở ký túc xá bởi giáo viên quản nhiệm. Tất cả hỗ trợ quá trình học tập, cư xử, sinh hoạt. Kỹ năng là một quá trình được lặp đi lặp lại nhiều lần, khi hình thành kỹ năng thì con có thể giải quyết tốt các vấn đề, từ đó tăng sự tự tin để giải quyết mọi tình huống.
Nhờ việc học nội trú nên lúc về nhà con sẽ thấy trân trọng, quý những điều cha mẹ làm cho mình. Khi cảm nhận được tình yêu và sự vất vả của cha mẹ, con sẽ có hành động đúng mực hơn. Đây là thành công đã đạt được tại cơ sở Hà Nội và triết lý giáo dục này sẽ tiếp tục triển khai ở Cần Thơ.
- Lịch học nội trú dày đặc, kéo dài đến tối có ảnh hưởng gì đến khả năng tiếp thu của học sinh?
- Nhiều cha mẹ mong muốn con sẽ về với gia đình sau một ngày trên trường lớp. Tuy nhiên, việc ở lại trường có thể mang đến nhiều lợi ích. Chương trình học ngày càng nhiều thay đổi so với trước đây, mức độ khó cũng nâng dần lên, phương pháp học tập cũng có nhiều thay đổi giữa các thế hệ. Vậy nên phụ huynh có thể gặp trở ngại trong việc theo dõi và hướng dẫn con vào buổi tối ở nhà. Nhà trường tổ chức giờ tự học có giám sát và hướng dẫn trong tất cả các buổi tối chính là để giải quyết vấn đề này của các bậc phụ huynh.
Ở bậc phổ thông, tâm sinh lý con thay đổi mạnh mẽ và người dễ đồng cảm, chia sẻ nhất là bạn cùng trang lứa. Nhiều phụ huynh kể rằng mình gặp khó khăn khi muốn cùng con tâm sự, bày tỏ cảm xúc nhưng con lại dễ dàng thổ lộ với bạn bè. Vậy nên khi cùng sống trong ký túc xá, các em có thể hỗ trợ nhau trong học tập và bộc lộ về tình cảm, đời sống; giúp tâm lý thoải mái hơn, chứ không khiến các em thêm căng thẳng.
- Ngoài mô hình nội trú, trường chú trọng kỹ năng mềm nào cho các em?
- Ngoài kiến thức theo chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung học phổ thông FPT giúp con có thêm kỹ năng về Tiếng Anh, tin học và những kỹ năng mềm đáp ứng xu thế trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Đó là khả năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng nhận thức bản thân, làm việc và kết nối cộng đồng...
Các em được rèn luyện tiếng Anh tăng cường và nâng cao với giáo trình từ Mỹ, tiếp cận các công nghệ mới của thế kỷ 21 và định hướng nghề nghiệp sớm. Học sinh cũng được rèn luyện bản lĩnh để tham gia cuộc thi, sân chơi trong nước lẫn quốc tế. Năm qua, đội tuyển Trung học phổ thông FPT vài top 12 đội có thành tích tốt trong kỳ thi Robotics quốc tế.
- Học sinh được định hướng nghề nghiệp, gợi mở cho tương lai thế nào?
- Thông thường, học hết cấp 2 sẽ tìm trường cấp 3, hoàn thành cấp 3 mới nghĩ đến đại học nào tốt, ngành nào dễ xin việc. Nhận được tấm bằng cử nhân lại bắt đầu tìm việc cho con. Phụ huynh thường lo rằng con không đủ khả năng giải quyết nên thay các em làm rất nhiều việc, cùng với đó là đặt quá nhiều kỳ vọng. Có những kỳ vọng không đúng năng lực, khiến con không thể đạt tới thành công. Lúc này phụ huynh sẽ rơi vào trạng thái thất vọng, tự vấn rằng tại sao lo lắng nhiều đến thế mà con không làm được điều mình muốn? Con cũng sẽ gặp những áp lực riêng và cả gia đình sẽ không ai được vui vẻ.
Đặt bài toán ngược lại, hãy thử tìm hiểu năng lực nội tại của con là gì. Nếu không được trải nghiệm, tiếp xúc thực tế, thậm chí là tự tay tham gia các dự án, làm thử cái này cái kia, cảm nhận thành công hoặc thất bại thì làm sao con nhận biết hết đam mê và khả năng thực sự của mình?
Về định hướng đầu ra, theo thống kê những năm qua, 100% học sinh Trung học phổ thông FPT đậu tốt nghiệp, trong đó 24% đi du học, 30% tiếp tục tại Đại học FPT, 45% là vào các đại học hàng đầu khác ở Việt Nam.
Tùy thuộc mục tiêu của học sinh và phụ huynh, trong quá trình học, nhà trường sẽ có những hỗ trợ và định hướng riêng đối với các nhóm này. Ví dụ các học sinh có mong muốn du học, trường có nhiều hoạt động giúp các em tiếp xúc với các đại học nước ngoài để tìm cơ hội học bổng, ôn luyện thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT... Nếu muốn học tiếp lên Đại học FPT, học sinh có cơ hội được miễn một năm học tiếng Anh dự bị, giảm bớt khá nhiều chi phí và thời gian. Các kiến thức, kỹ năng và định hướng khác để theo học tốt nhất ở bậc đại học cũng được trang bị.
- Việc trải nghiệm môi trường làm việc thực tế thì sao?
- Tại Trung học phổ thông FPT, học sinh được tiếp xúc sớm nhất với các mô hình doanh nghiệp, khởi nghiệp, tham gia các sự kiện và hoạt động hướng nghiệp của sinh viên. Trong chương trình chính khóa và ngoại khóa, các em sẽ được trực tiếp tham gia các dự án của nhiều lĩnh vực, tiếp xúc với chuyên gia, tự do khám phá các năng lực, đam mê của bản thân. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cách hướng nghiệp tốt nhất chính là thông qua trải nghiệm thực tế của học sinh.
- Chi phí tối đa mỗi tháng mà phụ huynh phải chi trả là bao nhiêu?
- Phụ huynh chi trả 7-8 triệu đồng một tháng cho một học sinh, đó là chi phí trọn gói học tập, nội trú, tăng cường tiếng Anh và hoạt động ngoại khóa
Hoài Nhơn