Hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Đúng ngày này 72 năm trước, bằng tầm nhìn thời đại, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD và ĐT) đã ban hành Nghị định số 276/NĐ về việc thành lập Trường Sư phạm Cao cấp, nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thân yêu của chúng ta.
Tôi muốn chọn ngày này để tổ chức Lễ khai giảng năm học của Nhà trường nói chung và K73 nói riêng để nhắc lại rằng, trong muôn vàn gian khó thì giáo dục luôn được đặt lên như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đúng nghĩa và mỗi chúng ta luôn khắc sâu hơn lòng tự hào về Nhà trường, mái trường đồng hành với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Các em sinh viên K73 yêu quý,
Đứng trước các em, thầy cảm thấy mình rất nhỏ bé, vì rằng các em là những người đáng ngưỡng mộ và đáng được tôn trọng.
Thật tuyệt vời, khi các em đến đây, đến với Trường ĐHSP Hà Nội là vì các em khao khát khơi thông trí tuệ của mình, bồi đắp giá trị tâm hồn, ý nghĩa nhân văn, bắt đầu chuẩn bị hành trang để mai ngày làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn. Chính các em đã đem đến niềm tin, đem đến sức sống, đem đến sự tươi mới cho Nhà trường, cho xã hội, cho nền giáo dục nước nhà.
Điều đáng trân trọng hơn đối với các em, vì chắc chắn rằng, sâu thẳm trong trái tim của mỗi em đều nặng tình yêu thương với con người, với quê hương đất nước; trong trí tuệ thông minh của mỗi em đều mong muốn có nhiều tri thức để đem đến cho trẻ, cho cộng đồng và điều đặc biệt trân quý đó là trong mỗi em đều tiềm ẩn đức hi sinh, để bắt đầu cho một sự dấn thân cao cả trong tương lai.
Thầy khâm phục các em vì bản lĩnh, vì rằng, giữa ngổn ngang của biết bao trăn trở, giữa những so bì hơn thiệt, giữa những tác động ngoại cảnh đang dội vào trong tâm tư các em, các em đã quyết chí đến với Trường ĐHSP Hà Nội và phần lớn các em sau này sẽ trở thành nhà giáo.
Thầy biết, các em vẫn đang nghe, đang chứng kiến, đang đối diện với những khó khăn, nhọc nhằn của nghề giáo; và cả những cách nhìn nhận đa chiều, trong đó có cả những cách nhìn tiêu cực. Dẫu rằng, số đông thầy cô đang thầm lặng hi sinh và làm tốt bổn phận thiêng liêng của họ.
Các em K73 đang có mặt ở đây, hoàn toàn có quyền đến với nhiều ngành khác, từ em Đinh Cao Sơn – huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, đến các em đạt giải nhất, nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và hầu hết các em đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Trước ngưỡng cửa cuộc đời đang mở ra thênh thang, nhưng các em đã chọn mái trường này, như lựa chọn một sự cống hiến, một sự dấn thân. Điều này đáng khâm phục biết bao. Đây là diễm phúc cho mái trường này và cho nền giáo dục nước nhà.
Thầy ngưỡng mộ các em!
Chính vậy, thầy cam kết với các em, bản thân thầy và thầy cô, cán bộ Nhà trường sẽ dành hết những gì tốt đẹp nhất cho các em vì đó là của để dành cho tương lai. Đây là lời hứa danh dự, là bổn phận của thầy, của Nhà trường chứ không phải là lời nói suông để lấy lòng các em. Nhà trường này là một không gian tự do mà chủ thể là các em.
Tự do là thiên đường của sáng tạo và điều tuyệt vời hơn là tạo thiên đường này cho những con người mang đầy khát vọng vì đất nước, quê hương. Thì lý gì mà không làm điều đó?
Nhà trường này là nơi để các em mở rộng khoảng vô hạn của trí tưởng cho sáng tạo, và nơi bồi đắp những giá trị tâm hồn cao cả và rộng lượng cho mỗi em.
Có thể nơi này chưa đủ cho các em, chưa bằng nơi khác, còn thiếu thốn đủ bề; nhưng không vì nghèo khó mà tự nhốt chúng ta. Đừng vì nghèo khó mà nhìn bầu trời xám xịt mà hãy vén mây lên cho ánh nắng tràn về. Riêng mỗi thầy, riêng mỗi em, riêng mỗi người trong chúng ta không thể làm gì xoay chuyển, mà cần một sự hợp sức, đồng lòng để góp gió thành bão. Phải bắt đầu từng việc nhỏ, phải đủ kiên nhẫn và cần cả thời gian; vì không đi thì không bao giờ đến.
Và con cái của mỗi gia đình sẽ thế nào nếu thiếu vắng những người thầy, người cô giỏi giang, tâm huyết?
Chúng ta nhớ rằng, nhận loại đã trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Lần thứ nhất (khoảng 1784 đến khoảng 1840) kéo dài hơn 50 năm; lần thứ hai (1871-1914) kéo dài hơn 40 năm; lần thứ ba (khoảng 1950 – 1970) kéo dài hơn 20 năm.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu từ đầu thế kỷ 21.
Rõ ràng, càng về sau thì thời gian diễn ra các cuộc cách mạng càng ngắn dần. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của thời đại và cũng đặt ra cho mỗi quốc gia những đòi hỏi rất khắt khe về nhân lực; tất nhiên đòi hỏi cao nhất là nhân lực thông qua giáo dục đào tạo.
Các em có khi nào tự vấn lòng mình, trong các cuộc cách mạng đó chúng ta đã làm gì hay chỉ là nơi chịu tác động và chờ sự hưởng lợi của thành tựu loài người?
Hãy nghĩ về sự tự tôn dân tộc bằng việc làm, bằng thành quả, bằng sự đóng góp chứ không chỉ bằng những lời hoa mỹ hò reo.
Chúng ta nhớ rằng, đất nước đang trong quá trình hội nhập. Đây là xu thế của thời đại.
Định hình của một quốc gia, của một dân tộc là bản sắc, là văn hóa; và giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người. Đừng bao giờ quên điều đó.
Ngày nay, sự đồng hóa bắt đầu từ sự lai căng, từ những xâm thực tưởng chừng rất nhỏ bé, mà không đơn thuần bằng súng đạn, chiến tranh.
Ngày nay, sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên được đào lên để bán mà sức mạnh phải tạo ra từ trí tuệ mỗi người.
Thầy mong rằng các em sẽ giữ vững niềm tin.
Giữa những tác động của thời cuộc, giữa những thực tại với nhiều trăn trở, lo toan; giữa những nốt trầm đang vang xa trong tâm tưởng mỗi người, có cả những âm vang của bi quan, chán nản...
Tất cả đó sẽ dội vào tâm tư các em, có thể nó bào mòn niềm tin trong sáng của các em.
Nhưng thử hỏi chỉ ngồi kêu ca, ngồi làm anh hùng bàn phím thì sẽ được gì hơn; có bớt đi đói nghèo được chút nào không? Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình. Tuổi 18 đôi mươi mà chỉ ngồi ủ dột, chỉ ngồi than nghèo, than khó thì chán quá chừng. Sự mục ruỗng trong tâm hồn không phải chỉ sự xâm thực của ngoại cảnh mà chính là do bản lĩnh mỗi người. Đừng đánh mất niềm tin, mất niềm tin là tiêu tan động lực.
Ai cũng biết còn không ít điều bất cập. Điều đáng nói là từ bất cập rồi nhìn mọi cái trở thành ảm đạm; từ cái góc nhìn bé nhỏ của mình chưa nghĩ thêm được gì mà chỉ ngồi phê phán, chưa tìm thêm một giải pháp tốt hơn mà ngồi sầu não.
Ngồi mà phán thì dễ lắm, sao không nghĩ cách làm? Rồi không chỉ có vậy, đem cái u uất, bi quan đó đi gieo vào trong lòng người khác, khiến họ thêm vơi bớt niềm tin.
Thầy mong rằng, mỗi em, trước hết tạo cho chính mình niềm tin chân chính.
Để làm cho nụ cười chớm nở trên môi trẻ thơ, trên môi chúng ta không thể là nụ cười gượng gạo. Để giữ cho sự trong vắt, thánh thiện trong tâm hồn và ánh mắt trẻ thơ, trong lòng chúng ta không thể chứa chất những điều sầu muộn, u uất và đầy tràn bão tố. Đừng để những tổn thương làm rạn nứt những tâm hồn.
Đừng để cái thái cực đói nghèo níu kéo, cái ảo tưởng giàu có trong mơ che lấp và ngồi than vãn với cuộc đời, không làm gì cả thì liệu có ích gì không?
Không thể chối bỏ thực tại, nhưng cũng đừng ngồi để chờ ba điều ước trong chuyện cổ tích, hãy nghĩ cách làm thông minh và hành động. Thầy kỳ vọng vào các em.
Niềm tin chân chính luôn đồng hành với bản lĩnh với sự chính trực. Sự cám dỗ luôn bên cạnh ta và ngay cả trong ta, sự ngọt ngào và du dương sẽ dễ làm lòng ta dao động, sự thô ráp của cuộc đời có thể làm ta dễ phải rụt tay. Sự giằng xé giữa cái phải chịu mất và cái an toàn của lợi ích, không phải dễ dàng để chiến thắng chính mình.
Với những người đầy tình yêu thương, thông thái và giàu đức hi sinh như các em, thầy tin rằng, các em sẽ đủ minh mẫn để lựa chọn và quyết định, xác đinh được cái đúng, cái sai cái nên làm và cái không nên làm.
Hãy bắt đầu cho một cách nghĩ mới. Đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Đại học là nơi sản sinh ra tri thức mới và giá trị mới và người tạo ra nó không ai khác chính là các em. Học đại học là học cách đề xuất vấn đề, cách giải quyết vấn đề, và mục đích làm được gì; tức là học phương pháp làm việc hiệu quả.
Chính vậy, hãy dám nghĩ về những điều bất tận và nghĩ cả những điều gần gũi hàng ngày. Có những cái thuộc về chuẩn mực tốt đẹp của xã hội thì cố mà giữ, nhưng với những thách thức của thời đại thì phải dám vượt thoát ra khỏi cách nghĩ an toàn. Một trạng thái mới cần được thiết lập để nghĩ về những điều mới hơn.
Câu hỏi học để làm gì phải luôn thường trực trong mỗi một em.
Cần phải biết thực tiễn diễn ra như thế nào, những cái hay, cái tốt; những hạn chế, bất cập; những nguyên nhân là gì. Từ đó, tìm ra phương án giải quyết thế nào là tối ưu. Hãy từ bỏ cách học các mẹo mực, ngóc ngách và không để làm gì cả.
Học đại học là tự học và gắn liền với nghiên cứu. Đây là con đường tốt nhất để trưởng thành.
Các em hãy đối diện với những thách thức thời đại. Tiến trình văn minh của nhân loại bắt đầu từ nguyên thủy, tiến trình phát triển của mọi quốc gia đều bắt đầu từ nghèo nàn, lạc hậu. Không một quốc gia nào sau một đêm nằm mơ trở thành giàu có, không một đất nước nào thiếu sự bền bỉ, hi sinh mà giữ được căn cốt của mình.
Phải can đảm nhìn nhận rằng, chúng ta đang đi sau thời đại về nhiều lĩnh vực. So với trước đây, hiện nay chúng ta đã có những mới mẻ, nhưng so với thời đại thì tốc độ chúng ta còn đang rất bình thường.
Đừng tự ru ngủ mình, hãy tỉnh táo để nhận diện, để học và để hành động. Hãy dám nghĩ về những điều bất tận, để quên đi hữu hạn cuộc đời. Nghèo khó không phải là hèn, nhưng phải coi nghèo khó của mình, của gia đình và của quê hương, đất nước là một nỗi đau để tìm cách làm cho giàu có một cách chính đáng. Và con đường rõ ràng nhất là phải học, phải giáo dục để mỗi người biết phải làm gì.
Vận mệnh của chính mình, của đất nước phải do chính mình quyết định, đừng trông chờ vào bất cứ ai cả.
Thách thức của thời đại phải gắn với trọng trách của mỗi người đối với công việc tương lai; cần chuẩn bị gì để ứng phó và thích nghi với những điều có thể xảy ra mà chưa thể dự báo trước được.
Điều đó có nghĩa rằng, tư duy phải đi trước thời đại, phần nào dự báo được tương lai.
Hãy hành động để lan tỏa sự tử tế và hiểu biết.
Hãy đánh thức lòng trắc ẩn trong chính chúng ta và trong mỗi con người bằng những việc làm rất gần gũi. Hãy biết quan tâm, sẻ chia đến mẹ cha, đến gia đình, đến bạn bè và những người hàng xóm mỗi khi có chuyện vui buồn. Hãy luôn nở nụ cười cho đời thêm tươi đẹp và hãy yêu thương hơn để hờn oán phôi pha. Hãy biết giúp đỡ những phận đời không may mắn trong khả năng của mình và hãy khoan dung với những lỗi lầm.
Khi có khát vọng chân chính, có tình yêu thương, có trí tuệ; nhận diện được yêu cầu thời đại, có niềm tin và tự rèn mình thì ắt sẽ làm được.
Hãy đi vào vòng xoáy của những vấn đề giáo dục nổi cộm, của những vấn đề liên quan đến ngành học của mình, định vị trong bức tranh của đất nước và thời đại để tìm giải pháp và hãy bắt đầu!
Thầy tin các em.
Hãy vì một nền giáo dục bình đẳng và trung thực. Rất nhiều em đang có mặt ở đây đến từ các vùng đất khác nhau. Các em có thể nhận thấy, trẻ ở đây đến trường và trẻ nơi rẻo cao đến trường khác nhau lắm.
Thầy cứ ám ảnh hoài về những bức ảnh của những đứa trẻ bé nhỏ chân đất gùi đồ đạc đến trường, về những đèo dốc trơn trượt mà thầy cô nhọc nhằn vượt qua, và những bản làng nơi miền biên viễn...
Sự chênh lệch trong phát triển kinh tế là nguyên nhân chủ yếu của sự bất bình đẳng trong giáo dục và là sự thiệt thòi cho những trẻ yếu thế.
Muốn thay đổi mang tính bền vững không chỉ đầu tư tiền của đơn thuần, mà đồng thời với nó là đầu tư để phát triển giáo dục.
Mặt trời thì đưa ánh sáng đến mọi nơi trên mặt đất, không dành riêng cho bất cứ một ai.
Thế tại sao chúng ta không nghĩ, mọi trẻ thơ đều sẽ được hạnh phúc như nhau khi chúng được sinh ra trên đất nước dấu yêu này, dù vùng đất nào cũng là Tổ quốc Việt Nam và dù cha mẹ chúng là ai cũng là con dân đất Việt?
Chúng ta kỳ vọng những chính sách sẽ sát sườn hơn, và những người viết báo cáo để đưa ra các giải pháp sẽ đặt cả con tim và lương tri của mình vì một sự thật, dù có sần sùi, thô ráp đến đâu nữa, để cùng nhận diện và chung tay làm cho tốt hơn.
Chúng ta đã làm được không ít việc trong giáo dục, đây là điều đáng mừng, nhưng các mảng màu đa sắc đó không phải đều tươi mới như nhau. Hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này.
Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau.
Mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai.
Mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng.
Làm tốt điều đó mà được khen thì mừng quá, nhưng xin đừng chỉ vì những bằng khen mà dấu diếm và thổi phồng, mà nghiệt ngã với nhau. Mong rằng, đừng làm biến tướng bản chất tốt đẹp của thi đua. Khi quan niệm rằng, thiêng liêng nhất của nghề giáo là con trẻ lớn lên thành người tử tế để rồi họ biết dấn thân và làm cho xã hội văn minh hơn.
Đó là phần thưởng tuyệt vời nhất mà mỗi người hướng đến. Ảo ảnh mãi mãi là ảo ảnh, chạy theo nó cũng giống như chạy theo cái bóng của mình và thất vọng mỗi khi ngày nắng tắt.
Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh, và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy cô giáo mà hãy đồng hành.
Chính người lớn có lúc đã tước mất quyền vô tư con trẻ. Trẻ phải được vui chơi, được học hành và được chăm sóc. Ở thành phố thì giờ học đến kín không còn thời gian để ý xung quanh, rồi mẹ cha trách con cái vô tâm; ở những nơi khó khăn thì trẻ lam lũ cùng với mẹ cha để kiếm miếng cơm manh áo mỗi ngày, biết mấy điều chỉ những giờ lên lớp.
Mong rằng mỗi chúng ta, các bậc phụ huynh, cả xã hội cùng nhau ngẫm nghĩ điều này.
Và thầy trò chúng ta có dám dấn thân cho điều đó hay không?
Bình đẳng cần được nhận thức đúng mực, không phải đồng phục và cào bằng. Chúng ta có hơn 54 dân tộc anh em. Chúng ta hãy ước mơ sẽ nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ của từng em bé trong trang phục rực rỡ của dân tộc mình mỗi buổi đến trường.
Không phải là đâu đâu cũng xe đưa xe đón, nhưng đường đến trường không còn trơn trượt mỗi bận mưa; và những phòng học không còn gió lùa qua vách nứa, và những thầy cô không còn tạm bợ trong mái nhà xiêu.
Sau lũy tre làng là gia đình, là mẹ cha là nơi chôn rau cắt rốn; sau bản làng, góc phố là nơi thân thương để có chốn đi về. Đó là nơi cho mỗi chúng ta nương nhờ thuở ban đầu về yêu thương và ân nghĩa và cho mãi mãi mai sau. Nhưng đã đến lúc hãy dám nghĩ xa hơn, tích cực hơn, đẹp hơn và đặt ra những câu hỏi lớn cho đời, vượt ra khỏi khuôn viên giới hạn đó.
Một người không biết về ngọn nguồn của quê hương, đất nước thì mơ ước rồi cũng chỉ viễn vông. Vì rằng, để đi đến hạnh phúc và tương lai thì có hai điều căn cốt là tâm hồn được nuôi dưỡng từ mảnh đất nơi họ sinh ra và trí tuệ của họ được khôn lớn từ nguồn hiểu biết vô tận của nhân loại.
Và xin đừng vì cái gọi là "hội nhập", cái gọi là "thời công nghệ số" mà trong những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên đầy yêu thương của thế giới thần tiên trong từng bài giảng không còn nữa, và không còn "cánh cò bay lả, bay la", không còn lời ru của mẹ, không còn bóng hình của dòng sông, bến nước, không còn mùi rơm rạ phảng phất đâu đây, không còn lễ hội cầu mưa hay mừng lúa mới, không còn trò ném còn, hay lễ hội hoa ban...mà trở thành những trò ghép chữ, đọc lên không thấy đâu bóng dáng quê hương và chẳng làm lay động hồn ai cả.
Giáo dục nhiều nước rất hay, nhưng luôn nhớ rằng, giáo dục không thể nào nhập khẩu, nó phải gắn với điều kiện văn hóa, kinh tế của mỗi đất nước.
Đi học không đến nơi đến chốn, không đắm mình trong thực tại của đất nước mình mà cứ thế làm thì hệ lụy khôn lường, rồi hậu quả là con cháu chúng ta lãnh đủ.
Học thật, nói dễ, nhưng làm được mới quan trọng, và chỉ khi nó trở thành mệnh lệnh của trái tim và danh dự của một con người tự trọng thì mới làm được. Chúng ta đã nói nhiều về điều này, nhưng mỗi người hãy tự soi lại chính mình, nếu còn dấu diếm thì làm sao dạy trẻ học thật?
Hãy dám đối diện để tìm ra lời đáp, đừng để hào quang che lấp sự thật nhói lòng. Khi tìm thấy điểm mờ thì người ta mới hiểu hơn về ánh sáng.
Không xa đâu, đồng nghiệp chúng ta đang ngày đêm đánh cược cuộc đời vì trẻ thơ nơi non cao trong những túp lều trống trải; những trẻ vùng biên chân trần đến lớp; những bữa ăn may còn có bát cơm...
Không xa đâu, chúng ta thường nói nhiều về mùa vàng thóc lúa, nhưng không ít nơi đang chờ cơn mưa bất chợt của trời.
Khi dám đối diện với sự thật thì chúng ta mới dám thay đổi.
Có khi nào các em nghĩ mình sẽ là người đi hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng để bức tranh sáng hơn không?
Một thế hệ mới, hãy nghĩ tươi mới hơn và để rồi tương lai sẽ làm tốt hơn.
Thầy tin tưởng các em, vì trong sâu thẳm của các em đang ẩn chứa đức hi sinh cao đẹp.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các thầy cô và các em sinh viên,
Nhân dịp năm học mới, tôi mong rằng mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi cán bộ Nhà trường sẽ trách nhiệm hơn, tận tâm hơn, yêu thương hơn và bằng hành động thiết thực của mình hãy dành cho sinh viên những điều tốt đẹp nhất và làm tốt nhiệm vụ năm học.
Sự đồng hành của thầy và trò sẽ tạo ra sự cộng hưởng mới của Nhà trường.
Tôi cũng mong rằng, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ GD và ĐT, địa phương, các đơn vị có quan hệ gắn bó với Nhà trường sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng Nhà trường vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Chúng ta đang ở trong tiến trình của thời đại, không thể chậm trễ. Một ngày mới bắt đầu, hãy mở toang cái đầu để đón nhận những điều mới mẻ, hãy tạo một bộ lọc tinh tế để gạn đục khơi trong và hãy để con tim hòa nhịp với cuộc đời yêu thương, hãy biết ơn cuộc đời và hãy bắt đầu.
Chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô và các em sinh viên sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Tôi xin tuyên bố Khai giảng năm học 2023-2024 của Trường ĐHSPHN và sinh viên khóa 73 của Nhà trường.
Xin trân trọng cảm ơn.
GS Nguyễn Văn Minh