Cả 3 bị cáo được tại ngoại tới hầu tòa. |
Phiên xử diễn ra dưới sự điều hành của Phó chánh Tòa hình sự TAND Hà Nội, bà Hoàng Tân Thanh. Ba bị cáo Trần Văn Đắc, Phan Văn Hạp (nguyên phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh năm 2001) và Phạm Văn Chóng (nguyên trưởng phòng đào tạo) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ba bị cáo đều có học vị tiến sĩ, và từng đảm nhiệm nhiều trọng trách lãnh đạo.
HĐXX dành cả thời gian buổi sáng để thẩm vấn Trần Văn Đắc. Với tác phong của người từng giữ chức Vụ trưởng Khoa học công nghệ môi trường, rồi trợ lý Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Môi trường, bị cáo Đắc nhiều lần bị chủ tọa nhắc nhở không được khoát tay trong khi nói, phải thưa quý tòa trước khi bắt đầu câu nói; đồng thời nghiêm túc khi trình bày.
Tròn 5 năm trước (14/11/1998), bị cáo Trần Văn Đắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử về lãnh đạo Đại học Dân lập Đông Đô, chỉnh đốn những bất cập trong công tác đào tạo của trường. Thế nhưng tới kỳ tuyển sinh năm 2001, Đông Đô vẫn xảy ra tiêu cực nghiêm trọng. Chỉ tiêu tuyển sinh 1.500 song con số nhập học thực tế lên hơn 4.100 người. Giải trình về việc này, bị cáo Đắc khai: "Lãnh đạo nhà trường họp và quyết định duy trì tổng số sinh viên ổn định ở mức 10.000. Do vậy, để bù số sinh viên tốt nghiệp năm 2001, Đông Đô phải tuyển gấp 2,8 lần chỉ tiêu". HĐXX hỏi: "Trường có thông báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo?". Trần Văn Đắc trả lời: "Đã làm công văn xin nâng tuyển sinh từ 1.500 lên 2.500, song chưa nhận được câu trả lời". Chủ tọa lập luận: "Bộ chưa đồng ý mà trường vẫn tiến hành là sai. Với cương vị hiệu trưởng, bị cáo phải có trách nhiệm ngăn chặn việc này". Bị cáo Đắc thừa nhận việc tùy tiện nâng số lượng tuyển sinh năm 2001 là không đúng quy chế. Song biện minh: "Hội đồng quản trị của trường đã quyết định, tôi phải nghe theo".
Các câu hỏi của HĐXX đều xoay quanh vai trò của quyền hiệu trưởng Đông Đô trong việc điều hành tuyển sinh. Bị cáo Đắc luôn cho rằng chỉ làm công việc quản lý chung, sai phạm ở khâu nào khì cán bộ được giao nhiệm vụ ở đó phải chịu trách nhiệm. "Tôi là quyền hiệu trưởng, kiêm chủ tịch hội đồng tuyển sinh. Tôi vẫn nhắc nhở, đôn đốc mọi người phải thực hiện đúng quy chế. Tuy nhiên, tôi không thể can thiệp cũng như kiểm tra vào công việc của cán bộ dưới quyền. Vì vậy không thể đổ hết trách nhiệm cho tôi ", ông Đắc nói. HĐXX ngắt lời: "Bị cáo không thể vô trách nhiệm như vậy. Nếu như vậy thì không cần có chức danh chủ tịch hội đồng tuyển sinh làm gì".
Hơn 4.100 giấy gọi thí sinh nhập học năm 2001 đều do bị cáo Trần Văn Đắc ký. Tại tòa, bị cáo khai không hề biết con số lại lớn đến như vậy: "Khi ký thì tôi không thể biết là bao nhiêu. Tôi bị ép phải làm xong việc này trong 3 ngày, không có thời gian để kiểm tra. Thực tế số giấy gửi đi bao giờ cũng nhiều hơn chỉ tiêu. Bởi còn phải trừ hao những trường hợp bỏ học. Phải mất 3-6 tháng dao động, sĩ số sinh viên mới ổn định". Theo ông Đắc, ông ta đã bị "tai nạn". "Nhà trường dự tính rằng trên 60% thí sinh gọi nhập học sẽ không tới nộp hồ sơ. Không ngờ ngẫu nhiên 100% thí sinh lại nhập học đầy đủ".
Cơ quan công an phát hiện có rất nhiều giấy gọi nhập học không đề tên thí sinh, số điểm thi song vẫn được quyền hiệu trưởng Trần Văn Đắc ký. Về việc này, bị cáo trả lời: "Do nhầm lẫn, lỗi thuộc về ban tuyển sinh". Giải thích này không được chủ tọa Hoàng Tân Thanh chấp nhận: "Bị cáo là người đặt bút ký, không thể không có trách nhiệm".
Trước khi khép lại phiên thẩm vấn buổi sáng, HĐXX chuyển sang thẩm vấn Trần Văn Đắc về "các suất thí sinh ngoại giao". Trong năm 2001, 8 thành viên trong hội đồng tuyển sinh cũng như lãnh đạo Đại học dân lập Đông Đô, mỗi người được đặc cách xin cho một thí sinh thiếu không quá 3 điểm so với điểm chuẩn được nhập học. Chủ tọa hỏi: "Bị cáo xin cho ai?". Trần Văn Đắc trả lời: "Có 1 suất". HĐXX: "Thí sinh đó là ai, có quan hệ như thế nào với bị cáo". Quyền hiệu trưởng Đại học dân lập Đông Đô ấp úng: "Không nhớ, chỉ chuyển tên người đó cho thư ký hội đồng tuyển sinh để anh ta lo liệu giúp".
Chiều nay, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn hai bị cáo Phan Văn Hạp (từng là hiệu phó Đại học Tổng hợp Hà Nội) và Phạm Văn Chóng.
Sự việc xảy ra ở Đông Đô hôm qua đã được Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Minh Hiển nhắc tới trên diễn đàn Quốc hội, như là một ví dụ về tình trạng thương mại hóa trong hoạt động giáo dục. Bộ trưởng Hiển nói cuộc chiến chống lại tệ nạn này rất khó khăn, và người cầm sào luôn bị tấn công trở lại.
Anh Thư