Tiến sĩ Pollack sẽ thôi việc từ đầu tháng 7, sau bảy năm là hiệu trưởng Đại học Cornell. Trong thư, bà nói có ý định từ mùa thu năm ngoái nhưng tạm dừng vì nhiều sự kiện xảy ra ở trường.
"Việc tiếp tục trì hoãn không phải là lợi ích tốt nhất của đại học vì trường cần thời gian để chuyển tiếp vị trí suôn sẻ trước năm học mới và tôi cũng không muốn ảnh hưởng đến lễ tốt nghiệp sắp tới", bà viết trong thư từ chức, khẳng định quyết định này là của riêng mình.
Michael I. Kotlikoff, hiệu trưởng trường Thú y Cornell, sẽ nắm quyền tạm thời, theo thông báo của chủ tịch hội đồng quản trị Cornell.
Quyết định từ chức của bà Pollack trong bối cảnh các biện pháp kỷ luật sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine tại Cornell gây tranh cãi.
Ngày 25/4, Đại học Cornell cảnh báo sinh viên biểu tình rời đi trước 20h, nếu không sẽ bị đình chỉ học. Kết quả, bốn sinh viên, bao gồm hai du học sinh, bị đình chỉ vì "có hành vi gây rối trật tự", dù cuộc biểu tình được cho là diễn ra ôn hòa.
Theo Cornell Sun, tờ báo độc lập chuyên đưa tin về đại học này, hai sinh viên quốc tế có thể phải rời Mỹ vì vi phạm thị thực. Một số giáo sư của Cornell đánh giá đây là biện pháp hà khắc. Risa L. Lieberwitz, giáo sư Cornell, chủ tịch hiệp hội giáo sư Mỹ, kêu gọi bà Pollack thu hồi quyết định.

Bà Martha E. Pollack trong một sự kiện ở Đại học Cornell năm 2018. Ảnh: Cornell University
Tiến sĩ Martha E. Pollack, 65 tuổi, hiệu trưởng thứ 14 của Đại học Cornell và là giáo sư khoa học máy tính, khoa học thông tin và ngôn ngữ học. Trọng tâm nghiên cứu của bà là xử lý ngôn ngữ tự nhiên, lập kế hoạch tự động và thiết kế công nghệ hỗ trợ cho người suy giảm nhận thức.
Bà là hiệu trưởng thứ ba trong nhóm đại học Ivy League từ chức, sau Claudine Gay ở Đại học Harvard và Elizabeth Magill của Pennsylvania, kể từ tháng 12 năm ngoái. Hai hiệu trưởng trước từng bị chỉ trích vì thái độ lảng tránh tại phiên điều trần của Quốc hội về cách xử lý tình trạng bài Do Thái trong trường, trước xung đột Israel - Hamas. Bà Claudine Gay còn bị cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ.
Phong trào biểu tình ủng hộ Palestine trong xung đột ở Dải Gaza diễn ra với quy mô lớn tại các đại học, vào tuần cuối tháng 4.
Theo Washington Post, phần lớn nhóm biểu tình thể hiện sự đồng cảm với những người Palestine thiệt mạng. Tại Đại học Yale và Columbia, sinh viên yêu cầu lãnh đạo trường thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí quân sự và các nhà thầu quốc phòng có quan hệ với Israel. Cùng đó, một số nhóm biểu tình phản đối việc bài Do Thái trong trường.
Đến nay, khoảng 61 vụ biểu tình của sinh viên diễn ra tại 47 đại học. Hơn 2.400 người bị bắt.
Doãn Hùng (Theo NY Times, CBS, Cornell Sun, AP)