Ngày 16/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với trường sư phạm tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu với UBND tỉnh, thành phố để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, bãi tập; bố trí giáo viên phù hợp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Ảnh: China Daily
Chị thỉ do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký khẳng định thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong trong trường học. Giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Các trường xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường, phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm. Những học sinh cá biệt, yếu thế cần được quan tâm.
Nhằm giảm thiểu bạo lực học đường, các trường học phải phát triển câu lạc bộ, tăng cường hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội, từ đó hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Các trường cũng được yêu cầu tổ chức ký cam kết phối hợp hàng năm giữa gia đình với cơ sở giáo dục về việc quản lý, giáo dục học sinh; thường xuyên thông tin hai chiều để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục.
Để chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin về bạo lực học đường, các trường cần thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát; bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn trong trường học.
"Khi có bạo lực học đường xảy ra ở cả trong và ngoài nhà trường, các cơ sở giáo dục phải phối hợp với công an, lực lượng chức năng để điều tra, kỷ luật nghiêm khắc học sinh có hành vi bạo lực", chỉ thị nêu.
Tại tọa đàm "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" chiều 8/4, Phó cục trưởng Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường thông tin, thống kê của ngành công an chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT.
Riêng trong nửa cuối tháng 3, có ít nhất ba vụ bạo lực học đường. Thứ nhất là sự việc năm học sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) lột đồ, đánh một bạn học ngay trong lớp sau giờ tan trường hôm 22/3.
Vụ thứ hai xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 29/3. Cô giáo chủ nhiệm lớp 8A1, trường THCS Long Toàn đã dùng thước đánh 22 học sinh do mất trật tự khiến nhiều em bị bầm tím.
Chiều 31/3, một học sinh lớp 7B trường THCS xã Diễn Hùng (Nghệ An) đã bị nhóm nữ sinh hành hung do tung tin đồn một em trong nhóm mang bầu. Nữ sinh tung tin bị bắt quỳ xin lỗi và truy vấn, sau đó bị ba nữ sinh tát.