Ngày 24/8, Ấn Độ ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm nCoV và gần 59.000 trường hợp tử vong. Nước này vẫn là vùng dịch lớn thứ ba thế giới. Người dân ở nhiều khu vực sống trong tình trạng giãn cách xã hội - động thái mạnh mẽ của chính phủ nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19.
Trước bối cảnh hạn chế đi lại, người dân chuyển dần sang hình thức mua thuốc trực tuyến (còn gọi là sử dụng "hiệu thuốc ảo"), mở lối kinh doanh mới cho các công ty dược phẩm. Cuộc cạnh tranh dần nóng lên khi Mukesh Ambani, chủ tịch Reliance Industries, người giàu nhất châu Á và Jeff Bezos, nhà sáng lập "đế chế" công nghệ Amazon, quyết định đầu tư vào thị trường.
Tuần trước, Reliance Industries thông báo chi 83 triệu USD mua lại công ty chăm sóc sức khỏe trực tuyến Netmeds. Đây là đơn vị phân phối thuốc và cung cấp dịch vụ sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ cho 5,7 triệu khách hàng toàn cầu.
Con gái của ông Ambani, bà Isha Ambani, cho biết: "Chúng tôi rất ấn tượng về hành trình của Netmed với việc xây dựng nền tảng thương mại điện tử nhượng quyền toàn quốc chỉ trong thời gian ngắn. Chúng tôi tự tin sẽ đẩy nhanh tiến độ đó bằng sự hợp tác và nguồn đầu tư của mình".
Thông báo của Reliance được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Amazon triển khai dịch vụ giao hàng các loại thuốc theo đơn và không theo đơn ở Bangalore.
Thực tế, dược phẩm trực tuyến còn là một "địa hạt" tương đối mới mẻ tại Ấn Độ, chưa được khai thác trước khi Covid-19 bùng phát. Đại dịch tạo cơ hội phát triển cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao, dịch vụ y tế từ xa.
Quá trình xây dựng tệp khách hàng, đảm bảo nguồn đầu tư và thay đổi hành vi mua sắm của người dùng, vốn mất nhiều năm liền, nay được thu gọn qua 4 tháng chống dịch.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) và công ty tư vấn RedSeer, hơn 6 triệu hộ gia đình đã bắt đầu sử dụng dịch vụ "hiệu thuốc ảo" trong thời kỳ Covid-19, tăng gấp đôi so với trước đó. Ước tính, con số này sẽ vọt lên 70 triệu hộ trong 5 năm tới. Ngành công nghiệp ước đạt giá trị 16 tỷ USD vào năm 2025.
Sự gia nhập của hai "ông lớn" Amazon và Reliance báo hiệu thời kỳ: mua lại, hợp nhất và sáp nhập. Hai dịch vụ y tế khác là PharmEasy và Medlife đang trong giai đoạn cuối cùng của thương vụ hợp nhất, thành lập một công ty trị giá một tỷ USD. Công ty Flipkart do "đại gia" bán lẻ Walmart hậu thuẫn cũng có kế hoạch riêng dành cho thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, các nhà phân phối dược phẩm trực tuyến còn đang hoạt động trong "vùng xám" hợp pháp. Nếu không có quy định hoặc chính sách quản lý bài bản để hợp thức hóa các "hiệu thuốc ảo", lĩnh vực này chịu sự điều chỉnh của các quy định hiện hành, chắc chắn vấp phải phản đối từ các đơn vị bán lẻ truyền thống.
Hiệp hội Hóa học và Dược học Ấn Độ (AIOCD), đại diện cho khoảng 850.000 chuyên gia trong ngành, đã gửi Jeff Bezos một bức thư ngỏ, lập luận dịch vụ bán thuốc trực tuyến của Amazon là bất hợp pháp.
Trong khi đó, Reliance, với thiện chí từ chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, đã thành công huy động hơn 20 tỷ USD trong quỹ đầu tư, đồng thời mua lại hàng loạt công ty vừa và nhỏ ở nhiều ngành, đa dạng hóa đối tượng khách hàng. Động thái này tương đồng với lời hứa trong bài phát biểu của ông Modi nhân ngày quốc khánh 15/8 của Ấn Độ về sứ mệnh chuyển đổi số lĩnh vực y tế.
Ankur Bisen, phó chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn quản lý Technopak Advisers, nhận định khả năng đồng hành lâu dài của khách hàng đối với các sản phẩm dược khiến bán thuốc trực tuyến trở thành "mảnh đất màu mỡ" với cả Amazon và Reliance.
"Người tiêu dùng đặt thuốc không phải vì hành vi mua sắm bốc đồng, tùy tiện. Đó là nhu cầu hàng ngày, lặp lại", ông Bisen nói.
Các sản phẩm và dịch vụ liên quan cũng được tiêu chuẩn hóa, biến động hạn chế, khác với các mặt hàng gia dụng hoặc điện tử. Điều này cho phép công ty mở rộng mô hình của mình.
"Nó giống như thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm. Các ‘hiệu thuốc ảo' trở nên quan trọng đối với những đơn vị tham gia thị trường, nếu họ muốn chiếm trọn tâm trí khách hàng, không phải vì quy mô kinh doanh mà vì tiềm năng gắn bó lâu dài của người dùng", ông nói.
Thục Linh (Theo SCMP)