Ngôn từ của luật pháp, gồm cả Luật Giao thông đường bộ phải chính xác, dễ hiểu. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, để hiểu và vận dụng đúng được một điều luật thì cũng không phải là dễ, nhất là đối với người không chuyên ngành luật. Nhưng cũng có nhiều người, vì không chịu suy xét kỹ các điều luật, hoặc biết nhưng cố tình ngụy biện bằng "Đánh tráo khái niệm", chẳng hạn như có thể "diễn dịch" môtô (chẳng qua cũng là xe máy phân khối lớn) thành ra "xe máy chuyên dùng".
Tôi đọc hai bài viết "Xe phân khối lớn lao cắm mặt vào ôtô dừng đột ngột" và "Xe phân khối lớn không sai khi đâm ôtô" thấy độc giả phân tích lái xe máy đúng 50%, do đã có sự hiểu lầm thuật ngữ "Xe máy chuyên dùng". Vậy, nên phân tích và lý giải tình huống đâm xe từ phía sau này như thế nào.
Video: Minh Tú
Khoản 2 Điều 13 của Luật GTĐB 2008 (hiện còn hiệu lực) về vấn đề sử dụng làn đường khi lưu thông đường bộ ghi "Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái".
Hiểu điều này như thế nào? Khoản 20 Điều 3 Luật GTĐB trích "Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ".
Vậy, môtô thì đi làn nào. Trước tiên, cần làm rõ, theo Luật GTĐB tất cả xe 2-3 bánh chở người có động cơ thì đều gọi chung là "môtô", chứg không gọi là "xe máy" (hay xe 2-3 bánh gắn máy) theo quan niệm dân dã đời thường.
Luật đã có quy định rõ về các loại xe tham gia lưu thông đường bộ (các khoản 18, 19 Điều 3 "Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là "xe cơ giới") gồm ôtô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo; môtô hai bánh; môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự".
Môtô (2 và 3 bánh) đã được xếp chung vào loại "xe cơ giới", thì theo khoản 2 Điều 13 đã đề cập ở trên, sẽ có được "tiêu chuẩn" đi chung làn đường với ôtô.
Vậy, môtô trong trường hợp đang được xem xét, một khi đã đi đúng làn, thì người điều khiển nó sai ở chỗ nào. Có đấy, thứ nhất không làm chủ tốc độ. Thứ hai, không giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường theo quy định của Luật GTĐB.
Cuối cùng, còn chiếc xe bảy chỗ đang đi làn dành riêng cho ôtô bỗng dừng lại (không đỗ) thì sao. Xét về nguyên tắc, Luật GTĐB không cho phép dừng/đỗ xe trên làn đường xe chạy, mà luôn luôn phải dùng, đỗ xe ở lề đường bên phải (điểm (b), (c) khoản 3 Điều 18). Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, xe bị hỏng hóc, tài xế bệnh nặng bất ngờ nên có thể không đưa xe vào lề đường bên phải được. Nhưng khi xảy ra tai nạn cho xe khác, thì tài xế buộc phải chứng minh mình đã lâm vào tình trạng bất khả kháng (như đã đề cập ở trên), không làm theo luật được.
Ngoài ra, khi dừng, đỗ xe cũng phải bật đèn tìn hiệu để báo cho người khác biết (điểm (a) khoản 3 Điều 18 LGTĐB). Trường hợp ôtô không bật đèn khẩn cấp khi dừng, đã "góp phần" gây ra tai nạn cho môtô.
Thực trạng, có nhiều lái xe, đặc biệt là xe tải, xe chở container dừng/đỗ xe tùy tiện (không bật đèn báo hiệu) ngay trên làn xe chạy, thậm chí cả trên đường cao tốc, dừng xe để đi mua thuốc lá, nước uống... thậm chí tài xế khi dừng/đỗ xe nhiều khi còn chẳng thèm dựng nắp ca-pô lên... cho nó trông giống với đang bị hỏng xe nữa cơ...
Độc giả Nguyễn Thanh Tuân