Ngày 11/8, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú cho biết nhà trường sẽ tiếp nhận tất cả thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển và làm thủ tục nhập học, không phân biệt em đó đến từ các tỉnh có kết luận gian lận điểm thi THPT quốc gia. Điều này được nêu rõ trong Quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh 2018 nhà trường đã công bố. Tuy nhiên, Đại học Y Hà Nội sẽ theo dõi sát quá trình học tập, kết quá học của tất cả sinh viên.
Hiệu phó Đại học Y khuyến cáo thí sinh cân nhắc kỹ trước khi nhập học. Việc học tập ở trường y kéo dài 6 năm rất vất vả; các kỳ thi liên tục và gắt gao nên nếu không đủ khả năng, sự quyết tâm và đam mê, các em sẽ không theo được. "Không có chuyện cứ vào trường là sẽ được tốt nghiệp", ông Tú nhấn mạnh.
Những năm qua, Đại học Y Hà Nội thường sàng lọc đến 90% danh sách đăng ký xét tuyển để chọn ra những em ưu tú nhất trúng tuyển vào trường. Sinh viên này về cơ bản đều có năng lực, đam mê và tố chất cần cù, nhẫn nại. Tuy nhiên 3-5% trong đó sau một thời gian học tập đã thôi học hoặc bị buộc thôi học.
"Một số sinh viên dừng học vì không phù hợp với môi trường học tập của ngành y. Có em không chịu được áp lực, môi trường bệnh viện, sợ tiếp xúc bệnh nhân nặng, chấn thương... Một số khác bị buộc thôi học vì quá trình học tập không đủ quyết tâm nên không qua được các kỳ thi, không hoàn thành nhiệm vụ học tập", Hiệu phó Nguyễn Hữu Tú giải thích.
Theo thống kê dữ liệu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội từ năm 2015 đến 2018 cho thấy, hai năm đầu sĩ tử miền núi phía Bắc có điểm xét tuyển cao rất hiếm, hai năm sau lại nhiều. Sự thay đổi này trùng hợp với thời điểm kỳ thi THPT quốc gia có sự chuyển vai trò chủ trì tổ chức thi từ trường đại học sang địa phương.
Mùa tuyển sinh năm nay, số thí sinh của Sơn La và Điện Biên đỗ vào Đại học Y Hà Nội cao nhất trong 4 năm thi THPT quốc gia với 9 và 5 em. Con số của ba năm trước (2015-2017) của Sơn La lần lượt là 4, 5, 7; Điện Biên là 0, 2, 2.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ. Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù một số bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.