Ông bị đau nhức nhiều năm, thường dùng thuốc giảm đau để kiểm soát tình hình. Gần đây, các cơn co rút ngày càng nhiều, ông đau đớn không thể ăn ngủ, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Bác sĩ một bệnh viện tại TP HCM yêu cầu phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm, song ông có tiền sử tăng huyết áp nên gia đình lo ngại rủi ro, mong muốn điều trị không cần mổ.
Ngày 13/8, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và Y học thể thao, Bệnh viện 1A, cho biết bệnh nhân vào viện phải ngồi xe lăn vì quá đau đớn, không thể đi đứng bình thường. Sau 4 lần hiệu chỉnh cơ xương khớp, tình trạng xương khớp đau nhức và co rút cơ dần được cải thiện.
"Tôi không còn phải ngồi xe lăn, có thể đi lại dễ dàng, cơn đau giảm tới 70% khiến tôi rất vui mừng", ông Hy nói. Bác sĩ cho biết ông cần thêm vài buổi tập, chịu khó cân chỉnh ổn định sẽ duy trì hiệu quả lâu dài.
Theo bác sĩ, người lớn tuổi thường đối diện nhiều bệnh liên quan xương khớp, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, trong đó có thoái hóa cột sống. Đây là tình trạng tổn thương sụn mấu khớp và đĩa đệm, hình thành các gai xương gây chèn ép rễ hoặc tủy thần kinh cột sống, thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực như cổ, gáy, thắt lưng. Bệnh rất phổ biến hiện nay, ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân như sinh hoạt và làm việc sai tư thế, thói quen ngồi nhiều, ít vận động, tình trạng thừa cân... Bệnh gây cảm giác đau mỏi, tê, dị cảm tay chân, có thể yếu liệt...
Để kiểm soát những cơn đau nhức, nhiều người thường phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc. Ở nhiều nước Âu Mỹ, nhiều người lựa chọn hiệu chỉnh (cân chỉnh) cơ xương khớp để điều trị nhiều loại bệnh như đau vai gáy, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống, hội chứng chéo trên...
Trên thực tế, các khớp được điều khiển bởi nhiều nhóm cơ nhỏ lớn khác nhau, giúp vận động được chính xác hay giữ vị trí các khớp ở vị trí chỉn chu trong trạng thái tĩnh. Khi con người thực hiện các hoạt động làm việc, sinh hoạt, tùy từng tư thế, những nhóm cơ liên quan sẽ hoạt động mạnh hơn so với những nhóm còn lại. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng tương quan giữa các cơ, gây hiện tượng căng cơ, mỏi cơ, tạo áp lực không đều lên bề mặt khớp, dẫn đến sự lệch vẹo của khớp và chèn ép gây áp lực lên mạch máu thần kinh... Từ đó, bệnh nhân trở nên đau, tê bì, mệt mỏi khó chịu và mất năng lượng.
Tùy tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp phù hợp. Phương pháp này có khả năng đưa các khớp trở lại vị trí vốn có ban đầu, loại bỏ áp lực tập trung lên một điểm, loại bỏ chèn ép thần kinh mạch máu cũng như các hiện tượng căng cơ, mỏi cơ, giúp bệnh nhân cảm thấy thay đổi dễ chịu đáng kể sau vài buổi tập. Đặc biệt, trường hợp người lớn tuổi, nhóm người dễ gặp các vấn đề về cơ xương khớp, việc can thiệp sớm sẽ giảm đáng kể tỷ lệ phải phẫu thuật.
"Phẫu thuật nên là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp điều trị bảo tồn không thành công, thử nghiệm các phương pháp khác mà không đem lại hiệu quả", bác sĩ Trịnh nói. Trong một số trường hợp như gãy, lún, xẹp xương khớp hay vỡ đốt sống, quyết định phẫu thuật được dựa trên các kết quả khám sàng lọc để đảm bảo tối đa hiệu quả cho bệnh nhân.
Càng để lâu, tình trạng càng nghiêm trọng, gây nhiều tổn thương đến cột sống và sức khỏe tổng thể, có nguy cơ tàn phế suốt đời. Bác sĩ khuyên người nghi ngờ mình bị thoái hóa cột sống nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn điều trị đúng cách, không tự ý sử dụng thuốc giảm đau.
Để phòng ngừa, mọi người nên tránh mang vác nặng, chú ý thay đổi tư thế làm việc mỗi giờ, tập thêm các bài thể dục nhẹ nhàng giữa giờ, cẩn trọng khi chơi các môn thể thao vận động mạnh, tránh nguy cơ gây tổn thương cột sống. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, hạn chế chất kích thích, duy trì trọng lượng hợp lý.
Lê Phương