Khởi nguồn là một nhóm người có tinh thần nghĩa hiệp chuyên phòng chống cướp giật trên địa bàn phường Phú Hòa (Bình Dương) do anh Nguyễn Thanh Hải đứng đầu, đến năm 2011, mô hình câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm đặc biệt nở rộ ra khắp tỉnh. Với 81 CLB được thành lập gồm 2.700 hiệp sĩ, đến nay các anh đã triệt phá 1.060 vụ án hình sự, tóm gọn 1.500 tên tội phạm, thu giữ tài sản giá trị hàng tỷ đồng.
![]() |
Các hiệp sĩ Bình Dương đến thăm đồng đội Nguyễn Tăng Tiên sau lần bị côn đồ truy sát |
Trong một thời gian dài nạn rải đinh liên tiếp xảy ra trên Đại lộ Bình Dương đã trở thành nỗi ám ảnh của những người đi đường và khiến cơ quan chức năng đau đầu. Nhóm tội phạm này hoạt động khá tinh vi, có tổ chức, nên việc triệt phá gặp khó khăn. Để bắt quả tang hành vi của những kẻ làm ăn bất lương, các hiệp sĩ đã hy sinh cái Tết sum vầy bên gia đình, thức trắng nhiều đêm để nắm bắt giờ giấc hoạt động của các nghi phạm. Chuyên án bắt đinh tặc đầu năm 2011 của nhóm hiệp sĩ không chỉ đem lại niềm vui cho người dân mà còn tạo ấn tượng sâu sắc với xã hội, vì đây là vụ “đinh tặc” đầu tiên bị truy quét.
![]() |
Hiệp sĩ khống chế tội phạm. Ảnh: Tuệ Mẫn. |
Năm 2011 cũng ghi dấu ấn của nhóm hiệp sĩ Đất Thủ khi phá lò tiêu thụ xe gian ở phường Chánh Nghĩa (thị xã Thủ Dầu Một), bắt băng cướp sử dụng hung khí, lật tẩy trò lừa của những kẻ bất nhân chuyên tìm trẻ em, người già để lừa đổi số trúng thưởng hay ra chiêu rút vé số, tiền của nạn nhân nghèo khó…
Còn người dân TP HCM từ lâu đã xem Nguyễn Văn Minh Tiến như Lục Vân Tiên giữa đời thường và đặt cho anh bao biệt danh như "Hiệp sĩ săn bắt cướp", "Hiệp sĩ đường phố", "Hiệp sĩ Sài Gòn"... Hàng ngày, bằng chiếc xe Dream xoáy nòng, có thể tăng tốc tới... 170 km/giờ, Tiến rong ruổi trên nhiều nẻo đường để truy bắt những tên cướp điện thoại, giật túi xách, nữ trang... của người dân. Không thể nhớ hết Tiến cùng đồng đội đã bắt cướp lấy lại tài sản cho bao nhiêu người, nhưng họ đã trở thành biểu tượng cho tinh thần nghĩa hiệp, "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha".
![]() |
Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến trong một lần bắt cướp |
Để có những chiến công, các hiệp sĩ đã phải đổ cả máu, nước mắt và có những nỗi đau khó nói thành lời. Sự việc Tuấn “Chó” dẫn đám giang hồ xách theo hung khí vào nhà chém xối xả hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên vào rạng sáng 27/6 vì "tội" xâm phạm chuyện làm ăn bất chính của chúng khiến tinh thần của các anh em đồng nghiệp chấn động. Nỗi đau mất mát chưa nguôi với gia đình và các đồng nghiệp khi anh Nguyễn Xuân Chinh tử tạn trên đường truy bắt cướp, thì hàng loạt hiệp sĩ khác gặp nạn trước sự chống trả của tội phạm. Đêm 26/1, hiệp sĩ Phạm Văn Thúc (66 tuổi) đã bị khoảng chục tên thanh niên đánh hội đồng gây đa chấn thương, gãy xương đùi khi giải thoát cho một người say rượu. Gần nhất, ngày 15/9, anh Ngô Trung Thành bị thương nặng khi hai tên cướp giật dây chuyền chống trả trên đường truy đuổi ...
Gian nguy, mất mát nhưng tinh thần trừ gian diệt ác trong những con người này dường như chưa bao giờ nhụt chí. Hàng ngày họ vẫn tự nguyện rong ruổi khắp các tuyến đường để đeo bám tội phạm, ngăn chặn mọi hành vi phạm tội vì sự bình yên với mục tiêu "không để tội phạm còn đất sống". Những việc làm của họ đã trở thành biểu tượng của sức trẻ mạnh mẽ, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ở vùng đất phía Nam.
Cá nhân anh Nguyễn Thanh Hải từng vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III. Trong năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tặng bằng khen cho nhóm hiệp sĩ CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa. Mới đây, Bộ Công an đã tổ chức tuyên dương anh Tiến cùng các hiệp sĩ ở khu vực phía Nam nhằm kịp thời động viên, khen thưởng cho tất cả “hiệp sĩ” trên toàn quốc.
"Hoạt động của các thành viên CLB hiệp sĩ đã đánh thức mọi người trong việc chung tay đấu tranh với tội phạm, tránh sự vô cảm trước cái ác, cái xấu. Mô hình này vô cùng hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đại tá Lê Đăng Khoa, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm phía Nam (Bộ Công an) đánh giá.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng bày tỏ tâm đắc với mô hình “hiệp sĩ” đường phố ở TP HCM và Bình Dương nên đã cử người vào học hỏi, xem xét cách thức hoạt động. Một số địa phương khác cũng tìm về vùng đất phía Nam hỏi kinh nghiệm tổ chức để nhân rộng ở địa phương.
VnExpress
Nhân vật của năm - Bạn chọn ai ? |