Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã có động thái nhượng bộ giới y tế với quyết định trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường y hôm 19/4, KMA - tổ chức nghề nghiệp lớn nhất đất nước dành cho các bác sĩ - không đồng ý với giải pháp này.
Hôm 21/4, đại diện KMA nêu quan điểm rằng "quyết định mới của chính phủ chỉ là giải pháp tình thế, không phải cách giải quyết cơ bản và cốt lõi của vấn đề". Theo Kim Sung-geun, người phát ngôn KMA, giới chức Hàn Quốc cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là đưa ra các biện pháp bảo vệ bác sĩ hiệu quả hơn khỏi các vụ kiện sơ suất, đồng thời tăng ngân sách để khuyến khích các chuyên gia hành nghề ở những khu vực khó khăn.
KMA cũng cho rằng việc tăng tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 suất từ năm 2025 sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn cũng như tạo tình trạng dư thừa bác sĩ.
"Vì tương lai đất nước, để bảo vệ sức khỏe của các bệnh nhân đang phải chịu đựng tổn thương, chúng tôi yêu cầu Tổng thống bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng hạn ngạch sinh viên y khoa và đàm phán lại từ đầu", Kim Sung-geun, người phát ngôn KMA, nói. Ông nhận định giới chức "còn một tuần" để tìm ra giải pháp.
Cùng quan điểm, dân biểu Ahn Cheol-soo của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền nhận định đây chỉ là biện pháp tạm thời và sẽ chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề với những người trong cuộc. Động thái mới nhất của KMA khiến cuộc khủng hoảng y tế thêm bế tắc, theo các nhà quan sát. Với 140.000 chuyên gia y tế thành viên, KMA là tổ chức nghề nghiệp lớn nhất đất nước dành cho các bác sĩ Hàn Quốc, đóng vai trò chính trong các cuộc đình công vừa qua.
Hôm 19/4, Thủ tướng Han Duck-soo nói sẽ cho phép 32 trường y tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh vào năm tới. Mức tăng hàng năm dao động từ 50% đến 100%, bắt đầu từ năm 2025. Như vậy, các trường có thể giảm chỉ tiêu tuyển sinh, không bắt buộc phải tuyển đủ 2.000 suất như yêu cầu của giới chức.
Đông thái đưa ra sau khi đảng cầm quyền bảo thủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội tháng này. Ban đầu, công chúng có thiện cảm với đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, cuộc thăm dò trước bầu cử ngày 10/4 cho thấy thái độ của người dân đã thay đổi. Gần 60% người được khảo sát cho biết giới chức nên điều chỉnh quy mô và thời gian của kế hoạch cải cách y tế.
Từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ nội trú, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, đã rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ. Những người đình công cho rằng cải cách này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Cuộc khủng hoảng lan sang cả lĩnh vực đào tạo, khi sinh viên y khoa và nhiều giáo sư trường y nghỉ việc ủng hộ các bác sĩ nội trú. Trong khi đó, chính phủ bắt đầu tước giấy phép hành nghề của gần 5.000 bác sĩ trên, đồng thời xét đến xử lý hình sự. Tất cả điều này đẩy y tế Hàn Quốc vào khủng hoảng, nhiều bệnh nhân bị trì hoãn điều trị hoặc phẫu thuật.
Trong khi đó, chính phủ nhận định việc tăng chỉ tiêu là cần thiết, nhằm ứng phó với tình trạng dân số già và tăng cường lực lượng y bác sĩ cho các nhóm ngành thiết yếu như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật.
Thục Linh (Theo AFP)