Ông Hàng Minh Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech - Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vừa đại diện VBA tham dự cuộc hội thảo về tài chính công nghệ thuộc chương trình Digital Frontier do Bộ Ngoại giao Australia kết hợp cùng Bộ Thương mại Australia tổ chức vào ngày 2/5, tại Melbourne City Townhall, Victoria, Melbourne, Australia.
Hội thảo được dẫn dắt bởi Rehan D'Almeida, Giám đốc điều hành của Fintech Australia. Chương trình còn có sự tham gia của các cơ quan chính phủ Australia, doanh nghiệp hai nước cùng cộng đồng những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính công nghệ.
Với chủ đề "Tương lai doanh nghiệp Blockchain", hội thảo cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thị trường công nghệ tài chính, đặc biệt là blockchain đa chiều từ phía Australia và Việt Nam. Trong khuôn khổ phần thảo luận về Fintech & Blockchain cùng với các khách mời và diễn giả khác, ông Hàng Minh Lợi chia sẻ mong muốn hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa hai nước trong bối cảnh Việt Nam đang là nhân tố mới nổi đầy tiềm năng đối với công nghệ blockchain.
Ông chia sẻ năm 2015, Australia đã sản xuất rất nhiều nghiên cứu về mạng lưới Ripple. Ngày nay, hầu hết ngân hàng địa phương ở Australia như CBA, NAB đều sử dụng mạng lưới và sổ cái Ripple để tăng cường hiệu quả giao dịch ở nước ngoài và thanh toán xuyên biên giới, điều đó đã thực sự đổi mới toàn bộ ngành ngân hàng. Đó cũng là điều mà các start-up Fintech cũng như các ngân hàng địa phương ở Việt Nam có thể học hỏi từ kiến thức và kinh nghiệm triển khai của Australia.
Trong sự kiện lần này, ông Hàng Minh Lợi thay mặt Hiệp hội Blockchain Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với Blockchain Australia. Hai bên cam kết sẽ phối hợp về các vấn đề quan tâm chung và thúc đẩy hợp tác cộng đồng thông qua hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động liên quan đến tài chính kỹ thuật số, blockchain và công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Những hoạt động này bao gồm: trao đổi, thảo luận, hội nghị bàn tròn, tiếp cận chính sách, sự kiện, hỗ trợ quảng bá cộng đồng, chia sẻ kiến thức và mở rộng hợp tác.
Biên bản ghi nhớ này tạo tiền đề nhằm xây dựng mối quan hệ và hội nhập trong cộng đồng lớn, hệ sinh thái ngành của hai nước, mang lại cơ hội hợp tác cho cả hai bên trong việc tiếp cận mạng lưới và tư cách thành viên lẫn nhau. Hơn nữa, sự hợp tác này cũng vạch ra các điều khoản cam kết giữa hai bên, chính thức hóa mối quan hệ và thiết lập cam kết chung trong việc chia sẻ tài nguyên, thông tin, khám phá các cơ hội hợp tác và duy trì liên minh hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về triển vọng của blockchain với ngành tài chính, Giáo sư Chris Berg - RMIT Blockchain Innovation Hub, khách mời của chương trình, nhấn mạnh có hai điểm khác biệt lớn giữa fintech truyền thống và công nghệ blockchain.
Thứ nhất, blockchain mang tính toàn cầu. Khi xây dựng một blockchain có nghĩa nó sẽ khả dụng cho tất cả mọi người và việc truy cập vào một cái mới phát hành tương đối dễ dàng nếu không yêu cầu nhiều kiến thức kỹ thuật. Thứ hai, blockchain còn hoàn toàn mở, có nghĩa là người dùng có quyền truy cập mà không cần phải xin phép bất kỳ ai, không chỉ để sử dụng blockchain mà còn để tham gia vào nó, xác thực và khai thác nó... Điều này tạo ra rủi ro với những trò gian lận, nhưng cũng tạo ra những tiềm năng đáng kinh ngạc cho việc tái toàn cầu hóa nhanh chóng của ngành tài chính, thanh toán xuyên biên giới vốn khó khăn và tốn kém trong thời gian dài.
"Blockchain cung cấp một không gian cho sự đổi mới mà ít công nghệ nào làm được", Giáo sư Chris Berg khẳng định.
Hải My