Trước đó một ngày, Đại hội thành lập Hiệp hội Công nghệ Chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) đã được tổ chức và bầu 27 ủy viên Ban Chấp hành, 9 ủy viên Ban Thường vụ. GS.TS Hoàng Văn Huây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban vận động được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.
Ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết mục đích của Hiệp hội là tập hợp, bảo vệ quyền, lợi ích của hội viên trong nghiên cứu, xây dựng các giá trị chuẩn mực thực hành, phát triển và ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào các lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đồng thời, đơn vị cũng xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ này vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. "Hiệp hội sẽ quy tụ những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đam mê hoặc đang hoạt động liên quan đến công nghệ blockchain để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực góp phần vào thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công, phát triển kinh tế số tại Việt Nam", ông Tùng khẳng định.
Trong buổi ra mắt, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Decom Holdings, Phó Chủ tịch Thường trực cũng chia sẻ về những mục tiêu trọng tâm của Hiệp hội. Đầu tiên, đơn vị muốn phát triển hội viên, tập trung nguồn lực, sức mạnh từ các công ty, nhân sự người Việt liên quan đến blockchain cho các nhiệm vụ. Mục tiêu thứ hai là xây dựng tiêu chuẩn hội viên, được đánh giá là vấn đề quan trọng, bởi hành lang pháp lý ở Việt Nam hiện chưa có. Do đó, nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam phải dựa vào môi trường pháp lý nước ngoài nếu muốn gọi vốn lớn.
Theo đại diện Hiệp hội, trong thời gian ngắn đơn vị đã nhận hơn 500 yêu cầu đăng ký hội viên, nhưng qua sàng lọc mới chỉ chọn được hơn 100 hội viên đạt tiêu chuẩn. "Để có tiêu chuẩn hội viên này chúng ta phải cùng tham gia xây dựng, dựa trên các cơ sở pháp lý. Cần tránh hiểu rằng Hiệp hội Blockchain Việt Nam thúc đẩy những hoạt động mà nhà nước không ủng hộ, gây ảnh hưởng đến uy tín", ông Trung nói thêm.
Mục tiêu thứ ba, theo ông Trung là hợp tác để thúc đẩy các ứng dụng blockchain tại Việt Nam thông qua việc kết hợp với những ngành nghề, hiệp hội khác. Nhiệm vụ thứ tư là phổ biến kiến thức về blockchain đến số đông. Kế đến, ông Trung cho rằng cần thúc đẩy hành lang pháp lý, liên tục đóng góp, phản biện về các chính sách để tạo điều kiện cho công nghệ này phát triển.
Cuối cùng, Hiệp hội sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút số vốn đầu tư vào lĩnh vực blockchain tại Việt Nam. "Chúng tôi khẳng định cơ hội hợp tác quốc tế là rất to lớn với lĩnh vực blockchain. Chúng tôi tin nếu môi trường hợp tác quốc tế và chính sách thuận lợi, chúng ta sẽ đón được dòng vốn đầu tư rất lớn", ông Phan Đức Trung nói.
Để đạt được những mục tiêu này, đại diện đơn vị cũng đề ra chương trình hành động cụ thể. Ông Phan Đức Trung cho biết Hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức nhiều buổi hội thảo, nhằm tìm ra định hướng cho từng chương trình. Đầu tiên, Việt Nam có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về blockchain. Đây sẽ là cơ hội để chào mời những công ty lớn trên thế giới, cùng với đó là nguồn vốn đầu tư.
Chương trình hành động thứ hai là thay đổi nhận thức của cộng đồng về blockchain. Ông Trung cho rằng nếu nhận thức blockchain chỉ giới hạn trong tài chính, có thể nhìn nhận sai và cho rằng lĩnh vực này chống lại các sản phẩm tài chính truyền thống. "Các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán có thể tham khảo để có lộ trình tiếp nhận các sản phẩm của ứng dụng blockchain", ông Trung nói thêm
Chương trình hành động thứ ba liên quan đến tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC). Chính phủ đã có những chỉ đạo liên quan đến CBDC, nhưng Việt Nam vẫn đi chậm về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này. Tiếp đến, Hiệp hội sẽ lên kế hoạch cho hành động liên quan đến tài sản số. Việc chưa công nhận tài sản số theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) gây ra hệ lụy về mặt pháp lý. Từ đó, nhiều vụ tranh chấp, lừa đảo cũng không thể đưa ra pháp luật phân định. "Tôi tin rằng việc tham gia công nghệ blockchain sẽ góp phần định hướng rất tốt về tài sản số cũng như IFRS", ông Trung chia sẻ.
Chương trình thứ năm là thúc đẩy chuỗi khối trong doanh nghiệp nhằm mang lại công nghệ an toàn hơn so với chuỗi khối công khai, vừa có thể ứng dụng blockchain cho nhiều lĩnh vực như metaverse, Web3, thậm chí là thiết kế vaccine.
Cuối cùng là vấn đề về quản trị rủi ro, thông tin trong tài sản số. Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng cần phối hợp giữa công nghệ an toàn thông tin và chính sách để đem lại sự an toàn cho tài sản số. "Việc tấn công không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn về luật pháp, môi trường. Do vậy, chúng tôi tin rằng cần có những hội thảo kết nối đơn vị hành pháp, lập pháp với các đơn vị làm về an toàn thông tin", ông Trung kết luận.
Sáng ngày 18/5, đơn vị cùng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức buổi họp báo công bố về Hội nghị thượng đỉnh blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) vào ngày 21-22/7 tới. Chương trình dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, quy tụ các diễn giả là lãnh đạo các doanh nghiệp blockchain lớn, và các nhà quản lý, chuyên gia về blockchain trong nước và quốc tế.
Hoài Phương