Thứ hai, 2/12/2024
Thứ bảy, 20/11/2021, 06:00 (GMT+7)

Hiện vật đặc sắc trong 'hành trình lịch sử gốm Việt'

Hà NộiGần 70 hiện vật gốm men đặc sắc trải dài trên hành trình lịch sử hơn 2.000 năm của nghề gốm Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Các hiện vật được nhân viên bảo tàng đưa lên giá trưng bày và đóng hộp kính niêm phong.

Từ ngày 19/11 đến hết tháng 12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam trưng bày chuyên đề "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt". Gần 70 hiện vật trưng bày được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Mô hình nhà là đồ minh khí tùy táng thường gặp trong các mộ gạch, niên đại thế kỷ I - III. Đây là phản ánh thu nhỏ của các kiến trúc nhà và môi trường trên thực tế, có thể bao gồm các tòa nhà, sân, tường bao, nhà kho, giếng nước, chuồng gia súc...

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cách ngày nay hơn 2.000 năm, trên nền tảng truyền thống gốm Đông Sơn, người Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm men tiên tiến đương thời của Trung Hoa (làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đổ khuôn, tráng men và nung với nhiệt độ cao trong lò), phát triển quy mô, tổ chức sản xuất, tạo ra dòng gốm mang sắc thái riêng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục. Đây là những cơ sở, nền tảng để hình thành nên các dòng gốm men phát triển ở các thời kỳ sau đó, đặc biệt là từ thời Lý - Trần.

Bình hình thú, niên đại thế kỷ I-III. Tên của loại bình này là "hổ bình", vì được tạo hình giống con hổ với quai xách trên lưng, miệng hướng lên trên.

Chiếc vò men nâu vàng, niên đại thế kỷ V-VI.

Thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ VI, sản xuất đồ gốm ở khu vực phương Nam có những bước phát triển vượt bậc, xuất hiện một dòng gốm mới đó là gốm men trắng, men trắng xanh được nung với nhiệt độ cao, xương và men gốm cứng. Đây là một cuộc cách mạng trong sản xuất gốm sứ ở tầm mức thế giới.

Việc nghiên cứu khai quật các lò gốm cổ ở Cổ Loa (Hà Nội), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh), Thanh Lãng, Đồng Đậu, Lũng Hòa (Vĩnh Phúc), Tam Thọ (Thanh Hóa) thấy xuất hiện nhiều những mảnh gốm men trắng, men trắng xanh với loại hình phong phú. Do vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng, Việt Nam thời kỳ này cũng đã bắt kịp và trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có thể sản xuất được loại gốm chất lượng cao này.

Bát men lục, thế kỷ XIII - XIV.

Đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần đã phát triển mang tính độc lập, khám phá những đề tài trang trí mang đậm tính bản địa của người Việt, tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Namvới loại hình phổ biến là: liễn, ấm, đài sen, âu, bát, đĩa…. được sản xuất phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng từ cung đình đến dân gian.

Liễn hoa nâu, niên đại thế kỷ XIV. Đây là thời kỳ đã hình thành và phát triển các dòng gốm men phong phú, đa dạng như: gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam.

Đĩa hoa lam nhiều màu, niên đại thế kỷ XV; tìm thấy trong tàu cổ ở Cù Lao Chàm.

Thế kỷ XV - XVII là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được sản xuất nhiều chủng loại có trình độ kỹ thuật cao với các loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ (bát, đĩa, ấm, ang, hộp lư hương, tượng nghê, chân đèn…), dòng men tiêu biểu là hoa lam, nhiều màu, lam xám, với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, mây, nghê... Một số trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng thời kỳ này: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)...

Chiếc chân đèn, hoa lam; niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 4 (1.622).

Tượng nghê, men trắng xanh lục, niên đại thế kỷ XVII.

Kiếm, men trắng, niên đại thế kỷ XVIII của làng gốm Bát Tràng.

Bát Tràng - làng gốm truyền thống từ thế kỷ XIV, là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm vẫn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay. Tiêu biểu của gốm Bát Tràng là các dòng men: men rạn, rạn lam… và chủ yếu là loại hình: đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu người dùng đương thời như: lư hương, ấm, bình vôi, tượng nghê...

Nhân viên bảo tàng cẩn thận đưa các hiện vật vào kệ trưng bày.

Trưng bày “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt" là hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Ngọc Thành