Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E Hà Nội, ngày 20/4 cho biết bệnh nhân không cảm thấy đau hay khó chịu nên ngần ngại không đi khám. Anh hạn chế quan hệ tình dục trong khoảng hai tuần, sau đó quan hệ lại thì thấy tinh dịch bình thường. Tuy nhiên, một tuần sau, hiện tượng này quay trở lại. Lần này, tinh dịch màu đỏ sậm hơn kèm khó tiểu, tiểu ra máu cục, anh hoang mang đến viện khám.
Qua lâm sàng và soi niệu đạo bàng quang, kíp điều trị nhận thấy người bệnh bị giãn vỡ tĩnh mạch niệu đạo. Đây là một bệnh lý ít gặp, thường xuất hiện trong lúc quan hệ tình dục, dương vật cương cứng, các tĩnh mạch căng to (do ứ máu) vỡ ra, khiến xuất tinh và tiểu ra máu.
Bình thường, tinh dịch có màu trắng đục như sữa, hơi đặc dính nhẹ. Do chế độ ăn uống hoặc một số yếu tố tác động, tinh dịch có thể chuyển sang màu vàng ngà. Tinh dịch màu hồng, đỏ khi xuất tinh ra máu, có thể nhận thấy bằng mắt thường. Đôi khi tinh dịch có màu nâu do máu đã hòa lẫn một thời gian và ngả màu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp xuất tinh ra máu đều nhận thấy bằng mắt thường, bác sĩ nhận định. Khi lượng máu trong tinh dịch quá ít, chỉ xét nghiệm tinh dịch để tìm dấu vết hồng cầu và tế bào máu mới có thể phát hiện.
Theo ông Liên, bên cạnh bệnh lý giãn vỡ tĩnh mạch niệu đạo, một số nguyên nhân khác gây xuất tinh ra máu như viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt... Thi thoảng, khối u túi tinh, u tinh hoàn cũng liên quan với tình trạng xuất tinh máu; u máu của niệu đạo đoạn tuyến tiền liệt hoặc của ống dẫn tinh có thể gây xuất tinh ra nhiều máu.
Bác sĩ Liên nhận định, xuất tinh có máu ít khi có cảm giác đau. Khoảng cách giữa các lần cũng không biết trước, từ vài ngày đến vài tháng. Bệnh nhân khi gặp tình trạng này đa phần hoang mang, lo lắng, không đi khám ngay mà thường hạn chế quan hệ tình dục, điều này có thể khiến bệnh tự khỏi sau một vài ngày. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát, thậm chí nặng lên nếu nguyên nhân gây ra chưa được khắc phục. Mặt khác, tinh dịch không có màu đỏ mà lại có màu hơi đen, thường do máu biến chất, nếu không điều trị sẽ gây viêm nhiễm, ảnh hưởng chức năng tình dục và sinh sản.
Với bệnh nhân này, bác sĩ điều trị bằng phương pháp đốt nội soi cầm máu, chỉ định nghỉ ngơi, bất động tại giường, kiêng quan hệ tình dục.
Theo bác sĩ, ở người trên 40 tuổi, bệnh lý này thường diễn biến thành ác tính, kể cả ung thư nên phải được khám chẩn đoán và điều trị phù hợp. Khi phát hiện bệnh lý xuất tinh ra máu, nam giới không nên mặc cảm hay che giấu mà phải đi khám kịp thời, tránh biến chứng.