Anh nói không thể hòa hợp với môi trường công ty và thông báo với người quản lý bằng tin nhắn đồng thời liên tục từ chối thương lượng. "Tôi dành thời gian đó tìm việc mới thì hơn", Hashimoto nói.
Tương tự, Izumi Saito, 22 tuổi, đã nghỉ sau buổi thử việc đầu tiên ở trung tâm luyện thi. Cô ghét bầu không khí huấn luyện nhân viên mới. "Tôi thấy mình bị xem như trẻ con", cô nói.
Saito đăng trải nghiệm của mình trên mạng xã hội và nhận được 800 bình luận đồng tình trong khi bố mẹ cô giận dữ.
Ở Nhật, tình trạng giới trẻ bỏ việc trước khi được nhận chính thức ngày càng phổ biến.
Thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản thấy 30% sinh viên mới tốt nghiệp chọn nghỉ việc trong vòng ba năm. Giữa tháng 4, công ty dịch vụ nghỉ việc ở quận Ota, Tokyo, đã tiếp nhận hơn 110 yêu cầu dừng thử việc của nhân viên mới. Lý do phổ biến là yêu cầu và điều kiện làm việc không như kỳ vọng.
Một công ty tư vấn tuyển dụng ở Tokyo nhận khoảng 15 sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, hơn một nửa số nhân viên mới nghỉ việc sau vài tuần đến vài tháng.
Yamamoto Nana nghỉ việc sau chưa đầy hai tháng vào công ty do bị điều sang bộ phận không mong muốn. Công ty không hỏi cô về vị trí mong muốn.
"Tôi có thể đã ở lại nếu họ cố gắng thỏa hiệp", cô nói. Hiện, cô đã chuyển sang làm freelance để góp phần khẳng định định kiến "nghỉ việc sớm" đã thay đổi.
Hồi giữa tháng 3, một tạp chí chuyên ngành đã khảo sát hiện tượng này, đặt tên cho nó là hiện tượng "Nhận công việc và quẳng nó đi".
Họ phân tích nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hụt lao động của nước Nhật. Sinh viên mới ra trường biết mình được săn đón, khao khát, thậm chí bị tranh giành. Nếu cảm thấy không phù hợp, họ sẵn sàng từ bỏ sau vài ngày thử việc.
Điều này cho thấy sự đối lập với thế hệ lao động trước của Nhật Bản. Giới trẻ không còn hy sinh cho công ty mà ngược lại, họ cũng yêu cầu công ty suy nghĩ cho mình.
Một giám đốc tập đoàn công nghệ thông tin cho biết ngày càng nhiều nhân viên trẻ bỏ việc trước ngày chuyển chính thức. Họ làm đảo lộn mọi kế hoạch nhân sự của doanh nghiệp. "Nếu cần 400 nhân viên mới, tôi phải nhận vào 1.000 người", ông nói. Con số cũng phản ánh số lượng bỏ việc sớm mà ông thường gặp.
Ông Kurita Takayoshi, giám đốc Viện nghiên cứu thuộc công ty dịch vụ nhân sự Recruit, nói lao động trẻ đang muốn giảm những điều không chắc chắn về nơi làm việc của họ.
Họ lo lắng khi nhà tuyển dụng không minh bạch. Ví dụ, họ sẽ làm việc như thế nào, ở đâu và cùng với ai. Điều này buộc các công ty phải thay đổi, cần giao tiếp rành mạch và cẩn trọng trước khi tuyển dụng.
"Nỗ lực này là cần thiết để ngăn nhân viên mới bỏ việc quá sớm", ông nói.
Ngọc Ngân (Theo Japan Today, NHK News)