Vào mùa hè năm 2019, thủy thủ đoàn trên du thuyền Ganesha phát hiện nước biển chuyển thành màu trắng giống như thể họ đang di chuyển qua lớp tuyết. Cả màu sắc và cường độ của quầng sáng đều giống với sao dạ quang dán tường, theo mô tả của một thủy thủ trong nghiên cứu công bố trên tạp chí PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences), Newsweek đưa tin hôm 12/7.
Thuyền trưởng du thuyền quan sát quầng sáng dường như phát ra từ độ sâu khoảng 9 m bên dưới mặt nước. "Biển sữa" là hiện tượng vô cùng hiếm gặp, chỉ mới được ghi nhận qua lời kể của những người đi biển, Steven Miller, giáo sư khoa học khí quyển ở Đại học Colorado, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Thủy thủ đoàn Ganesha chụp được một số bức ảnh chất lượng thấp về biển sữa. Miller sử dụng những bức ảnh này kết hợp với ảnh vệ tinh chụp biển Java phía nam Indonesia trong cùng thời kỳ, từ đó xác định biển sữa trải dài hơn 101.000 km2.
Biển sữa do vi khuẩn phát quang sinh học gây ra, nhưng thay vì phát sáng màu xanh dương hoặc xanh lá cây, chúng phát ra ánh sáng trắng. Những giả thuyết hiện nay dự đoán loại phát quang hiếm gặp này có thể do quan hệ dị dưỡng (ăn chất hữu cơ phân hủy) giữa vi khuẩn và một loại vi tảo. Phản ứng phát quang sinh học được kích hoạt khi đạt tới mật độ tế bào nhất định.
Theo ghi chép về sự kiện, khi thủy thủ đoàn Ganesha múc một xô mẫu vật nước biển sữa và khuấy lên, vầng sáng trở nên yếu hơn. Với các loại phát quang sinh học khác, quầng sáng thường mạnh hơn khi bị khuấy động.
"Cần có điều kiện dinh dưỡng và sức gió phù hợp để dẫn tới phát quang sinh học quy mô lớn kéo dài vài ngày", David Gruber, giáo sư sinh vật học ở Đại học City, New York, cho biết. "Biển Sữa là kết quả của hàng tỷ tỷ vi khuẩn phát quang với mỗi tế bào phát ra vầng sáng tương đối mờ. Khi kết hợp với nhau, quầng sáng của chúng có thể nhìn thấy từ không gian nhờ cảm biến từ xa và trải rộng 15.000 km2".
An Khang (Theo Newsweek)