Chủ nhật, 13/10/2024
Chủ nhật, 13/10/2024, 05:00 (GMT+7)

Hiện trạng xuống cấp ở sân Thống Nhất

TP HCMKhán đài hư hỏng, đường pitch bong tróc, phòng chức năng dột nước, ẩm thấp, sân vận động Thống Nhất được đề xuất sớm sửa chữa để phục vụ hoạt động thể thao ở thành phố.

Thống Nhất là sân vận động lâu đời nhất Việt Nam, xây từ năm 1929 và khánh thành năm 1931. Ban đầu sân được đặt tên là Renault - Chủ tịch Ủy hội thành phố Chợ Lớn thời bấy giờ. Năm 1960, sân có tên gọi mới là Cộng Hòa sau khi nâng cấp. Công trình được đổi sang tên Thống Nhất vào 2/9/1975. Sân có sức chứa gần 20.000 chỗ, cổng chính khán đài A nằm ở đường Nguyễn Kim, khán đài C đường Đào Duy Từ và khán đài D đường Tân Phước, quận 10.

Ngoài việc cho các CLB thuê đá bóng, tổ chức các sự kiện lớn, sân còn là nơi tập luyện của đội điền kinh TP HCM. Hôm 12/10, sân vừa tổ chức thành công vòng loại bảng C AFC Champison League nữ 2024-2025 do CLB nữ TP HCM đăng cai.

Tuy nhiên do lo ngại đổ sập, khán đài B đóng cửa, không đón khán giả từ năm 2023. Người hâm mộ chỉ ngồi ở ba khán đài còn lại.

Lối đi dưới tầng hầm khán đài B, các mảng trần bong tróc, lộ ra khung thép.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn từng chia sẻ rất muốn đưa đội tuyển quốc gia vào TP HCM thi đấu nhưng không thể thực hiện do sân Thống Nhất xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu.

Sau khi sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) hoàn thành năm 2003, các trận đấu của tuyển Việt Nam ở sân lớn nhất thành phố ngày càng thưa thớt.

Tường nứt, thấm và chảy nước dưới lối đi hành lang khán đài B.

Các căn phòng sử dụng cho các vận động viên và nhân viên đều lộ các vết nứt, thấm dột.

Phòng làm việc của một đội bóng thuê hư hỏng, lộ khung sắt, dây điện.

Tại khán đài A, phòng chức năng dành cho các bình luận viên truyền hình nhếch nhác, nhà đài cũng không còn sử dụng.

Dưới khán đài A là các phòng chức năng của Trung tâm thể thao Thống Nhất. Bên cạnh bốn phòng thay đồ cầu thủ, các phòng họp báo, tiếp khách, nhà vệ sinh... còn sử dụng tốt.

Khu vực bàn làm việc của phóng viên ở khán đài A không được sử dụng do ẩm thấp, chảy nước, không sạch sẽ.

Trước tình trạng xuống cấp của sân Thống Nhất, Ban Dân dụng công nghiệp thành phố hôm 20/9 đã kiến nghiệp Sở Xây dựng TP HCM sớm sửa chữa sân, các khán đài A, C, D sẽ được cải tạo công trình chức năng như phòng vận động viên, VIP, thử doping, y tế, vệ sinh... Sân sẽ xây thêm khu khán đài B, C1, D1 với quy mô ba tầng.

Tại khán đài D, hàng rào bảo vệ khán giả gỉ sét, hư hỏng.

Khi thi công dự án, sân xây thêm nhà điều hành xử lý nước thải, nhà tập kết rác, bể nước ngầm sinh hoạt, xử lý nước, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, đèn khu khán đài, cây xanh, thảm cỏ và hệ thống chống sét.

Việc cải tạo sân để đáp ứng nhu cầu đào tạo, thi đấu, huấn luyện vận động viên thành tích cao, phục vụ người dân tập luyện thể thao.

Thảm nhựa xung quanh sân bong tróc từng mảng lớn.

Theo Ban Dân dụng công nghiệp TP HCM, kế hoạch tháng 1/2025 sân vận động sẽ bàn giao mặt bằng để sửa chữa, hoàn thành vào cuối năm, kịp phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026. Tổng kinh phí cải tạo, nâng cấp dự án hơn 149 tỷ đồng.

Vị trí sân vận động Thống Nhất. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

TP HCM có dân số gần 10 triệu người (thống kê năm 2020), là nơi có nhu cầu rất lớn về tập luyện thể dục, thể thao, song các nhà thi đấu còn ít, chưa đáp ứng kịp. Ngoài sân Thống Nhất xuống cấp, thành phố còn có nhiều dự án thể thao chậm trễ kéo dài, điển hình như dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, quy mô 466 ha), nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3)...

Đức Đồng