
Mũi điện tử cho thấy sự hiện diện của các chất thơm. Ảnh: Emma Paolin
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Journal of the American Chemical Society hôm 13/2 cho thấy, sau hàng nghìn năm, xác ướp Ai Cập cổ đại không có mùi khó chịu như nhiều người nhầm tưởng. Nhờ công sức của người ướp, những xác ướp khô quắt vẫn lưu giữ nhiều mùi thơm từ các loại dầu và sáp thơm được sử dụng ban đầu.
"Mùi của xác ướp từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và công chúng, nhưng chưa có nghiên cứu khoa học nào kết hợp giữa hóa học và cảm giác được thực hiện cho đến nay", giáo sư Matija Strlic từ Đại học Ljubljana (Slovenia), tác giả chính của nghiên cứu mới, giải thích. Cùng với một nhóm chuyên gia về khứu giác, Strlic đã phân tích mùi của 9 xác ướp được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, trong đó xác ướp lâu đời nhất tồn tại từ thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập, bắt đầu từ năm 1539 trước Công nguyên.
"Nghiên cứu đột phá này thực sự giúp chúng tôi lên kế hoạch bảo tồn tốt hơn và hiểu rõ hơn về những vật liệu ướp xác cổ đại", ông nói.
Dựa trên báo cáo của nhóm chuyên gia, 78% mẫu vẫn lưu giữ hương gỗ, trong khi 67% mẫu được mô tả là cay và 56% có mùi ngọt. Chỉ 1/3 số xác ướp tỏa ra mùi khó chịu như cũ hoặc ôi, một tỷ lệ tương tự có mùi giống hương trầm.
Ngoài các chuyên gia đánh giá mùi, nhóm nghiên cứu cũng nhờ đến "mũi điện tử" để hiểu hơn về những hợp chất dễ bay hơi tỏa ra từ xác ướp cổ đại. Quá trình này cho thấy sự góp mặt của nhóm chất terpenoid, ví dụ như pinene, limonene và verbenone.
Các hợp chất này chỉ ra, người xưa đã dùng nhựa thông hoặc tùng, mộc dược, nhũ hương, và nhiều loại thực vật khác như cỏ xạ hương, oải hương và bạch đàn cho quá trình ướp xác. Ngoài ra, sự hiện diện của hợp chất hữu cơ borneol có thể xuất phát từ việc sử dụng long não.
Sử dụng phương pháp sắc ký khí và khối phổ, nhóm nghiên cứu phân tách các hợp chất thơm thành những chất sinh ra từ vật liệu ướp xác, chất từ dầu thực vật và thuốc diệt côn trùng được thêm vào trong quá trình bảo tồn thời hiện đại, chất sinh ra từ nấm mốc và vi sinh vật. Nhìn chung, họ nhận thấy xác ướp trưng bày thường có mùi mạnh và phức tạp hơn xác ướp được cất giữ, có thể do sự tích tụ của những hợp chất dễ bay hơi trong tủ trưng bày.
Dựa trên phát hiện mới, nhóm nghiên cứu đề xuất rằng "di sản mùi" nên được coi là một phần quan trọng trong giá trị văn hóa, lịch sử và khảo cổ của xác ướp Ai Cập cổ đại, đồng thời kêu gọi các bảo tàng nỗ lực bảo tồn những mùi hương cổ xưa này.
Thu Thảo (Theo IFL Science)