Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ bảy, 9/9/2023, 09:00 (GMT+7)

Hiện trạng khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Hơn 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực tế chỉ có 900 ha đất có rừng, phần lớn còn lại là bãi bồi, mặt nước, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình.

Khu rừng đặc dụng tại ba xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú (tả ngạn cửa Ba Lạt) được tỉnh Thái Bình thành lập năm 2014 theo Quyết định 2159 với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Rừng ngập mặn nơi đây phân tán, chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định. Tháng 4/2023, tỉnh Thái Bình ban hành quyết định xác định diện tích rừng đặc dụng còn 1.320 ha.

Tuy nhiên, ông Đinh Vĩnh Thuỵ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết trên thực tế diện tích rừng đặc dụng chỉ còn hơn 900 ha do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Biển thông báo "Khu vực bảo tồn nghiêm ngặt" được cắm tại xã Nam Thịnh.

Do đặc thù của vùng cửa sông nên khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, tỉnh Thái Bình không phân khu chức năng như các khu khác mà toàn bộ diện tích được xác định thuộc diện bảo tồn nghiêm ngặt.

Diện tích khu bảo tồn 12.500 ha, trong đó có hơn 1.400 ha rừng đặc dụng, còn lại hơn 11.000 ha là đất bãi bồi, đất ngập nước không có rừng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình.

Tháng 12/2004, hơn 105.000 ha diện tích đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, gồm các vùng đất phía nam duyên hải Bắc Bộ nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình (thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình), được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển. Khu dự trữ có hai vùng lõi là Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Rừng ngập mặn ở Thái Bình hình thành trong điều kiện đất mặn không thoáng khí, bị gley hoá (xảy ra trong môi trường đất ngập nước lâu năm) nên chia thành: Rừng sú thuần loài có nguồn gốc tự nhiên được phân tán từ rừng tự nhiên, rừng trồng lấn biển ở Quảng Ninh từ trước những năm 1980 và rừng trang thuần loài, trồng lấn biển từ những năm 1990.

Đây là khu vực trú ẩn, ngủ đêm, làm tổ và nơi đậu của hầu hết loài chim có trong khu vực. Các loài chim di cư ban ngày thường kiếm ăn ở bãi bồi, ban đêm về rừng trú ngụ.

Theo kết quả nghiên cứu khi thành lập khu bảo tồn năm 2014, có 116 loài thực vật thuộc 99 chi, 42 họ; 113 loài côn trùng; 107 loài cá thuộc 44 họ, 12 bộ; lưỡng cư, bò sát có 37 loài, 215 loài chim, thuộc 31 họ, 14 bộ.

Dọc tuyến đê bao biển qua ba xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú có thể thấy nhiều cây ngập nước bị chết khô.

Người dân bắt tép xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Trên địa bàn xã Nam Thịnh có 40 hộ nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 190 ha. Ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho biết gần 7.000 nhân khẩu của xã chỉ có khoảng 300 người thường xuyên ra khu vực rừng ngập mặn bắt cáy, cá.

Nguồn thu nhập từ việc đánh bắt này thấp, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sống qua ngày của một số người dân.

Dọc đê bao biển qua ba xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú có hàng trăm đầm nuôi thuỷ sản. Một hộ nuôi tôm 20 năm tại xã cho biết từ năm 2017, chính quyền địa phương không còn ký hợp đồng cho thuê đất với các hộ dân nuôi trồng thủy sản.

Dù đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, song hộ này nói đang phải nuôi cầm chừng do đất có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, bởi vậy một số diện tích ao nuôi bị bỏ không. "Chúng tôi như ngồi trên đống lửa", hộ này nói.

Tỉnh Thái Bình cắm cột mốc xác định khu vực nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao trên chính vị trí các đầm nuôi hiện có. Vị trí ranh giới giữa khu rừng ngập mặn và khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ mới chỉ được xác định trên bản đồ, chưa cắm mốc trên thực địa.

Mặc dù giáp biển nhưng hoạt động du lịch ở ba xã nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tương đối đìu hiu. Tại khu du lịch Cồn Vành ở xã Nam Phú chỉ có một vài căn nhà lá, vắng bóng du khách.

Theo quy hoạch, diện tích khu rừng đặc dụng sẽ là 1.320 ha, trong đó diện tích có rừng ngập mặn 632 ha, diện tích đất chưa có rừng 688 ha.

Tháng 4/2023, tỉnh Thái Bình ban hành văn bản xác định ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, theo đó, diện tích mới chỉ còn 1.320 ha so với 12.500 ha trong quy hoạch trước đó của chính tỉnh này. Phần diện tích chuyển đổi sẽ được xây dựng thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.

Quy hoạch khu vực rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình giữ lại và quy hoạch khu đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành- Cồn Thủ, nuôi trồng thuỷ sản. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

Việc quy hoạch phân khu liên quan đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải gặp phải phản ứng của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vì không xin ý kiến cơ quan quản lý, đồng thời áp dụng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không đúng quy định.

Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình cho rằng số liệu không thống nhất dẫn đến việc "hiểu không đúng" phần diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải được chuyển đổi làm khu kinh tế. Tỉnh sẽ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định lại diện tích khu bảo tồn trên thực địa.

Khu bảo tồn
 
 

Hiện trạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Video: Ngọc Thành

Ngọc Thành - Gia Chính - Phạm Chiểu