Thứ bảy, 24/8/2024
Thứ sáu, 10/3/2023, 16:45 (GMT+7)

Hiện trạng dự án du lịch FLC xin trả lại

Thanh HóaSau gần 7 năm vận hành, dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn xuống cấp, nhà đầu tư là Tập đoàn FLC xin trả lại cho chính quyền.

Dự án cải tạo tuyến bờ biển phía đông đường Hồ Xuân Hương từ resort Vạn Chài đến chân đền Độc Cước dài 3,5 km, do UBND thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 165 tỷ đồng. Tập đoàn FLC trúng thầu, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).

Đi vào khai thác từ giữa năm 2016, dự án được giới thiệu do kiến trúc sư nổi tiếng nước ngoài thiết kế với mục tiêu cải tạo nơi này thành khu vực bờ biển hiện đại, tiện ích và hấp dẫn bậc nhất Việt Nam.

Theo thiết kế ban đầu, dọc bờ biển sẽ có các hubway - nhà hàng, công trình trải dọc bờ biển cung cấp đầy đủ dịch vụ cho du khách như quầy bar, cà phê, đồ ăn nhanh, massage, chăm sóc y tế. Đến nay, FLC mới hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật, gồm 14/14 hubway, 14/17 công trình tắm tráng trong nhà, 12/18 công trình tắm tráng ngoài trời và một khu vui chơi giải trí. Giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 100 tỷ đồng.

Trong ảnh là quầy hubway 5 đóng cửa, phía sau chất đầy ghế ngồi, bảng hiệu, mái che.

Sau 7 năm, các quầy bar, nhà vệ sinh, nhà tắm hư hỏng, nhiều khu phải khóa cửa quanh năm.

Bà Nguyễn Thị Bốn, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, cho hay cách đây 5 năm gia đình bà nhận thầu lại hubway số 10, song kinh doanh khó khăn, một phần ảnh hưởng dịch Covid-19. "Công trình xuống cấp nhiều lắm nên mỗi năm dịp hè tôi phải đầu tư cả tỷ đồng mới hoạt động được", bà Bốn nói.

Hệ thống tắm tráng ngoài trời hầu hết đã hư hỏng, nhiều khu mất hết vòi sen, nhưng không được bảo dưỡng, thay thế.

Tại khu nhà tắm tráng số 5, cửa phòng vệ sinh bị khóa, phía ngoài thành nơi chích hút của người nghiện và chứa phế thải.

Khu vui chơi trẻ em nằm khoảng giữa tuyến đường Hồ Xuân Hương được đầu tư sơ sài, chỉ phục vụ rất ít du khách dịp hè.

Ven đường Hồ Xuân Hương trước đây chủ yếu trồng phi lao. Khi làm dự án, đơn vị trúng thầu đã chặt bỏ và trồng thay thế bằng nhiều loại như dừa, bàng hay lộc vừng. Một số cây không chịu được môi trường nước mặn đã chết khô, trơ trụi cành.

Đường ống dẫn nước sạch trước đây được chôn ngầm, hiện bị nứt gãy, trồi lên mặt cát ở khu vực bãi tắm C, thuộc phường Trường Sơn.

Phần đá ốp lát dọc bờ biển bị bong tróc, gãy vỡ, nhưng chưa được tu sửa.

Nhiều hố ga, hố cáp điện và viễn thông hạ ngầm dọc đường Hồ Xuân Hương bị mất nắp, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện lưu thông.

Lấy lý do "kinh doanh không hiệu quả do lợi nhuận gộp âm", Tập đoàn FLC đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép bàn giao công trình cho UBND TP Sầm Sơn quản lý, khai thác.

Dãy lan can ven biển gần resort Vạn Chài bị hoen gỉ do nước biển ăn mòn.

Ngày 10/3, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chủ tịch tỉnh đồng ý cho FLC bàn giao các hạng mục công trình đã đầu tư cho TP Sầm Sơn quản lý và không phải hoàn lại kinh phí nhà đầu tư đã bỏ ra.

Hiện các sở Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Sầm Sơn được giao lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra hiện trạng nhằm định giá tài sản, thanh lý hợp đồng và xây dựng phương án sử dụng các công trình này hiệu quả.

Dự án 165 tỷ nhếch nhác
 
 

Không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Sầm Sơn hiện nay. Video: Lê Hoàng

Lê Hoàng