Món quà bất ngờ được người hâm mộ ném lên sân khấu ở Boise nhưng vô tình trúng mặt Ballerini, khiến cô mất vài phút để trấn tĩnh trước khi tiếp tục biểu diễn.
"Ai đó đã ném chiếc vòng tay lên và vô tình đập vào mắt tôi. Thú thực tôi sợ hơn là đau nhưng mọi thứ hiện đã ổn", nữ ca sĩ viết trên trang cá nhân sau sự kiện.
Có mặt tại buổi diễn, khán giả Ashley Highfill, 30 tuổi, nói rằng Ballerini có vẻ rất khó chịu. Nhưng điều này không khiến cô bất ngờ bởi nhiều buổi biểu diễn (concert) khác từng tham dự cũng xảy ra những sự việc tương tự.
"Những thứ được ném lên sân khấu có thể rất nguy hiểm. Họ (người hâm mộ) không có ý định xấu nhưng lại thể hiện tình yêu quá cuồng nhiệt và không lường trước hậu quả sẽ xảy ra với thần tượng", Highfill nói.
Cũng trong ngày hôm đó, rapper Sexyy Red cũng phải dừng buổi biểu diễn sớm hơn dự định khi người hâm mộ liên tục ném chai nước lên sân khấu để thể hiện sự hâm mộ.
Morgan Milardo, giám đốc điều hành Học viện âm nhạc Berklee ở Boston (Mỹ), cho biết một số địa điểm đã có biển yêu cầu người hâm mộ "không phấn khích" hoặc "không chen lấn", nhưng giờ đây cần thêm biển báo "không ném đồ vật lên sân khấu" để bảo vệ các nghệ sĩ.
"Ý nghĩa ban đầu của các buổi hòa nhạc là tạo ra không gian chung để mọi người được gặp gỡ, chia sẻ sự kỳ diệu của âm nhạc thay vì tạo ra những mối hiểm họa cho nhau", Morgan bày tỏ.
Xã hội hiện đại dần mất đi các câu lạc bộ hâm mộ trực tiếp khi mạng xã hội phát triển. Ngày nay, khán giả dễ dàng tương tác trực tuyến hoặc liên tục cập nhật thông tin từ thần tượng qua các tài khoản cá nhân. Nhưng Laurel Williams, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Y Baylor (Mỹ), e ngại điều này tạo ra cảm giác kết nối sâu sắc, gần gũi ảo khiến nhiều người hâm mộ có hành vi quá khích.
Như tại buổi diễn tại London (Anh) của Pink, nữ ca sĩ người Mỹ hồi cuối tháng 6, trong lúc cô trình bày ca khúc Just like a pill một người hâm mộ đã ném túi đựng tro cốt lên sân khấu.
Theo video ghi lại, Pink đã nhặt chiếc túi và quay lại hỏi "Đây là mẹ của cậu?". Trước lời xác nhận từ người này, nữ ca sĩ tỏ vẻ bối rối và từ từ đặt chiếc túi đựng tro cốt của người đã khuất xuống kèm lời chia sẻ "Tôi không biết nên cảm thấy thế nào về việc này".
David Schmid, chuyên gia về văn hóa đại chúng tại Đại học Khoa học và Nghệ thuật Buffalo, cho biết ý tưởng tung các vật phẩm lên sân khấu trong lịch sử bắt nguồn từ chữ "fan" (người hâm mộ). Đây là viết tắt của từ cuồng tín (fanatic), khi nhiều người có xu hướng coi thần tượng như những vị thần đáng kính. "Do đó, họ sẵn sàng coi sân khấu giống như khu vực linh thiêng và những đồ vật được ném lên sân khấu là đồ cúng tế", Schmid nói.
Tuy nhiên, vai trò của mạng xã hội dần thay đổi bản chất của các món đồ được tung lên sân khấu. Thay vì ném thiệp, hoa, một số sẵn sàng ném điện thoại di động lên sân khấu, hy vọng người biểu diễn sẽ cầm lên và chụp chung một bức ảnh.
Và tất nhiên, không phải mọi đồ vật đều vô hại với các nghệ sĩ. Một người đàn ông ở Mỹ bị bắt hôm 18/6 sau khi ném điện thoại di động vào mặt ngôi sao nhạc pop Bebe Rexha vì muốn tạo không khí vui vẻ.
Sau sự kiện, nữ ca sĩ chia bức ảnh chụp đôi mắt thâm quầng, gương mặt bị băng bó lên trang cá nhân. "Mặc dù buổi biểu diễn kết thúc một cách đáng tiếc nhưng chúng vẫn rất tuyệt vời và tôi hoàn toàn ổn," Rexha viết trên trang cá nhân.
Các nam nghệ sĩ cũng không ngoại lệ khi liên tục nhận được đồ lót, động vật sống, đồ ăn lên sân khấu. Đáng chú ý, những hành vi như trên ngày càng trở nên phổ biến buộc nghệ sĩ và đơn vị quản lý phải tìm cách tăng cường an ninh.
Paul Wertheimer, người sáng lập hệ thống quản đám đông Crowd Management Strategies/Crowdsafe có trụ sở tại Mỹ, cho biết các nghệ sĩ buộc phải ra yêu cầu những đồ dùng được và không được mang vào buổi biểu diễn. Sau đó, nhân viên an ninh cùng hệ thống giám sát sẽ tiếp tục rà soát khán giả từ cổng vào.
"Sân khấu là nơi thu hút mọi ánh nhìn, khiến ai đó được tỏa sáng nhưng cũng là nơi dễ bị tổn thương nhất", Schmid nói.
Minh Phương (Theo AP)