Trào lưu "Garlic in nose" (nhét tỏi vào mũi) bắt nguồn từ phương Tây khoảng tháng 7/2020, nhưng thời gian gần đây được hưởng ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội TikTok.
Hàng loạt TikToker liên tục chia sẻ video cách dùng hai tép tỏi tươi bóc vỏ, cắt đầu, nhét vào mũi, sau 10-15 phút lấy ra khiến dịch nhầy trong mũi ào ạt chảy ra. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng đây là cách làm giảm viêng xoang, nghẹt mũi.
Khi tìm kiếm hashtag #GarlicInNose trên nền tảng này cho kết quả hơn 94,9 triệu video.
Một nữ bác sĩ mới vào nghề chuyên điều trị các bệnh về mũi còn đăng tải video và cho rằng nhét tỏi vào mũi rất hữu hiệu, "mẹo này không gây nguy hiểm mà còn làm sạch xoang mũi". Video nhanh chóng thu hút hơn 21,5 triệu lượt xem.
"Nhưng đây không phải là cách điều trị viêm xoang hiệu quả. Ngược lại còn làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng và tổn thương khoang mũi", phó giáo sư Erich Voigt, công tác tại Khoa Tai - Mũi - Họng của bệnh viện NYU Langone Health (New York) nói.
Phó giáo sư phân tích, nhét tỏi tươi vào mũi khiến cơ thể nhanh chóng sản sinh ra chất nhầy để đẩy tép tỏi và các thành phần hoá học có trong tỏi ra ngoài. Các chất nhầy mới này sẽ tồn tại trong mũi với dịch đờm vón cục, không thể thoát ra do mũi bị bịt kín.
"Hiểu một cách đơn giản, lượng dịch nhầy chảy ra ngoài khi rút hai tép tỏi, bạn thấy trong các video chỉ là lượng chất sinh ra do phản ứng của cơ thể. Không phải dịch nhầy do vi khuẩn hoặc virus có từ trước", ông Erich nói. Chưa kể nhét tỏi vào mũi rất dễ khiến da bị kích ứng, bỏng rát, chảy máu, bỏng khoang miệng và nhiễm trùng xoang nặng.
"Trong tỏi còn chứa các chất hoá học, rất dễ gây ra các phản ứng dị ứng, viêm da, kích ứng niêm mạc do màng nhầy. Đáng chú ý một miếng tỏi nếu kẹt trong khoang mũi quá lâu có nguy cơ gây nhiễm trùng nặng, buộc phải phẫu thuật", ông giải thích.
Để làm sạch mũi, ngăn chặn tình trạng viêm xoang, bác sĩ Erich đề xuất bệnh nhân nên xông mũi bằng nước muối sinh lý để đẩy chất nhầy ra ngoài, ít gây tổn thương mũi. Riêng với người đang vật lộn với chứng tắc mũi, mất khứu giác do Covid-19, ông khuyên dùng tinh dầu và nước hoa có mùi cam, chanh, bã cà phê hoặc hoa oải hương để phục hồi khứu giác. "Nhưng chắc chắn không phải là tỏi", phó giáo sư nhấn mạnh.
Minh Phương (Theo Nypost)