Người bà con ở Thanh Hóa có vẻ ngoài khắc khổ, tuổi gần 40, kể lại câu chuyện cách đây gần 30 năm. Cha cô nghiện thuốc lào từ hồi trẻ, lấy vợ rồi ông vẫn hút nhiều, mỗi ngày mấy chục điếu. Một hôm cô đi chơi về, thấy cha đang ôm cổ, mồm há hốc cố thở nhưng không được, mắt trợn tròn lên với tay về phía cô một cách tuyệt vọng. Cô bé 10 tuổi chưa kịp hiểu chuyện gì, ông đã ngã vật xuống, bên cạnh cái điếu cày nghi ngút khói. Cô la lên, hàng xóm chạy sang thì đã muộn, ông đã chết do sặc khói thuốc.
Người già hút thuốc lào đã đành, nhưng học sinh, sinh viên hút thuốc lại đang trở thành một hiện tượng phổ biến. Một sinh viên lý luận: “Hút thuốc lào nâng cao... sĩ diện! Đang là sinh viên, có cái gì để sĩ diện ngoài cái này! Cứ ngồi quán cóc thỉnh thoảng rít cho kêu vào xem, khối thằng nhìn bằng con mắt kính nể...!”.
Cùng suy nghĩ như vậy, Nguyễn Văn Tú quê ở Vĩnh Phúc đã mang “sĩ diện” và tuổi trẻ về thế giới bên kia. Thi trượt đại học năm đầu, cậu lên huyện ôn thi. Ở đây, cậu chứng kiến các anh hút thuốc lào tại quán cóc. Thấy hay hay, cậu thử hút, lần đầu ho sặc sụa, nước mắt chảy ra như khóc. Được đàn anh “động viên”, cậu đã biết thế nào là say thuốc lào trong một buổi sáng trước khi đi học thêm. Mắt mờ, đầu óc choáng váng, cậu nằm vật xuống chiếc ghế, mồ hôi nhỏ từng giọt trên trán, tim đập dồn dập. Năm phút sau cậu tỉnh lại, cảm thấy ơn ớn cơn say kiểu như vậy, nhưng một tuần sau, Tú vác một cái điếu cày về phòng. Một buổi sáng, cậu nén thuốc thật chắc, kéo bật gas to hết cỡ rồi châm thuốc. Cậu đang rít sâu nửa chừng thì anh bạn cùng phòng vòng ra phía sau đập mạnh vào lưng cậu. Ngay lập tức Tú bị sặc khói, không thở được, ngã lăn ra sàn nhà, ú ớ... Cậu bạn thấy vậy, tưởng Tú đùa, càng cười to hơn. Tiếng cười tắt khi cậu không thấy Tú ngồi dậy, mà ôm cổ cố thở ra một lúc rồi trợn mắt lên, không giãy giụa nữa. Cậu bạn tá hỏa kêu người đến thì đã muộn.
Chị Mai Thị Hà ở Minh Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, từ bé đã quen với mùi khói khi ngồi trong lòng người cha nghiện thuốc lào nặng. Lớn hơn một chút, khi cả nhà đi vắng, chị lôi điếu cày ra thử, lần đầu sặc, lần sau say quá chị nằm luôn ra sàn nhà nhưng 5 phút thì tỉnh dậy. Thay vì sợ, chị lại thấy thú vị với cảm giác đó và chị đã nghiện thuốc lào.
Khi chị lấy chồng, chàng rể nhìn thấy mấy vết sẹo trên người chị. Hỏi ra chị khai là do một số lần say thuốc lào bị ngã. Anh bắt chị bỏ thuốc lào nhưng chị vẫn lén lút hút khi chồng đi vắng. Một lần đang nấu bếp, thèm thuốc quá, chị lấy cái điếu giấu trên gác bếp xuống. Chị nhồi một viên thuốc thật lớn vào điếu rồi lấy que củi châm thuốc. Say thuốc quá, chị ngã ra, tay cho luôn vào bếp lửa đang cháy. Khi chị lôi tay ra thì nó đã phỏng nặng rồi. Chị bèn nhúng tay vào bình nước mắm. Đúng lúc đó, chồng chị gọi đi bốc phân chuồng lên xe để chở ra ruộng. Chị không dám nói với chồng mà cứ chịu đau làm việc.
Ngày hôm sau, vết phỏng đã bị nhiễm trùng nặng, vì sợ chồng mắng nên chị chỉ bôi qua loa ít thuốc. Một thời gian ngắn sau, vết nhiễm trùng bị hoại tử, lúc này chị mới nói thật với chồng con rồi lên bệnh viện. Các bác sĩ đã phải tháo khớp 2 đốt ngón trỏ và 1 đốt ngón cái. Bàn tay phải của chị bây giờ trông dị dạng.
Sau khi lấy chồng, vì ngại nên thỉnh thoảng chị Nguyễn Thị Hiền Nga mang điếu ra chái nhà bếp hút cho thỏa cơn thèm. Nhưng điếu cày có tiếng rít. Ngồi trong nhà, chồng cũng phát hiện và mắng chị. Anh không hiểu rằng lỗi không hoàn toàn do chị, cái ấy còn do sức hấp dẫn của điếu cày, của tuổi thơ nghe tiếng điếu và đùa nghịch với làn khói trắng hư ảo mỗi lần bố chị ngồi hút. Chồng cấm, còn chị vẫn thỉnh thoảng lò dò như trộm để hút. Một lần bên bếp lửa cháy lớn đang đun nồi cám lợn, chị say thuốc ngã vào đó. Chị bị phỏng quá nặng nên đã không qua khỏi...
Những trường hợp trên đây chỉ là hãn hữu trong số đông người hút thuốc lào. Dẫu sao, thuốc lào vẫn đã và đang là thú thưởng thức của nhiều người.
(Theo Người Lao Động)
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.