Mặt hàng sữa tắm Leivy Naturally (nhãn hiệu con dê) có đến hơn 10 sản phẩm giả, nhái, giống hệt về kiểu dáng, mẫu mã. Ảnh: Lệ Thanh. |
Chị Thanh không phải là nạn nhân hiếm hoi của tình trạng mỹ phẩm giả, nhái, giá rẻ, khi thị trường xuất hiện tràn lan sản phẩm làm đẹp kém chất lượng. Nói như Thanh Lan, ở quận 1, TP HCM, nếu ai cũng mua được một chai nước hoa Chanel số 5 ở ngoài chợ với giá 75.000 đồng trong khi giá trị thật không dưới 2 triệu đồng (50 ml), thì tình trạng bôi vào người ngứa toàn thân là điều hiển nhiên.
"Tôi cất công tìm hiểu đường đi của những chai nước hoa giá rẻ đến không tưởng này, tìm đến tận cơ sở pha chế ở quận Bình Tân nên biết họ dùng chiêu 'bình cũ rượu mới', tức là mua vỏ chai nước hoa về pha hương liệu hóa chất đổ vào rồi bán", chị Lan tiết lộ.
Còn chị Mỹ, mua cây son hiệu Revlon ở chợ Thị Nghè giá 35.000 đồng. Người bán cho biết hàng được nhân viên tuồn ra ngoài để bán. Cây son không ghi thời hạn sử dụng. Dùng một thời gian, môi của chị Mỹ bị thâm đen. Đến bệnh viện, trải qua nhiều xét nghiệm không có bệnh, bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể do cây son mà chị đang dùng kém chất lượng gây đen môi. Người phụ nữ này mang son đến cửa hàng Revlon để khiếu nại mới biết không phải hàng chính hãng mà là sản phẩm nhái xuất xứ từ Trung Quốc.
Tác hại của mỹ phẩm giả, nhái, theo các bác sĩ là khôn lường, vì được dùng trực tiếp lên da, đặc biệt những vị trí da vốn rất nhạy cảm như mặt, tai, môi... Bác sĩ Phạm Hồng Hải, Phó giám đốc Bệnh viện da liễu TP HCM khuyến cáo, mỹ phẩm nhái, giả, trước hết không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp. Nguy hiểm hơn, trong những mỹ phẩm giả thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng và làm tổn thương da, khiến bị nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí làm mủ.
Bác sĩ Hải cảnh báo: "Nặng hơn, da có thể bị nhiễm độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân, đến mức người dùng phải nhập viện, nhiều trường hợp để lại di chứng về sau, hoặc điều trị kéo dài không hết".
Theo khảo sát của VnExpress.net, tại các chợ Kim Biên, chợ Bình Tây (quận 5)... những mặt hàng mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán với giá rẻ bất ngờ. Từ nước hoa có nhãn mác của hãng Calvin Klein, Chanel, Lancome, Dolce&Gabbana... đến kem dưỡng da, son, phấn, sữa tắm của Lancome, Revlon, Sheseido, Debon... bán rẻ hơn 20-40% so với giá chính hãng.
Một chủ hiệu ở chợ Kim Biên thừa nhận, các loại mỹ phẩm này đều là hàng giả, nhái, tập trung tại các chợ đầu mối, sau đó sẽ len lỏi vào chợ lẻ và chợ tự phát gần khu công nghiệp, trường học... bán với giá chỉ bằng 1/3-1/5 giá hàng thật. Ví dụ, mặt hàng sữa tắm Leivy Naturally (nhãn hiệu con dê) có đến hơn 10 sản phẩm giả, nhái, giống hệt về kiểu dáng, mẫu mã và có cả tem chống hàng giả, giá bán.
Trong hội thảo "Cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả ngành mỹ phẩm - Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" diễn ra mới đây tại TP HCM, bà Trương Thị Tuyết Mai, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, công an quận 12 cũng vừa niêm phong hơn 2.200 hộp mỹ phẩm giả các hiệu: See Na, Young One, Mena, Ache, Extra Pearl Cream, Deetae, PC... Hàng trăm chai sữa tắm, dầu gội mang nhãn hiệu White Care, Feira Ros...cùng hàng chục vỏ chai chứa thành phẩm cũng đã bị tịch thu tại khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12.
Đại diện Công ty Mỹ phẩm LG ViNa thì cảnh báo, mỹ phẩm giả đang có mặt khắp nơi trên thị trường. Tại TP HCM tập trung chủ yếu ở chợ đầu mối Kim Biên, còn ở Hà Nội có nhiều trong chợ Đồng Xuân. "Thậm chí hàng giả còn len lỏi vào tận các hội chợ, triển lãm, xuất hiện ở chợ lẻ, chợ tự phát gần khu công nghiệp hay trường học... với số lượng lớn", đại diện LG Vina cho biết.
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng mỹ phẩm giả trên thị trường nhưng chắc chắn số lượng và số nạn nhân của nó là không nhỏ. Thực trạng này khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng không khỏi lo ngại.
Theo lãnh đạo Chi Cục Quản lý Thị trường TP HCM, quy định pháp luật, kinh doanh hàng giả trị giá trên 30 triệu đồng có thể bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Nếu mặt hàng giả là mỹ phẩm, thực phẩm, xi măng...mức phạt cao nhất 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt này vẫn được xem là chưa đủ "liều" đối với hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả. Luật sư Trần Hải Đức, Trưởng văn phòng luật sư Trần Hải Đức khẳng định, các cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm và xử phạt hành chính hành vi kinh doanh, sản xuất hàng giả do chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội người tiêu dùng TP HCM nhận định, hiện việc sử dụng tem chống hàng giả lại được xem là biện pháp hữu hiệu nhất trong chống, kiểm tra hàng giả. Tuy nhiên tem chống hàng giả cũng bị làm giả, trong khi giá tem thật lại quá cao nên doanh nghiệp khó sử dụng. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách trợ cấp tem thật.
"Có như vậy mới mong hạn chế được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp", ông Hùng nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu hành vi tiêu dùng trong vòng một năm kể từ tháng 6/2009 do Báo Sài Gòn Tiếp Thị công bố cách đây khoảng 2 tuần cũng cho thấy, có đến 98% (trong tổng số 400 người được hỏi) tỏ ra quan ngại về hàng dỏm, hàng nhái và quá đát. Hầu hết người tiêu dùng chỉ tin vào những trải nghiệm của bản thân với tâm thế "tự cứu lấy mình" khi mua hàng.
Lệ Thanh