Cục Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) cho biết số vụ suýt va chạm giữa thiết bị bay không người lái (drone, flycam) với máy bay chở khách đã tăng mạnh từ năm 2014 tới nay. Tính tới tháng 8/2016, đã có ít nhất 650 vụ việc được báo cáo tại Mỹ. Sân bay Dubai (UAE) cũng đã phải liên tục đóng cửa vì phát hiện flycam ở khu vực xung quanh, theo Popular Mechanic.
Chuyên gia Mỹ và Anh đang tái tạo những tình huống chết người như vậy. Hàng loạt nghiên cứu mới được thực hiện bởi FAA và EASA, tổ chức đồng cấp của châu Âu, có mục đích tìm cách ngăn chặn các thảm họa trước khi chúng xảy ra trong thực tế.
Sức tàn phá khủng khiếp đối với động cơ
Nhiều người tin rằng drone chỉ gây hư hại nhất định cho máy bay, tương tự những con chim bình thường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Tech) cho thấy chúng có khả năng hủy tàn phá cao hơn nhiều đối với máy bay thương mại và trực thăng bay thấp.
Drone được chế tạo từ các vật liệu đặc và bền chắc hơn xương thịt của chim. Thử nghiệm mô phỏng cho thấy con chim dễ dàng bị nghiền nát bởi các lá cánh động cơ, nhưng thiết bị bay điều khiển từ xa thì không.
"Chim có thể bị phân rã rất nhanh. Bạn sẽ thấy một khối chất lỏng đặc thoát ra từ động cơ. Nhưng drone giống một khối đá cứng bị hút vào động cơ", theo Javid Bayandor, phó giáo sư tại phòng nghiên cứu của Virginia Tech.
Mô phỏng va đập giữa drone và động cơ máy bay
Chúng có thể gây thiệt hại ngay lập tức, khiến lá cánh động cơ bị biến dạng, gãy hoặc vỡ vụn. Ngay cả khi không có thiệt hại tức thì, động năng của các loại drone cỡ lớn có thể làm động cơ mất cân bằng. Quá trình này dẫn tới việc khối động cơ bị phá hủy, kéo theo đó là vùng cánh máy bay.
Động cơ hiện đại có thể chịu được va chạm của một số vật thể lạ, lớp vỏ có tác dụng như lá chắn bảo vệ thân máy bay khỏi các mảnh vỡ tốc độ cao, nhưng chúng không được thiết kế để chịu thiệt hại do drone gây ra. Tuy vậy, động cơ không phải thứ duy nhất bị đe dọa bởi va chạm với thiết bị bay không người lái.
Hư hại đối với mũi máy bay
Giai đoạn máy bay dễ gặp tai nạn do va chạm nhất là trong quá trình cất và hạ cánh. Các nhà khoa học Anh đã thử bắn phá mũi máy bay dân dụng bằng nhiều vật thể khác nhau ở tốc độ 320 km/h.
Thử nghiệm với drone cho thấy nó khó có thể làm hư hại kính chắn gió buồng lái, nhưng phần nắp che radar mũi máy bay (radome) rất dễ bị phá hủy. Những con chim chỉ va vào radome và nảy ra, trong khi một chiếc flycam có cùng trọng lượng sẽ găm thẳng vào mũi máy bay, thậm chí là xé rách phần radome.
Các loại pin hiện đại rất dễ bốc cháy nếu bị hư hại. Nếu drone va phải mũi máy bay, nó có thể bắt lửa và gây cháy lan ra các bộ phận quan trọng ở khu vực này.
Rất nhiều biện pháp cần được triển khai để tránh các thảm họa tiềm tàng, như kiểm soát đường bay, cấm thiết bị bay không người lái hay lắp đặt thiết bị cảnh báo va chạm. Tuy nhiên, tai nạn vẫn là không thể tránh khỏi. Phó giáo sư Bayandor cho rằng động cơ máy bay tương lai sẽ phải thiết kế để chống chịu va đập với drone.
Tử Quỳnh