Thời điểm xảy ra sự việc là tuần cuối cùng của tháng 12/2022. Trong lúc mẹ nấu cơm dưới bếp, nam sinh 17 tuổi, ở Hải Dương lén lấy chày cối, cầm bọc nilon đựng các loại hóa chất mua trên mạng để làm thuốc pháo.
Hùng nói, chưa từng nghịch pháo nhưng vài lần tình cờ thấy trên mạng có những video hướng dẫn cách làm rất đơn giản, nguyên liệu là những hóa chất thông thường, dễ mua nên tò mò thử. "Năm nay cuối cấp, tốt nghiệp em sẽ đi nghĩa vụ quân sự nên muốn chơi lớn", Hùng kể.
Chỉ mất vài ngày, Hùng đã có đủ nguyên liệu như hướng dẫn. Sau khi cân đong liều lượng các hóa chất, nam sinh đổ tất cả vào cối, dùng chày giã nhuyễn để tạo hỗn hợp bột màu trắng. Nhưng vừa giã được vài lần, Hùng hốt hoảng thấy khói bốc lên nghi ngút. Nhìn xuống hai bàn tay đã cháy đen, da nứt toác, cảm nhận sự bỏng rát lên toàn thân, mặt có triệu chứng sưng phù, cậu hoảng sợ, đạp đổ cối giã, liên tục gọi mẹ kêu cứu.
Nam sinh được chuyển từ bệnh viện tỉnh Hải Dương lên Hà Nội trong tình trạng gương mặt phù nề, mặt và ngực bị bỏng cấp độ 2. Riêng hai tay, vai tiếp xúc trực tiếp với thuốc pháo bị bỏng cấp độ 3. "Rất may nạn nhân chỉ bị thương trong quá trình pha chế, chưa xảy ra tình trạng nổ nên không bị đa chấn thương, vẫn giữ được chức năng nghe và giao tiếp", bác sĩ điều trị cho Hùng chia sẻ.
Trong bệnh viện, bên cạnh phòng Hùng đang điều trị còn có 2-3 bệnh nhân cũng là nạn nhân của pháo nổ. Tất cả đều đang đi học, bị sốc bỏng nặng, bỏng hô hấp, bỏng độ 2-3-4 ở đầu, mặt, thân, chi, diện tích bỏng trên 50%, hiện phải thở máy, chăm sóc tích cực.
"Có vẻ em may mắn hơn những người khác", nam sinh 17 tuổi nói.
Thanh Hùng chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp là nạn nhân của tai nạn do tự chế tạo pháo nổ mỗi dịp cuối năm. Thống kê của Bộ Y tế trong 5 năm gần nhất về số trường hợp tai nạn do pháo nổ trong dịp nghỉ Tết cho thấy xu hướng này liên tục gia tăng, ngoại trừ năm 2021 sụt giảm nhẹ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, Tết Nhâm Dần 2022, con số tiếp tục nhiều hơn.
Các bác sĩ cho biết nạn nhân của tai nạn pháo chủ yếu là trẻ vị thành niên từ 15 đến 20 tuổi, hầu hết bỏng độ 3-4 ở vùng đầu, mặt, cổ, thân, phải thở máy. Thành phần của thuốc pháo là đều hóa chất có tính dễ bắt cháy, khó dập lửa, thường gây bỏng nặng, nếu phát nổ có thể gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân. Một số người bị ngộ độc khí từ các chất cháy như lưu huỳnh, phốt pho... nhưng xét nghiệm rất khó phát hiện.
Thực tế đã ghi nhận không ít vụ việc đau lòng xảy ra trong quá trình tự chế tạo pháo. Mới nhất, chiều 25/12/2022, nhóm 5 học sinh tập trung tại căn nhà ở thị trấn Buôn Trấp (tỉnh Đắk Lắk) chế tại pháo. Trong quá trình nhồi, nén thuốc làm pháo phát nổ. Vụ tai nạn khiến hai học sinh tử vong và 2 em khác bị thương nặng.
Hậu quả thấy rõ nhưng tình trạng mua bán, chế tạo pháo xảy ra ngày càng nhiều. Thủ phạm đủ thành phần, lứa tuổi từ tiểu học đến đại học, số lượng tàng trữ ngày càng lớn. Như từ ngày 12/12 đến 24/12/2022, huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) phát hiện 21 đối tượng là học sinh trung học cơ sở có hành vi tàng trữ, sản xuất pháo nổ, thu giữ 17 kg pháo thành phẩm, 4 kg vật liệu sản xuất. Hay từ giữa tháng 9/2022 đến nay, công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 78 vụ với 115 đối tượng mua bán, sản xuất, vận chuyển pháo trái phép. Đáng chú ý, 43 vụ với 62 trường hợp vi phạm dưới 18 tuổi. Các đối tượng khai nhận đều mua nguyên liệu và học hướng dẫn trên mạng xã hội, sau lén lút chế tạo, đem bán.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, nguyên liệu làm thuốc pháo dễ kiếm bởi đều là hóa chất thông dụng, phục vụ đời sống dân sinh, cộng với tình trạng tràn lan các video hướng dẫn là một trong những nguyên nhân khiến nạn tự chế pháo gia tăng.
Điều ông Thịnh vừa nêu là có căn cứ. Chủ một cửa hàng cung cấp hóa chất khá lớn tại Hà Nội tiết lộ toàn bộ các chất có trong thuốc pháo đều sẵn hàng, giá 30.000-60.000 đồng một kg. "Do thời hạn sử dụng lên đến 2 năm, người dùng có thể mua về dùng dần hoặc đem bán lại cho người khác. Còn nếu mua với số lượng ít, khách hàng có thể đặt trên các sàn thương mại hoặc hội nhóm bán online", người này nói.
Theo khảo sát của phóng viên VnExpress, trên mạng xã hội có hơn 20 hội nhóm chuyên về pháo nổ, thu hút từ vài chục đến vài trăm người tham gia. Số lượng bài viết và thảo luận trong nhóm có xu hướng tăng trong dịp cuối năm.
Phóng viên VnExpress tìm hiểu trên một hội nhóm có gần 300 thành viên nhận thấy, số bài đăng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10/2022. Tính riêng trong tháng cuối năm, nhóm này có 30 bài viết chuyên giới thiệu nơi bán nguyên liệu làm thuốc pháo hoặc nhờ giải đáp các thắc mắc trong quá trình chế tạo. Dưới phần bình luận, nhiều người dùng để lại cách thức chế tạo với lời khẳng định "đã thử và thành công" hoặc chỉ cách mua hàng nhanh chóng, thuận tiện.
"Tùy vào loại pháo dự định làm sẽ có những video dạy phù hợp", Thanh Hùng nói. Không chỉ dạy cách trộn làm thuốc thông thường, các video dạy pha công thức, cách trộn hóa chất để tạo hiệu ứng nổ, tiếng hú, rền của pháo trên các tài khoản mạng xã hội có hàng nghìn người theo dõi.
"Nhưng nhóm người này đều thiếu kiến thức, kỹ năng, không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng hóa chất. Trong quá trình làm dễ xảy ra các tình huống bị ma sát, tạo tia lửa điện hay va đập, bắt lửa lúc vận chuyển... gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Trong khi đó, chuyên gia giáo dục học Vũ Thu Hương cho rằng do trẻ nhỏ ngày nay đang thiếu các hoạt động vui chơi, không gian giải trí lành mạnh, dễ nảy sinh tâm lý buồn chán và học theo những trò chơi độc hại.
"Con trẻ vốn đã thiếu kinh nghiệm sống, phụ huynh lại bận rộn, ít thời gian giáo dục, định hướng. Chưa kể, lỗ hổng lớn nhất của gia đình và nhà trường là không nhanh nhạy cập nhật kiến thức về pháp luật cho học sinh. Đơn cử như chế tạo pháo nổ, trẻ chỉ nghĩ cho vui, khoe khoang với bạn bè hoặc tăng thu nhập nhưng không biết sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng gì", chuyên gia nêu.
Trước đề xuất tìm cách ngăn chặn, kiểm soát thông tin đăng tải trên mạng xã hội, bà Hương nói khó vì tốn thời gian, công sức nhưng không làm sạch gốc rễ. Thay vào đó, chuyên gia khuyên gia đình và nhà trường nên cung cấp kiến thức về pháp luật, dạy trẻ những điều nên và không nên làm. Phụ huynh cũng cần tạo cơ hội để con bận rộn bằng những hoạt động giúp đỡ bố mẹ, bạn bè hoặc tự lập kế hoạch cho bản thân. "Khi trẻ không còn rảnh rỗi, những ý nghĩ và hành động nghịch dại sẽ không còn", bà Hương nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đốt pháo là phong tục truyền thống của người Việt mỗi dịp tết đến, xuân về, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu khôi phục các cơ sở sản xuất pháo phục vụ Tết nhưng cần đề cao tính an toàn. "Pháo làm bán cho người dân phải là loại nhỏ, không gây hại đến sức khỏe tính mạng. Làm được điều này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn khiến nạn chế pháo tự triệt tiêu", ông Thịnh đề xuất.
Với Thanh Hùng, sau hơn 10 ngày nằm viện, sức khỏe cậu đã ổn định, các vết bỏng trên mặt, thân trên đang khô miệng, dự kiến xuất viện trước Tết.
"Em bắt chước y như các video hướng dẫn trên mạng. Giờ em hối hận lắm, cũng may còn giữ được mạng sống. Năm nay coi như mất Tết", Hùng thở dài.
Quỳnh Nguyễn